Đại dịch COVID-19 “làm trật bánh” cuộc chiến chống AIDS

10/06/2021 - 13:25

PNO - Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua với tỷ lệ biểu quyết áp đảo tuyên bố kêu gọi hành động khẩn cấp để chấm dứt căn bệnh AIDS vào năm 2030, khi cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và làm gián đoạn khả năng tiếp cận thuốc đặc trị, phương pháp điều trị và chẩn đoán bệnh AIDS.

Đại dịch COVID-19 đã làm trật bánh các nỗ lực chống AIDS toàn cầu - Ảnh: Guardian
Đại dịch COVID-19 đã làm trật bánh các nỗ lực chống AIDS toàn cầu - Ảnh: Guardian

Tuyên bố cam kết 193 quốc gia thành viên của Đại hội đồng LHQ sẽ thực thi một văn kiện dài 18 trang, bao gồm giảm số ca nhiễm HIV mới hàng năm xuống dưới 370.000 người và số ca tử vong hàng năm liên quan đến AIDS xuống dưới 250.000 người vào năm 2025.

Tuyên bố cũng kêu gọi tiến tới xóa bỏ tất cả các dạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và làm việc khẩn cấp hướng tới tìm ra vắc-xin HIV và phương pháp chữa khỏi bệnh AIDS.

Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết tại phiên khai mạc cuộc họp cấp cao kéo dài ba ngày về AIDS với tỷ lệ bỏ phiếu 165-4, trong đó Nga, Belarus, Syria và Nicaragua bỏ phiếu chống. Trước cuộc bỏ phiếu, LHQ đã nhất trí bác bỏ ba sửa đổi do Nga đề xuất.

Nếu không có sự gia tăng mạnh mẽ về nguồn lực và “phạm vi bao phủ” những người dễ bị tổn thương và nhiễm bệnh, "chúng ta sẽ không thể kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030", LHQ cảnh báo.

LHQ cho biết đại dịch COVID-19 đã tạo ra những bước lùi trong cuộc chiến chống căn bệnh AIDS, “mở rộng các đường đứt gãy trong một thế giới bất bình đẳng sâu sắc và bộc lộ những nguy cơ của việc đầu tư dưới mức (cần thiết) vào y tế công cộng, hệ thống y tế và các dịch vụ công thiết yếu khác cho tất cả mọi người và sự chuẩn bị ứng phó đại dịch”.

Giám đốc Điều hành Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) Winnie Byanyima hoan nghênh việc thông qua tuyên bố và nói với Đại hội đồng LHQ đây “sẽ là cơ sở để chúng ta làm việc nhằm chấm dứt đại dịch AIDS đã tàn phá các cộng đồng trong vòng 40 năm nay”.

Bà nói rằng AIDS là “một trong những đại dịch nguy hiểm nhất của thời hiện đại”, 77,5 triệu người đã bị nhiễm HIV kể từ khi trường hợp đầu tiên được báo cáo vào năm 1981 và gần 35 triệu người đã chết vì căn bệnh này.

Bà nói: “Tình hình HIV đang không theo đúng quỹ đạo chúng ta cùng nhau cam kết. Thật vậy, giữa tác động kinh hoàng của cuộc khủng hoảng COVID, chúng ta thậm chí có thể thấy một đại dịch (AIDS) đang bùng phát trở lại”.

Về mặt tích cực, tuyên bố của Đại hội đồng LHQ cho biết từ năm 2001 đã giảm 54% số ca tử vong liên quan đến AIDS và giảm 37% số ca nhiễm HIV trên toàn cầu, nhưng LHQ cũng cảnh báo "tiến độ tổng thể đã chậm lại một cách nguy hiểm kể từ năm 2016".

LHQ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” rằng năm 2019 có 1,7 triệu ca nhiễm mới so với mục tiêu toàn cầu năm 2020 là ít hơn 500.000 ca nhiễm và số ca nhiễm HIV mới đã gia tăng ở ít nhất 33 quốc gia kể từ năm 2016.

Đại hội đồng LHQ cho biết, châu Phi, đặc biệt là châu Phi cận Sahara, đã chứng tỏ sự tiến bộ nhất trong việc giải quyết đại dịch AIDS, nhưng nó cũng vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. LHQ kêu gọi "hành động khẩn cấp và đặc biệt" để hạn chế tác hại của các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em gái vị thành niên và trẻ em.

Các thành viên Hội đồng LHQ hoan nghênh tiến bộ trong việc giảm nhiễm HIV và tử vong do AIDS ở Châu Á - Thái Bình Dương, Caribê, Tây và Trung Âu và Bắc Mỹ. Nhưng họ lưu ý rằng bất chấp những tiến bộ, “Caribe vẫn tiếp tục có tỷ lệ nhiễm cao nhất sau vùng cận Sahara của châu Phi,” trong khi số ca nhiễm HIV mới tiếp tục gia tăng ở Đông Âu, Trung Á, Mỹ Latinh, Trung Đông và Bắc Phi.

Bà Byanyima nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt bất bình đẳng trong việc cung cấp thuốc và đảm bảo các loại thuốc có thể ngăn ngừa tử vong của những người nhiễm HIV được sản xuất bởi nhiều nhà sản xuất với giá cả phải chăng, “đặc biệt là ở phía nam toàn cầu, nơi dịch bệnh tập trung cao”.

Giám đốc UNAIDS khẳng định: “Chúng ta không thể chấm dứt căn bệnh AIDS ở một quốc gia hay một châu lục, chúng ta chỉ có thể chấm dứt AIDS trên khắp toàn cầu”.

Thanh Hiền (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI