Số ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS tăng vì dịch COVID-19

28/11/2020 - 14:01

PNO - LHQ kêu gọi tập trung khẩn cấp vào HIV/AIDS vì đại dịch coronavirus đã làm chậm hoặc gián đoạn mọi trình tự điều trị về việc ngăn chặn căn bệnh này.

Một giám đốc cấp cao của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng kế hoạch tiến độ toàn cầu trong việc chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 có thể bị loại bỏ bởi virus corona.

Theo dữ liệu trong báo cáo hàng năm của UNAids, chỉ cần một sự gián đoạn sáu tháng đối với nguồn cung cấp y tế do COVID-19 gây ra có thể dẫn đến thêm 500.000 ca tử vong liên quan đến AIDS ở cận Sahara, châu Phi vào cuối năm 2021. Winnie Byanyima - Giám đốc điều hành của UNAids, cho biết thế giới đã không còn mục tiêu trong việc chống lại AIDS, và đại dịch “có khả năng làm cho mọi thứ đi xa hơn nữa”.

Một y tá tiêm thuốc kháng vi rút và thuốc kháng virus cho một bệnh nhân ở Nam Phi. Đại dịch đã làm gián đoạn việc cung cấp thuốc cho nhiều người trong số hơn 24 triệu người dùng chúng. Ảnh: Bram Janssen / AP
Một y tá trao thuốc cho một bệnh nhân HIV ở Nam Phi. Đại dịch đã làm gián đoạn việc cung cấp thuốc cho nhiều người trong số hơn 24 triệu đang sử dụng - Ảnh: AP

Kể từ năm 2010, các ca nhiễm mới HIV trên toàn cầu đã giảm 23% nhưng lại có những tiến triển rất thất thường. Các ca nhiễm trùng ở Đông và Nam Phi  giảm 38%, nhưng tăng 72% ở Đông Âu và Trung Á, 22% ở Trung Đông và Bắc Phi và 21% ở Mỹ Latinh.

Báo cáo cho thấy những người nhiễm HIV/AIDS có nhiều khả năng sống trong những điều kiện khó khăn hơn về thể chất. Họ có nguy cơ "chết vì COVID-19 tăng lên một cách đáng báo động”, trích trong báo cáo của UNAids.

Byanyima cho biết những phát hiện này đã làm nổi bật quy mô của đại dịch HIV mà từ lâu thế giới muốn đẩy lùi. “HIV đã trượt khỏi chương trình nghị sự quốc tế trong một số năm. Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo tiến tới ủng hộ cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc chấm dứt AIDS vào năm 2021 để giải quyết khẩn cấp các vấn đề còn tồn tại đang ngăn cản chúng ta chấm dứt dịch bệnh vào năm 2030” bà nói.

Đại dịch COVID-19 khiến những người nhiễm HIV/AIDS khó tiếp cận nguồn thuốc
Đại dịch COVID-19 khiến những người nhiễm HIV/AIDS khó tiếp cận nguồn thuốc

Theo bà Byanyima, việc đầu tư không đầy đủ vào các nỗ lực giải quyết HIV có nghĩa là hàng triệu người không được điều trị hoặc xét nghiệm. Khoảng 38 triệu người hiện đang sống chung với HIV, 25,4 triệu người trong số họ đang điều trị bằng thuốc. 

Việc không đạt được mục tiêu là cuối năm 2020 phải giảm tử vong liên quan đến AIDS xuống 500.000 hoặc ít hơn, và các ca nhiễm HIV mới ở mức tương tự hoặc ít hơn, đã khiến cho chiến dịch phải trả “một cái giá rất đắt”. Từ năm 2015 đến năm 2020, đã có thêm 3,5 triệu ca nhiễm HIV và 820.000 ca tử vong liên quan đến AIDS. Chỉ riêng năm ngoái đã có 690.000 ca tử vong có liên quan đến AIDS và 1,7 triệu ca nhiễm mới đã được ghi nhận.

“Chúng tôi đang đi chệch hướng đáng kể trong các mục tiêu toàn cầu của mình. Ngay cả trước khi COVID-19 bùng phát, chúng tôi đã biết mình đã đi sau và tác động của đại dịch càng đẩy chúng tôi ra xa hơn, đồng thời gây nguy hiểm cho sự tiến bộ trong tương lai", Giám đốc StopAids Mike Podmore cho biết.

Phụ nữ và trẻ em gái ở mọi lứa tuổi chiếm 59% số ca nhiễm HIV mới ở vùng cận Sahara, châu Phi.
Phụ nữ và trẻ em gái ở mọi lứa tuổi chiếm 59% số ca nhiễm HIV mới ở vùng cận Sahara, châu Phi

Báo cáo của UNAids cũng chỉ ra rằng ngân sách tiếp thị xã hội cho việc sử dụng bao cao su ở châu Phi cận Sahara đã bị cắt giảm trong những năm gần đây và một thế hệ thanh niên hoạt động tình dục mới đã không được tiếp xúc với sự khuyến cáo rầm rộ của một thập kỷ trước. Điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao nữ giới trong độ tuổi 15-24 chiếm 24% số ca nhiễm HIV trong năm 2019, khi họ chỉ chiếm 10% dân số.

Phụ nữ và trẻ em gái ở mọi lứa tuổi chiếm 59% số ca nhiễm HIV mới ở vùng cận Sahara, châu Phi. Nam giới từ 25 tuổi trở lên chiếm phần lớn số ca nhiễm HIV mới bên ngoài khu vực này. Báo cáo còn cho biết những người chuyển giới cũng có nguy cơ rất cao; trung bình, nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng của họ cao hơn 13 lần so với những người trưởng thành khác.

Ngoài ra, chính phủ Anh mới đây thông báo sẽ cắt giảm ngân sách viện trợ vào năm 2021 đang khiến nhiều người tham gia chống HIV/AIDS lo lắng.

“Chính phủ Anh đã dẫn đầu toàn cầu về ứng phó với HIV trong nhiều thập kỷ và những cắt giảm này có thể đồng nghĩa với việc cắt giảm đầu tư cho HIV và y tế toàn cầu, điều này càng làm suy yếu chiến dịch giảm nguy cơ lây nhiễm và tử vong cho HIV/AIDS gây ra", Podmore phát biểu.

Thảo Nguyễn (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI