'Đại chiến' nhạc thị trường và nhạc nghệ thuật: Nghệ sĩ nói gì?

20/01/2018 - 11:51

PNO - Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Châu Đăng Khoa, NSƯT Tạ Minh Tâm đã có những chia sẻ của mình về cuộc 'đại chiến' giữa nhạc thị trường và nhạc nghệ thuật.

'Đại chiến' nhạc thị trường và nhạc nghệ thuật: Nghe 'free' thì đừng đòi hỏi?

Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa: “Hàng hóa chỉ có giá trị khi được lưu thông”

* Thời gian qua, có không ít vụ ồn ào, chẳng hạn như "hot girl" Chi Pu đi hát, rồi cuộc “đại chiến” giữa nhạc sĩ Dương Cầm và ca sĩ Miu Lê… Từ đó, người ta phân ra nhạc giải trí, nhạc nghệ thuật. Anh có phân định như vậy không?

- Tôi không biết những nhạc sĩ khác thì sao nhưng với tôi, chỉ có nhạc hay và nhạc dở thôi. Chứ bây giờ, thước đo nào để gọi là nhạc nghệ thuật và không phải nghệ thuật? Hay chúng ta tự đặt ra nó là nghệ thuật, nó là giải trí? Tôi nghĩ, chẳng có thước đo nào cả. 

Với tôi, âm nhạc làm ra là phải có người nghe, phải có khán giả, chứ không phải để mốc meo. Nhạc sĩ sáng tác mà không có được một bài để người ta nhớ thì đó là thành công hay thất bại? Tất nhiên, trong chuyện này, mỗi người có một quan điểm riêng. Với tôi, không có thứ âm nhạc nào gọi là “nhạc rác”, “nhạc chợ”, “nhạc cấp cao”, “nhạc nghệ thuật” cả.

'Dai chien' nhac thi truong va nhac nghe thuat: Nghe si noi gi?

* Để đưa ra một kết luận như thế, chắc hẳn Châu Đăng Khoa cũng có nhiều trải nghiệm?

- Trước đây, tôi cũng cực đoan lắm, sáng tác những cái cao siêu. Đó là khi tôi mới bắt đầu vào nghề và muốn được công nhận. Nhưng sau đó, tôi  ngộ ra rằng, đó là thứ âm nhạc để đi thi, chứ không phải là nhạc để bán. Nhạc đó không bán cho ai được và cũng không ai muốn mua, không ai nghe hết. Lúc đó, tôi tự hỏi: “Ủa, mình làm nhạc vì mục đích gì vậy?” và sau đó cũng tự trả lời luôn: tôi muốn nhạc của mình được nhiều người nghe, được vang lên khắp nơi.

Tôi cho rằng, một món đồ có giá trị nhất khi nó được sử dụng. Dù nó là đồ hiệu cao cấp đi chăng nữa, nếu không được sử dụng, cứ để trong tủ kính thì nó vẫn là một thứ không có giá trị. Hàng hóa chỉ có giá trị khi nó được lưu thông mà thôi. 

* Với Khoa, âm nhạc là một sản phẩm hàng hóa?

- Có thể nói như vậy. Nó là một sản phẩm hàng hóa mang giá trị tinh thần. Âm nhạc có thể dùng để kinh doanh, nhạc sĩ sống được bằng nghề, tại sao nó không phải là 
hàng hóa? 

* Nhưng chúng ta cũng phải sòng phẳng nhìn nhận rằng, hiện nay có không ít ca khúc dễ dãi, lảm nhảm, nghe một lần rồi thôi…  

- Người nghe nhạc phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Hiện nay, khán giả của chúng ta vẫn quen nghe nhạc miễn phí, nên nghe bừa, nghe đại. Nếu một ngày, khán giả bỏ tiền ra cho sự lựa chọn của mình thì câu chuyện sẽ khác. Khi họ có ý thức hơn với sự lựa chọn của mình, chắc chắn những sản phẩm được xem là lảm nhảm, dễ dãi đó sẽ bị đào thải. 

* Anh nghĩ gì về loại nhạc dễ dãi, lảm nhảm đó?

- Việc ai nấy làm, cơm ai nấy ăn, lộc ai nấy hưởng, chẳng liên quan gì đến nhau. Tại sao lại chỉ trích? Chúng ta làm ra sản phẩm, đều có đối tượng khán giả riêng của mình. Nếu bạn làm ra một sản phẩm và bạn tự tin với sản phẩm đó, bạn để ý đến những chuyện bên ngoài làm gì? Mình cứ làm tốt việc của mình đi đã. Đừng bận tâm người ta nói về mình như thế nào. Quyền lựa chọn thuộc về khán giả, chứ không phải là một cá nhân nào đó. 

* Thế còn âm nhạc văn minh, âm nhạc tử tế mà một số người đề cập thì sao?

- Tôi vẫn giữ suy nghĩ tương tự như trên. Chẳng có thước đo nào cho sự văn minh, tử tế cả. Chúng ta đang mơ hồ bơi lội trong vũng lầy mà chúng ta tạo ra. Vấn đề ở đây là, chúng ta hãy đặt hết tâm huyết của mình vào đó cái đã. Đó là cái đầu tiên và cũng là điều duy nhất. Tất nhiên, đừng làm một sản phẩm quá dễ dãi. Nên chỉn chu, nghiêm túc nhất có thể.  

Nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm - Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM: “Nhiều người ngộ nhận sản phẩm giải trí là tác phẩm nghệ thuật” 

* Chào Nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm! Xin được hỏi thẳng, anh thấy tình hình âm nhạc Việt Nam hiện nay như thế nào? 

- Cũng có những nhân tố tích cực, những viên ngọc quý nhưng bị lẫn vào những thứ từa lưa, hỗn độn, nhất là thứ âm nhạc chỉ có tác dụng làm cho người ta sướng tai, nghe xong rồi thôi. 

Có không ít người chẳng có giọng mà vẫn xưng là ca sĩ; có không ít ca khúc hit mà tuổi thọ được tính bằng giờ, bài hát thì cứ trôi tuột, nghe xong chẳng đọng lại cái gì. Nó phản ánh một xã hội, nền kinh tế, văn hóa ở buổi giao thời, chồng chéo giữa các giá trị. 

Tính chất giao thời đó được biểu hiện trong cả âm nhạc. Nhưng biết làm sao bây giờ? Cuộc sống là cuộc đấu tranh vất vả vô cùng. Ai cũng có nhu cầu sống, làm việc; mà xã hội lại không cấm, luật không cấm, người ta có quyền, cứ để cho người ta làm. Mỗi người cứ làm tốt phần việc của mình, rồi nó sống hay chết yểu, sẽ do xã hội, thời gian gạn lọc.

'Dai chien' nhac thi truong va nhac nghe thuat: Nghe si noi gi?
 

* Đó có phải là sự thụt lùi không?

- Tôi không nói đây là bước thụt lùi, đi lên hay đi xuống. Điều đó hãy để mọi người suy ngẫm và tự đánh giá. Tôi cũng không có ý phủ nhận giá trị của âm nhạc thị trường, hay còn gọi là âm nhạc giải trí. Giải trí cũng có giá trị của giải trí chứ. Nhưng tôi cho rằng, dù đi theo hướng nào cũng phải có nền tảng và chúng ta cần phải sòng phẳng, rạch ròi về các giá trị. 

Có không ít người làm ra những sản phẩm giải trí, lại ngộ nhận đó là những tác phẩm nghệ thuật. Tôi hay đọc trên báo những câu đại loại như, nghệ sĩ này hy sinh vì nghệ thuật, nghệ sĩ kia cống hiến cho nghệ thuật. Nhưng không phải đâu.

* Bây giờ, một giọng hát làng nhàng nhưng có ngoại hình, vũ đạo đẹp cũng có thể nổi tiếng. Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng, học cũng chẳng để làm gì…

- Nền tảng kiến thức âm nhạc rất quan trọng; có nền tảng này, sẽ thúc đẩy sáng tạo. Có nền tảng, tự khắc sẽ có tư duy phân tích tác phẩm. Có hiểu biết về khoa học xã hội, nhạc sĩ sẽ chăm chút từng ca từ, ca sĩ sẽ không phải hát như tập đọc, khả năng cảm thụ bài hát cũng khác, xử lý giai điệu cũng sẽ tinh tế. 

* Nhưng, thứ âm nhạc mà anh cho rằng nghệ thuật đó lại không “được lòng” các bạn trẻ, đối tượng thưởng thức chính hiện nay?

- Giới trẻ đang là khách hàng, là “thượng đế” của âm nhạc Việt Nam nên người làm âm nhạc chiều lòng bộ phận giới trẻ cũng không có gì là lạ. Mà giới trẻ đa số chỉ thích những thứ vui vui, đơn giản, dễ chịu, thỏa mãn bản năng là chính. Và không ít người hiểu lầm, cho rằng thứ âm nhạc mình đang nghe là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực. Điều này xuất phát từ trình độ và nhận thức, từ cách giáo dục âm nhạc của chúng ta. 

* Nhưng cảm thụ âm nhạc nói cho cùng vẫn là cảm thụ mang tính chủ quan…  

-  Đúng là cảm thụ âm nhạc cũng mang tính chủ quan, nhưng vẫn có những tiêu chí cơ bản để đánh giá. Chẳng hạn, để đánh giá đó là ca sĩ chuyên nghiệp hay không, có hai yếu tố. Một là về chuyên môn: ca sĩ chuyên nghiệp phải giỏi chuyên môn; nhưng hiện nay, đang có thực trạng, nhiều người xưng là ca sĩ nhưng đến đọc nốt nhạc cũng sai. 

Hai là nhìn dưới góc độ nghề nghiệp: người nào làm nghề nào để sống thì đó là nghề chuyên nghiệp của họ. Trình độ chuyên nghiệp và công việc chuyên nghiệp là hai yếu tố để đánh giá một ca sĩ chuyên nghiệp hay không. 

* Thế những trường hợp không có giọng mà vẫn sống tốt, thậm chí sống khỏe  với “mác” ca sĩ thì sao?

- Thì đó là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng không có trình độ chuyên nghiệp.

* Nghe anh nói vậy, có nhiều nghệ sĩ đích thực sẽ thở dài đấy…

- Cũng chẳng có gì để mà thở dài cả. Điều này thuộc về sự lựa chọn của mỗi người. Những người một lòng một dạ với nghệ thuật thì người ta chẳng quan tâm tới thị trường, tới những ồn ào xung quanh đâu. 

Tôi nghĩ, cuộc sống bây giờ hỗn độn giữa các giá trị thực - ảo, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội và cơ hội đó chia đều cho tất cả mọi người. Giới nghệ sĩ tài năng, chân chính tuy không nổi tiếng đình đám, không phải là những cái tên nằm ở top “hàng đầu” trên các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến nhưng họ vẫn sống ổn với nghề. 

Không chỉ bản thân tôi, đồng nghiệp của tôi mà sinh viên của tôi vẫn sống tốt. Cho nên, đừng nhầm lẫn giữa sự nổi tiếng với giá trị thật. Chỉ có những người không tỉnh táo, không tin vào chính mình, không hài lòng với giá trị nghệ thuật của mình thì mới lăn tăn trước những hào nhoáng thị trường kia. Khi người ta tự tin với giá trị của mình thì sao phải băn khoăn?

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: “Nhạc giải trí đang được ưu ái quá nhiều”

Không riêng gì Việt Nam, ở đâu, âm nhạc giải trí (hay tạm gọi là âm nhạc đại chúng) cũng phát triển cả. Âm nhạc giải trí ít nhiều cũng mang lại một giá trị nào đó. Điều này, chúng ta không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nó không phải là đỉnh cao để chúng ta tôn vinh quá nhiều như vậy. Hiện nay, đang có một thực trạng: những người viết nhạc giải trí nhận được quá nhiều sự ưu ái của công chúng, đặc biệt là truyền thông. 

'Dai chien' nhac thi truong va nhac nghe thuat: Nghe si noi gi?
 

Có những thứ cần được khích lệ, đầu tư; có những thứ tự nó đã hoạt động rất mạnh rồi, chúng ta không cần đầu tư hay chú trọng vào đó nữa. Chúng ta không nên dành sự quan tâm quá lớn cho những thứ mà tự nó đã nảy nở, muốn dừng lại cũng không dừng được. Chúng ta không nên tiếp thêm năng lượng vào những hoạt động về âm nhạc thị trường, bởi không cần ai tác động vào thì tự bản thân nó cũng đã rất mạnh rồi. Trong khi đó, những dòng nhạc khác như nhạc truyền thống, nhạc giao hưởng - thính phòng, lại ít được ngó ngàng đến.

Đậu Dung 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI