Đại biểu Quốc hội kiến nghị nhập vắc xin COVID-19, ngừa dịch quay trở lại

22/05/2025 - 14:55

PNO - Tìm hiểu tại Trung tâm tiêm chủng, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết hiện chưa có vắc xin COVID-19. Nhiều hiệu thuốc cũng không có hàng hoặc đã hết hạn.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề xuất chủ động thuốc và vắc xin COVID-19 để ngừa dịch bệnh quay trở lại - ảnh: Media Quốc hội
ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề xuất chủ động thuốc và vắc xin COVID-19 để ngừa dịch bệnh quay trở lại

Chiều 22/5, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đề nghị Nhà nước có kế hoạch nhập khẩu vắc xin và chủ động về thuốc để ứng phó với dịch COVID-19 có thể quay trở lại.

Hiện nay, tại Thái Lan, dịch bệnh COVID-19 có xu hướng gia tăng, người dân của Thái Lan đã bắt đầu tiêm vắc xin. Đại biểu đã hỏi Trung tâm tiêm chủng nhưng được biết Việt Nam chưa có vắc xin.

“Chính phủ nên có chủ trương cho phép các bệnh viện, các trung tâm tiêm chủng tư nhân được nhập khẩu vắc xin COVID-19”, ông nói.

Đại biểu phân tích kỹ hơn, hiện COVID-19 đã được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, việc tiêm vắc xin hiện nay phải trả phí. Song Nhà nước cần có chủ trương để các đơn vị có thể nhập khẩu vắc xin, đồng thời hỗ trợ cho người có bệnh nền, người cao tuổi để phòng ngừa căn bệnh này.

Ông cho biết thêm, người thân đã tìm thuốc COVID-19 tại một số hiệu thuốc song các hàng này đều báo không còn thuốc điều trị COVID-19. Có nơi còn một hộp nhưng cũng đã hết hạn.

Từ bài học trong thời kỳ dịch bệnh, ông đề nghị có các biện pháp để chủ động ứng phó nếu dịch bệnh quay trở lại.

Trước đó, ngày 19/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong.

Để chủ động ứng phó với tình hình bệnh dịch COVID-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị giám đốc các bệnh viện, giám đốc sở y tế rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo dự báo tình hình bệnh dịch.

"Không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ", Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh.

Đồng thời, các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị y tế, vật tư y tế để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị và thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, đặc biệt là lây nhiễm qua đường hô hấp để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh.

Các đơn vị có giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, bệnh nặng, người cao tuổi…), khu vực hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI