Học tập suốt đời để không bị đào thải

09/07/2025 - 07:25

PNO - Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM - khẳng định, muốn tồn tại trong thời đại mới, bằng cấp nghề nghiệp phải gắn liền với kiến thức văn hóa và kỹ năng hành nghề.

Phóng viên: Thưa ông, thị trường lao động trong kỷ nguyên mới ở Việt Nam sẽ như thế nào?

Ông Trần Anh Tuấn: Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, tự tin vươn tới những thành tựu. Nhưng dưới tác động của công nghệ số, thị trường lao động Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức. Người lao động có trình độ, kỹ năng hạn chế có nguy cơ mất việc cao hơn.

Trong khi đó, thị trường lao động trong những năm tới sẽ nổi lên 4 xu hướng: gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; lao động khởi nghiệp, tự tạo việc làm gia tăng.

Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay, 68% công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng số cơ bản, trong đó có 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực số của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng để làm chủ các chương trình chuyển đổi số.

Do đó, các doanh nghiệp đang phải thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với các yêu cầu về năng lực thích ứng: giao tiếp hiệu quả với AI, ứng dụng công cụ phù hợp, kiểm soát rủi ro và ra quyết định chuẩn mực.

* Vậy, định nghĩa cụ thể của kỹ năng số là gì?

- Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), kỹ năng số được định nghĩa là khả năng sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, ứng dụng truyền thông và mạng internet để truy cập và quản lý thông tin.

Người lao động có thể tận dụng công nghệ kỹ thuật số để nâng cao năng lực và thích ứng trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Khung kỹ năng số cho lực lượng lao động nói chung được xác định gồm 7 năng lực: vận hành phần mềm và thiết bị, kiến thức về dữ liệu và thông tin, giao tiếp và cộng tác, sáng tạo nội dung kỹ thuật số, an toàn, giải quyết vấn đề, các năng lực liên quan đến nghề nghiệp ở 4 cấp độ thành thạo (cơ bản, trung cấp, cao cấp và chuyên môn cao).

Như vậy, nguồn nhân lực số là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, không chỉ tập trung vào kiến thức mà còn ứng dụng được các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, học máy, thực tế ảo…

* Trong bối cảnh này, học sinh tốt nghiệp THPT nên chọn ngành học như thế nào để giảm nguy cơ mất việc?

- Nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi “liệu trong tương lai, mình có thất nghiệp do AI không”. Tất nhiên là có, nhưng đi cùng với đó là cơ hội việc làm nhiều hơn cho nhân lực số, nhân lực chất lượng cao. Sự chuyển dịch này bắt buộc học sinh phải chọn ngành nghề phù hợp để trở thành một phần trong nguồn nhân lực phù hợp.

Ở thời đại này, nếu không đi học thì gần như bị bỏ lại sau. Còn học gì, học như thế nào là do lựa chọn của mỗi người. Khi tốt nghiệp THPT, có thể vào đại học, cao đẳng. Tốt nghiệp THCS thì học phổ thông, học giáo dục thường xuyên hoặc vào trường cao đẳng, trung cấp. Vấn đề là phải tự cân nhắc năng lực học tập, năng lực tài chính để lựa chọn ngành nghề.

Điều quan trọng không nằm ở việc kiếm được nhiều tiền, tạo dựng được danh tiếng hay không mà có làm nghề phù hợp hay không. Chọn đúng nghề mình yêu thích sẽ tạo ra niềm say mê, dù gặp khó khăn, người có niềm say mê sẽ vượt qua dễ dàng.

Điểm đặc trưng của thời kỳ công nghệ cao là học tập suốt đời, nâng cao năng lực làm việc phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và thị trường lao động có tính cạnh tranh toàn cầu.

Sự phù hợp nghề và giá trị hành nghề là 2 yếu tố quan trọng trong việc định hướng sự nghiệp. Phù hợp nghề là lựa chọn công việc tương thích với kỹ năng, kiến thức, sở thích và giá trị cá nhân.

Còn giá trị hành nghề là những điều mà một người coi trọng trong công việc, như sự công bằng, sự sáng tạo, sự ổn định. Khi 2 yếu tố này hòa hợp, người lao động sẽ cảm thấy thỏa mãn, có động lực và hiệu quả hơn trong công việc.

Nên nhớ rằng, bằng cấp nghề nghiệp phải gắn liền với kiến thức văn hóa phổ thông và đi đôi với giỏi nghề. Muốn vậy, phải có quá trình học tập chuyên sâu, bền bỉ và nỗ lực đạt những kết quả tốt trong quá trình hành nghề.

* Xin cảm ơn ông.

Trang Thư (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI