Đã đến lúc mạnh tay với những người “mượn niềm tin” để bán hàng

10/05/2025 - 13:16

PNO - Một lời khen của người nổi tiếng đôi khi có giá trị hơn cả một chiến dịch truyền thông chuyên nghiệp. Nhưng khi lời khen đó là bịa đặt, niềm tin sẽ bị đánh cắp và hậu quả đè nặng lên người tiêu dùng, lẫn doanh nghiệp chân chính.

Sáng 10/5, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Dự thảo lần này nhấn mạnh việc làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia quảng cáo trên không gian mạng và quảng cáo xuyên biên giới. Tuy nhiên, một đối tượng đặc biệt đang gây lo ngại lớn, người nổi tiếng, cũng cần có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn.

Đã đến lúc mạnh tay với nhưng người
Đã đến lúc mạnh tay hơn với những người “mượn niềm tin” để bán hàng

Không khó để bắt gặp hình ảnh một diễn viên, ca sĩ hay hot Tiktoker cầm trên tay một hộp thực phẩm chức năng, nói với giọng tràn đầy cảm xúc: “Tôi đã dùng thử và thấy hiệu quả rõ rệt”, “mẹ tôi uống 3 tháng nay và da dẻ hồng hào hơn hẳn”. Nhưng thực tế, phần lớn các nhân vật này chưa từng sử dụng sản phẩm, càng không có hiểu biết về thành phần hay công dụng thật sự.

Việc quảng cáo sai sự thật, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức mà còn tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng cho người dùng. Từ dị ứng, tổn thương gan, rối loạn nội tiết… đến việc trì hoãn điều trị y tế, tất cả có thể bắt nguồn từ một lời nói thiếu trách nhiệm.

Sự bùng nổ quảng cáo trên mạng xã hội khiến người tiêu dùng ngày càng khó phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là “nội dung trả tiền”. Việc người nổi tiếng tiếp tay cho quảng cáo gian dối làm xói mòn lòng tin công chúng, khiến cả những doanh nghiệp làm ăn tử tế cũng bị liên lụy.

Họ đầu tư nghiên cứu, kiểm định sản phẩm, xây dựng thương hiệu bằng uy tín… nhưng lại thua thiệt trước những sản phẩm được lăng xê rầm rộ nhờ chiêu trò và gương mặt nổi tiếng. Khi niềm tin bị bào mòn, người tiêu dùng dần quay lưng với mọi lời quảng cáo, kể cả những sản phẩm đáng tin cậy.

Để xử lý triệt để tình trạng quảng cáo sai sự thật từ người nổi tiếng, dự thảo Luật sửa đổi cần đi xa hơn các quy định chung, tiến tới xây dựng khung chế tài rõ ràng và đủ sức răn đe. Người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị y tế, cần bị buộc ký cam kết chịu trách nhiệm về tính xác thực của nội dung họ phát ngôn. Việc quảng cáo sai lệch, nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng, phải đi kèm với trách nhiệm dân sự, thậm chí truy cứu hình sự nếu hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, các trường hợp vi phạm cần được công khai danh tính trên phương tiện truyền thông chính thống, đồng thời xem xét cấm người đó tham gia quảng cáo trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ khi có các hình thức xử phạt nghiêm minh, bao gồm cả chế tài tài chính đủ lớn, những lời khen có cánh vô căn cứ mới không còn đất sống. Đồng thời, cần quy định bắt buộc mọi nội dung quảng cáo trên mạng xã hội phải dán nhãn rõ ràng là "nội dung trả phí", đảm bảo tính minh bạch, tránh đánh lừa người tiêu dùng bằng các hình thức truyền miệng trá hình.

Siết chặt trách nhiệm không phải để bóp nghẹt hoạt động quảng cáo, mà để trả lại sự công bằng cho thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, và giữ gìn niềm tin vốn đang bị bào mòn bởi những lời nói dối có chủ đích, núp bóng danh tiếng.

Khi tiếng nói của người nổi tiếng được trao kèm trách nhiệm pháp lý, quảng cáo sẽ không còn là cuộc chơi vô tội vạ. Quan trọng hơn, thị trường sẽ trở lại nguyên tắc công bằng - nơi sản phẩm tốt thật sự có cơ hội đến được tay người tiêu dùng.

Ngọc Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI