Đã đến lúc dừng đặt niềm tin vào quảng cáo trên mạng xã hội?

10/05/2025 - 09:03

PNO - Người tiêu dùng hãy chủ động bảo vệ chính mình, đừng vội tin những lời quảng cáo trên mạng xã hội.

Từ đầu năm, người tiêu dùng Việt Nam trải qua một loạt “cú sốc lòng tin” chưa từng có. Từ sự việc TikToker Quang Linh Vlogs bị phanh phui quảng cáo sai sự thật sản phẩm kẹo rau củ Kera, đến vụ việc sữa giả khiến biên tập viên Quang Minh và MC Vân Hugo bị xử phạt vì quảng cáo sai lệch.

Lòng se điếu từng được săn đón vì được đồn thổi là hàng hiếm đang bị nghi ngờ là
Lòng se điếu là món hiếm, có giá trị cao đang bị nghi ngờ được làm giả, ''phù phép'' từ lòng heo thông thường - Ảnh minh họa

Đỉnh điểm, “drama lòng se điếu” trở thành từ khóa nóng trên mạng xã hội trong những ngày vừa qua khi những lời tung hô một món ăn được cho là “hàng hiếm” bị nghi ngờ dàn dựng, thổi phồng. Tất cả những vụ việc ấy không chỉ là những cú đấm mạnh vào niềm tin công chúng, mà còn là lời cảnh tỉnh nghiêm túc về hành vi tiêu dùng của mỗi người trong thời đại mạng xã hội chi phối thị trường.

Đằng sau ánh hào quang của những KOLs, TikToker, YouTuber là gì? Là hàng trăm, hàng ngàn nhãn hàng sẵn sàng chi trả để đổi lấy vài phút xuất hiện trên một video lan truyền, là những lời nói có thể quyết định hành vi mua sắm của hàng trăm ngàn người theo dõi. Nhưng cũng chính sự dễ dãi trong quảng cáo, thiếu kiểm chứng và cái tâm chưa đủ vững đã khiến hình ảnh người nổi tiếng ngày càng trở nên mong manh trước công chúng. Khi uy tín được xây dựng từ niềm tin, thì một lời nói sai sự thật cũng đủ kéo sập tất cả.

Người tiêu dùng không phải lần đầu thất vọng. Nhưng điều khiến nỗi thất vọng lần này trở nên sâu sắc hơn, là vì các sự việc nối tiếp nhau, như hiệu ứng domino, phơi bày một thực trạng đáng lo ngại: quảng cáo mạng xã hội đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát, còn niềm tin công chúng thì bị đặt nhầm chỗ quá lâu. Từ món ăn đường phố đến thực phẩm chức năng, từ sữa cho trẻ nhỏ đến thuốc bổ người già - mọi thứ đều có thể được “nâng tầm” bởi vài ba lời giới thiệu ngọt ngào trên TikTok, YouTube. Càng là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, càng cần sự cẩn trọng, thì lại càng dễ bị thao túng bởi hình ảnh của những người nổi tiếng.

Theo báo cáo của Nielsen, có đến 92% người tiêu dùng tin vào lời giới thiệu từ bạn bè, người thân hoặc người họ yêu mến trên mạng xã hội hơn là từ nhà sản xuất. Con số đó cho thấy sức mạnh của “niềm tin xã hội” - nhưng cũng là lỗ hổng lớn nếu niềm tin ấy không đi kèm sự tỉnh táo. Chúng ta đã và đang để cảm xúc dẫn dắt hành vi mua sắm, trong khi lý trí lại bị bỏ quên sau những nút like, share, comment.

Những cú lừa truyền thông trên mạng xã hội không chỉ làm tổn thương lòng tin, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính và cuộc sống người tiêu dùng. Vì vậy, thay vì tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy hoài nghi - tin tưởng - rồi lại thất vọng, đã đến lúc mỗi người cần tự trang bị cho mình tư duy tiêu dùng thông minh.

Tiêu dùng thông minh không chỉ là cân nhắc giá cả, mà còn là kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, truy xuất thông tin từ các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Cục An toàn thực phẩm. Không tin mù quáng vào người nổi tiếng, đặc biệt khi họ không có chuyên môn, không đại diện pháp lý cho sản phẩm, và càng không chịu trách nhiệm nếu có rủi ro xảy ra. Hãy cẩn trọng trước những lời quảng cáo “số một”, “tốt nhất”, “hiếm có” - bởi càng rót mật ngọt vào tai, càng cần đề phòng đắng cay phía sau.

Người tiêu dùng không chỉ là nạn nhân của những cú lừa quảng cáo, mà còn là thành phần cấu thành một thị trường minh bạch, công bằng nếu biết nói “không” đúng lúc. Đừng chờ cơ quan chức năng vào cuộc mới giật mình nhận ra rủi ro. Hãy chủ động bảo vệ bản thân, phản ánh sai phạm, lan tỏa thông tin xác thực, góp phần nâng cao tiêu chuẩn đạo đức trong môi trường truyền thông số.

Giữa cơn bão “lòng se điếu” và những vết nứt niềm tin đang dần lan rộng, xin được nhắn nhủ một cách nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc: chúng ta - những người tiêu dùng, hãy đừng đặt cược sức khỏe và niềm tin của mình vào vài phút hào nhoáng trên mạng xã hội.

Là người tiêu dùng thông minh, hãy chủ động bảo vệ chính mình, đừng chờ cơ quan quản lý nhà nước sờ tới sản phẩm giả rồi mới vỡ ra để lại bị tổn thương lòng tin thêm nhiều lần nữa.

Nhật Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI