Cựu “nữ thần” Nepal đấu tranh trước mặt trái của truyền thống cổ xưa

23/07/2022 - 20:53

PNO - Thuở nhỏ, Chanira Bajracharya nổi tiếng khắp Nepal dưới vai trò kumari, hiện thân của một nữ thần. Thế nhưng khác với phần lớn kumari trong lịch sử phải đối diện cảnh đời cô độc và mù chữ, Chanira phấn đấu học tập nhằm xây dựng tương lai tươi sáng. Giờ đây cô đang khuyến khích những vị “nữ thần” kế nhiệm theo đuổi mục tiêu tương tự.

Bên trong văn phòng một công ty dịch vụ tài chính thuộc Patan – thành phố cổ tiếp giáp thủ đô Kathmandu, Chanira Bajracharya đang chăm chú xử lý giấy tờ công việc. Ít ai biết, cô gái 27 tuổi vừa lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh từng là một “nữ thần” được tôn kính trên toàn Nepal.

Sự nghiệp cá nhân thành công khiến Chanira khác biệt hơn hẳn số đông kumari – những phụ nữ vào giai đoạn trước tuổi dậy thì được kính trọng như hiện thân của một nữ thần Hindu. Thế nhưng rất nhiều người trong số họ không có cơ hội đến trường, phải chật vật hòa nhập cuộc sống khi trưởng thành.

“Ai dám giáo dục một vị thần?”

“Mọi người đã quen với niềm tin rằng, vì chúng tôi là đại diện cho thần linh, chúng tôi biết mọi thứ”, Chanira chia sẻ. “Ai dám nghĩ đến việc giáo dục một vị thần?”

Ngày nay, Chanira vẫn gắn bó với ngôi nhà thân thuộc tại Patan, nơi cô sinh ra và lớn lên. Đây cũng là địa điểm cô thực hiện nghĩa vụ linh thiêng được chỉ định của một kumari suốt 10 năm liền.     

Treo dày đặc trên tường một căn phòng là bộ sưu tập ảnh kỷ niệm, lưu giữ các khoảnh khắc khó quên của Chanira với bộ lễ phục kumari trang trọng cùng lớp trang điểm lộng lẫy. Trong một bức ảnh đặc biệt, cựu kumari đang hướng ánh nhìn uy nghiêm về phía vị vua cuối cùng của Nepal, quốc vương Gyanendra.

Chanira vẫn sống cùng gia đình tại ngôi nhà từng là nơi cô thực hiện nghĩa vụ của kumari
Chanira vẫn sống cùng gia đình tại ngôi nhà từng là nơi cô thực hiện nghĩa vụ của kumari

Thời còn đương nhiệm, Chanira thường đón tiếp hàng dài những vị khách đến thăm mỗi ngày. Họ quỳ dưới chân vị “nữ thần” nhỏ tuổi. Đôi chân, vốn theo đức tin truyền thống, không bao giờ được phép chạm xuống mặt đất bên ngoài nhà riêng của cô. Người dân tìm đến đây mang theo vô số tặng vật đắt tiền và trái cây tươi ngon đựng trong bát bằng đồng. Chanira lặng lẽ điểm lên trán từng vị khách dấu ấn tika bằng bột chu sa, với ý nghĩa chào đón và ban phước lành.      

Kumari (tức “đồng trinh” trong tiếng Nepal) là truyền thống lâu đời, hình thành cách đây 700 năm. Tục lệ tuyển chọn kumari dựa trên truyền thuyết về Taleju, nữ thần Hindu từng là cố vấn cho hoàng gia Nepal. Sau một lần bị xúc phạm, Taleju nổi giận và quyết định biến mất. Dù vậy, dưới sự khẩn cầu của nhà vua, nữ thần cho biết sẽ hiện thân vào một bé gái để tiếp tục công việc cố vấn nơi trần thế.

Từ thế kỉ 14, các bé gái sinh ra trong gia đình Phật giáo, thuộc tộc người Newar (người Nepal bản địa) sinh sống quanh khu vực Thung lũng Kathmandu, đều được ứng tuyển vào vai trò kumari. Quá trình chọn lựa trong mỗi thời đại đều diễn ra nghiêm ngặt, để tìm ra 3 kumari đại diện cho ba vương quốc cổ ở Kathmandu, bao gồm Patan.

Kumari là nét đặc trưng nổi danh, “giao thoa” giữa 2 nền tôn giáo lớn nhất quốc gia Nam Á – Phật giáo và Hindu giáo. “Về phạm trù đức tin, trẻ em được chúng tôi xem như những người bảo hộ,” Chunda Bajracharya, giáo sư chuyên ngành Ngôn ngữ Nepal, lý giải. “Kumari không chỉ là truyền thống văn hóa, mà còn là niềm tự hào của người Nepal”.  

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Kathmandu, Chanira là một trong những kumari hiếm hoi đạt được học vị và công việc đáng ngưỡng mộ
Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Kathmandu, Chanira là một trong những kumari hiếm hoi đạt được học vị và công việc đáng ngưỡng mộ

Hầu hết kumari trước Chanira, kể cả dì cô, Dhana Bajracharya, không được tạo điều kiện học tập. Sau khi trải qua kỳ kinh nguyệt đầu tiên – minh chứng họ đã bước qua tuổi dậy thì, kumari mất đi danh hiệu. Không ít người, vì thất học và khoảng thời gian dài bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, không thể có cuộc sống ổn định khi trưởng thành.

Chanira đang cố gắng thay đổi thực tế này, bằng cách kêu gọi những kumari đương thời tích cực học tập. Cô tin, tri thức vừa giúp ích thế hệ trẻ, vừa góp phần xóa bỏ làn sóng chỉ trích lâu nay, cho rằng truyền thống kumari tước đi quyền tự do và tuổi thơ của nhiều bé gái.

Một hành trình đáng nhớ

Trái ngược với nghi ngại từ công chúng, Chanira trân trọng khoảng thời gian được sống với vai trò kumari. “Đó là những ngày tháng tuyệt vời trong đời tôi”, cô nói. “Nhiều vị khách từ khắp nơi đến thăm tôi để được ban phước. Tôi cũng được tham gia nhiều lễ hội thú vị”.

Mặt khác, Chanira phản đối góc nhìn tiêu cực liên quan đến tục lệ kumari. “Mọi người từng nghĩ vì là đại diện của thần linh, các kumari phải theo đuổi lối sống cô quạnh. Chúng tôi không thể trò chuyện với người khác, không được chơi đùa thậm chí mỉm cười”, cô bày tỏ. “Khuynh hướng tư duy mang tính gán ghép ấy đôi khi khiến tôi khó chịu”.

Chanira mua sắm quần áo tại một ngôi chợ của Patan
Chanira mua sắm quần áo tại một ngôi chợ của Patan

Như lời Chanira, do đảm trách vai trò tôn giáo thiêng liêng, kumari được hết mực tôn kính. Thế nhưng đồng thời, họ gần như phải sống tách mình khỏi xã hội bên ngoài, không thể giao tiếp, cư xử tự nhiên.

Giai đoạn đương nhiệm từ năm 2001-2010, cựu kumari của Patan đã chứng kiến một số “cột mốc” đổi mới quan trọng nhất trong lịch sử Nepal. Tiêu biểu là sự kiện năm 2008, khi quê hương cô chính thức chấm dứt chế độ quân chủ đã kéo dài 240 năm, trở thành một quốc gia dân chủ cộng hòa. Cùng năm đó, Tòa án Tối cao Nepal chỉnh sửa quy định hiện hành về truyền thống kumari. Cụ thể, các kumari sẽ được tạo điều kiện giáo dục, bên cạnh quyền lợi về lương và trợ cấp khi họ kết thúc nhiệm kỳ.

“Khi xưa, trẻ em gái không thể đến trường. Nhưng giờ đây tất cả trẻ em đều có quyền đi học. Quyền tự do ấy cũng nên được trao cho các kumari”, nhà sư đứng đầu ngôi đền Taleju tại Kathmandu, chia sẻ.  

Trong quá khứ, kumari thường bị buộc sống xa gia đình. Thế nhưng vì Patan không có trung tâm nuôi dưỡng phù hợp cho mục đích này, Chanira được phép tiếp tục ở nhà. Thuở nhỏ, sau khi hoàn tất nghĩa vụ thường nhật của kumari, cô học cùng một gia sư riêng. Thời gian rảnh, Chanira vui chơi với nhóm anh em họ đồng tuổi và giải trí trên máy vi tính. Cô không thể tự ý rời nhà hoặc tham gia những hoạt động xã hội huyên náo.  

Dẫu không còn được gọi bằng danh xưng linh thiêng, Chanira đang nhận cố vấn một số kumari trẻ kế nhiệm. “Để sống trọn vẹn, chúng ta rất cần đến giáo dục”, cô nói. “Với vai trò kumari, chúng tôi phải gánh vác trách nhiệm văn hóa – tôn giáo không nhỏ. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi vẫn là người bình thường, vẫn nên có những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống”.

Ở văn phòng làm việc, Chanira có vẻ ngoài năng động không khác nhiều nữ đồng nghiệp xung quanh, vốn phần lớn đều trạc tuổi cô. “Là kumari, tôi từng không thể tự do cất tiếng nói. Giờ đây, tôi lại đảm trách một vị trí đòi hỏi việc giao tiếp linh hoạt mỗi ngày. Tôi nghĩ mình đã trải qua một hành trình đáng nhớ. Và vẫn còn rất nhiều điều tôi phải học”.

                                        

Như Ý (theo TheNewYorkTimes) 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi