Cứu bé gái bị bệnh tim hiếm gặp, thế giới chỉ có 4 ca

31/03/2017 - 17:11

PNO - Bệnh nhi may mắn này là bé N.Y.N. 2 tháng tuổi, quê ở tỉnh Sóc Trăng.

Ca quá khó... chưa từng gặp

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vừa công bố phẫu thuật thành công cho bé gái 2 tháng tuổi bị dị tật tim hiếm gặp. Người nhà bệnh nhi kể, N. là con đầu lòng nên mẹ bé rất tuân thủ việc khám thai định kỳ. Thậm chí, lúc mới lọt lòng, gia đình đã đưa bé đi kiểm tra sức khỏe nhưng không thấy có gì bất thường.

Bà ngoại của bé N.Y.N. sực nhớ: “Nhưng đến khi cháu được 2 tháng, bỗng khó thở, mệt mỏi, tím người nên gia đình đưa đến bệnh viện khám thì bác sĩ mới biết cháu tôi bị bệnh nặng. Nghe bệnh của N., ai cũng sợ, nhưng giờ đã mổ xong rồi thì tôi thấy vui lắm.”

Ngày 22/2/2017, bé N. được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng suy tim, mệt mỏi, thở khò khè, gan to, toàn thân tái tím, có dấu hiệu bị nhiễm trùng phổi,… Cầm kết quả xét nghiệm, các bác sĩ giật mình khi phát hiện bé N. bị cùng lúc 3 dị tật tim bẩm sinh. Một là dị tật thân chung động mạch, bắt buộc phải mổ trước khi bé 3 tháng tuổi; hai là bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi và bất thường vị trí xuất phát của động mạch vành (động mạch dẫn máu nuôi tim).

Cuu be gai bi benh tim hiem gap, the gioi chi co 4 ca


Ngày 10/3/2017, chuyên Khoa Nội tim mạch, Ngoại khoa, Khoa gây mê hồi sức mê, Hồi sức ngoại (hồi sức tim) đã hội chuẩn 2 lần, mỗi lần kéo dài nhiều giờ đồng hồ nhằm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất từ khâu chuẩn bị phẫu thuật, hậu phẫu thuật. Chỉ cần sức khỏe bé ổn định, êkip sẽ bắt tay vào phẫu thuật ngay, vì để càng lâu, bé càng đối diện với cái chết.ThS.BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 cho biết: “Chỉ bị một dị tật kể trên thì tính mạng đã nguy kịch, đằng này, bé bị một lúc cả 3 dị tật ở tim. Vì vậy, khi cầm kết quả xét nghiệm, 4 chuyên khoa của bệnh viện đã lập tức hội chuẩn để đưa ra phương án can thiệp tốt nhất cho bệnh nhân.”

Gây mê liệt tim để mổ

Ngày 14/3/2017, bé N. được đưa vào phòng mổ, bác sĩ Hà Văn Lượng, khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, cho biết: “Vì đây là ca phức tạp, bé chỉ có 1 mạch vành duy nhất. Mạch vành là nguồn sống của tim, nên chỉ một sơ xuất nhỏ, bé cũng có nguy cơ 'ra đi'. Êkip gây mê phải thực hiện gây mê liệt tim cho bé để êkip phẫu thuật làm việc. Khó khăn nhất là làm sao để vừa giảm áp lực cho tim, tránh gây ảnh hưởng về huyết áp, vì bé có thể suy tim, suy hô hấp bất cứ lúc nào.”

Trong phòng phẫu thuật phải lắp đặt 3 màn hình lớn, kỹ thuật viên vừa mổ vừa liên tục quan sát những chuyển biến liên quan đến điện tim, huyết áp, nhịp tim… Trước mổ, trong mổ, và sau mổ lúc nào cũng phải theo dõi sức khỏe của bé thật kỹ. Bác sĩ của khoa Nội tim mạch, hồi sức, phòng mổ,eeekip phòng mổ phối hợp nhịp nhàng, chỉ một sơ xuất nhỏ, bé N. suy tim ngay.

Sau 4 tiếng đồng hồ căng thẳng, cả eekip đều vui mừng khi ca phẫu thuật phức tạp này đã thành công. Tim bé N. đã ổn định. Cả phòng mổ đều thở phào nhẹ nhõm. Dù mệt nhưng các bác sĩ vẫn phấn khởi vì các dị tật phút chốc đã biến mất. Các bác sĩ đã chỉnh lại dị tật hồi lưu máu cho phổi, tái tạo động mạch phổi nhân tạo, đường đi đã được trả về vị trí đúng của nó.

Chẳng hiểu sao, bé có sức sống quá mãnh liệt

ThS.BS Ngô Kim Thơi, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp cho biết: “Sau cuộc phẫu thuật, chúng tôi phải mở hở xương ức của bé để tránh phù nề cho tim. Dự trù các chế phẩm máu, theo dõi sát huyết áp, đặt ống dẫn lưu ổ bụng. Sau khi mổ tim yếu nên trợ giúp cho thận lấy nước thải trong thận…. Tất cả phải được chuẩn bị kỹ càng để đề phòng biến chứng.”

Theo các bác sĩ, bé N. có một sức sống vô cùng mãnh liệt, sức khỏe bé tiến triển tích cực. Sau 2 ngày, các bác sĩ đã đóng lại xương ức. Sau 3 ngày, bé được rút nội khí quản, cai thở máy, không lâu sau đó bé đã được truyền dinh dưỡng. Ngày thứ 5 bé N. được chuyển lên phòng chăm sóc tích cực để theo dõi.

 Tuy ca phẫu thuật thành công nhưng tùy từng giai đoạn phát triển của bé thì bé phải được thực hiện tái tạo động mạch phổi nhiều lần sao cho phù hợp. 

Thân chung động mạch là dị tật tim hiếm gặp lúc mới sinh (bẩm sinh). Nếu có thân chung động mạch, một ống lớn, thay vì 2 ống riêng biệt dẫn máu ra khỏi tim. Ngoài ra, 2 ngăn dưới của tim bị thiếu một phần vách ngăn. Kết quả của thân chung động mạch dẫn tới máu nghèo oxy (đi đến phổi) và máu giàu oxy nên (đi đến phần còn lại của cơ thể) pha trộn với nhau. Điều này tạo ra vấn đề tuần hoàn nghiêm trọng.

Nếu không chữa trị, thân chung động mạch thường gây tử vong trong năm đầu tiên của cuộc sống. Phẫu thuật để sửa chữa tim và các mạch máu nói chung là thành công, đặc biệt là nếu sửa chữa xảy ra trước khi bé được 2 tháng tuổi.

Bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi là dị tật khá hiếm gặp, chiếm khoảng 1,5 - 3% bệnh tim bẩm sinh. Nếu không điều trị, chỉ có khoảng 20% sống đến 1 tuổi, và 50% trong số này sống được trên 3 tuổi. Tử vong sớm hay xảy ra ở những trẻ có hẹp đường tĩnh mạch phổi dẫn máu về tim hoặc lỗ thông liên nhĩ nhỏ, và thường trong vài tuần hoặc vài tháng đầu sau sinh, với các triệu chứng như khó thở, tím và các biểu hiện giảm cung lượng tim.

Bất thường lỗ xuất phát động mạch vành là một bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp với tỷ lệ mắc bệnh 1%, nhưng điều đặc biệt là thường không được phát hiện khi bệnh nhân còn nhỏ. Đôi khi người bệnh chỉ được phát hiện tình cờ khi đến khám sức khỏe mà không có triệu chứng trên lâm sàng. Bệnh dễ gây ra các biến chứng nặng nề, thậm chí có thể đột tử.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI