Vì sao viêm cơ tim làm nhiều bé tử vong đột ngột ở phòng khám?

18/03/2017 - 10:30

PNO - Gần đây, liên tiếp trẻ em được đưa đến các phòng khám để điều trị bệnh, nhưng không lâu sau thì được bác sĩ thông báo bé tử vong do viêm cơ tim.

Theo BS CKII Nguyễn Tri Thức, Trưởng khoa Điều trị rối loạn nhịp tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, viêm cơ tim không phải là bệnh bẩm sinh, mà bệnh xuất khởi do nhiều nguyên nhân. Phần lớn, người bệnh bị lây nhiễm từ các tác nhân vi sinh vật hay các nhân vật lý như tia xạ, hạ thân nhiệt, tăng thân nhiệt…

Ban đầu, người mắc bệnh sẽ có các triệu chứng giống với bệnh cảm cúm như: sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ, mệt mỏi,… nên rất nhiều người bị nhầm lẫn bệnh và tự mua thuốc điều trị. Ở trẻ em, triệu chứng thường thấy của bệnh viêm cơ tim là trẻ cáu gắt, lơ mơ, có nhiều cơn tím tái, sốt, hạ thân nhiệt, thở nhanh, lo âu, vã mồ hôi.

Bệnh viêm cơ tim diễn ra rất nhanh và rất nặng, người bệnh thường khó thở, hồi hợp, đau ngực, loạn nhịp tim. Lúc này, bệnh lại giống viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng phổi… Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ tập trung nhiều vào tim. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể đột tử, rối loạn nhịp tim, suy tim nặng. 

Ở Việt Nam, thông thường các bệnh nhân viêm cơ tim đến bệnh viện khi bệnh đã trở nặng. Vì vậy, tỉ lệ tử vong do các biến chứng của viêm cơ tim rất cao.

Vi sao viem co tim lam nhieu be tu vong dot ngot o phong kham?
 

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức đang tìm hiểu về bệnh lý bệnh nhân.

Bác sĩ Thức cho biết, mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp nhận khoảng 200 đến 400 bệnh nhân bị viêm cơ tim. Phần lớn là thanh thiếu niên từ 16 - 25 tuổi. Đa số những bệnh nhân này bị viêm cơ tim nhẹ, được chẩn đoán, điều trị kịp thời nên từ 3 - 5 ngày có thể xuất viện.

Đối với viêm cơ tim thể bùng phát, mặc dù biểu hiện bệnh rất dữ dội và nặng nề, nhưng khả năng phục hồi lại rất cao, 95% bệnh nhân vẫn sống sau 12 năm mắc bệnh (thường gặp ở người trẻ). Đối với viêm cơ tim cấp (thường gặp ở người lớn), mặc dù bệnh diễn tiến chậm hơn, nhưng tiên lượng lại kém hơn.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp người bệnh nhập viện trong tình trạng bệnh tiến triển nặng nề nhưng vẫn có thể phục hồi nhanh chóng, “Như bệnh nhân L.T.L, nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, nhịp tim chậm, lơ mơ, tiếp xúc chậm, không thực hiện được các y lệnh của bác sĩ…

Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị viêm cơ tim cấp, biến chứng gây tổn thương đa cơ quan. Tế bào ở các cơ quan chết ồ ạt, tim gần như ngưng đạp, suy thận,… Tuy nhiên, được cấp cứu kịp thời, sau 3 tuần, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn. Sau 3 tháng, bệnh nhân đã có thể đi làm lại như người bình thường.”, bác sĩ Thức chia sẻ.

Bác sĩ Thức cho biết: “Viêm cơ tim có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng phần lớn người mắc bệnh là các em nhỏ. 

Viêm cơ tim có nhiều thể khác nhau, như viêm cơ tim mạn, viêm cơ tim cấp, viêm cơ tim thể tối cấp hay còn gọi là thể bùng phát, thể ồ ạt. Viêm cơ tim bùng phát thường diễn tiến rất nhanh và gây tử vong trong thời gian rất ngắn. có thể trong vòng vài giờ hoặc 1, 2 ngày. 

Vì vậy, người bệnh nên đến các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa sâu về bệnh lý tim mạch để được điều trị và can thiệp kịp thời.”

Trong một nghiên cứu tại Hoa Kỳ, 46% trường hợp trẻ em mắc bệnh cơ tim dãn nở do di chứng của viêm cơ tim. Từ 8 - 12% thanh thiếu niên bị viêm cơ tim dẫn đến đột tử. 75% trẻ sơ sinh tử vong vì bị viêm cơ tim do Coxsackie Virut B.

Với viêm cơ tim thể bùng phát, mặc dù biểu hiện bệnh rất dữ dội và nặng nề, nhưng khả năng phục hồi lại rất cao, 95% bệnh nhân trẻ tuổi vẫn sống sau 12 năm mắc bệnh. Ở người lớn, bệnh diễn tiến chậm hơn, nhưng tiên lượng sống lại kém hơn với tỉ lệ khoảng 45%.

Bác sĩ Thức khuyến cáo, viêm cơ tim thường xảy do các tác nhân vi sinh vật. Vì vậy, để phòng chống bệnh, người dân cần phải chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể, an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ vệ sinh môi trường sống. 

Đặc biệt, mọi người cần tìm hiểu, tiêm phòng đầy đủ. Bên cạnh đó, khám bệnh tổng quát định kỳ nhằm hạn chế nguy cơ mắc phải viêm cơ tim. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI