Cuộc sống chênh vênh của những đứa trẻ mồ côi sau đại dịch

01/07/2022 - 06:17

PNO - Quận 8 (TPHCM) có hơn 383 trẻ mồ côi do dịch COVID-19, nhưng đến nay vẫn còn 127 trẻ chưa được hỗ trợ lâu dài.

 

Cháu Huỳnh Hồng H. lúc nào cũng ôm chiếc điện thoại có hình ảnh của người mẹ trên tay
Cháu Huỳnh Hồng H. lúc nào cũng ôm chiếc điện thoại có hình ảnh của người mẹ trên tay

Nghe ai hát bản nhạc mẹ hay hát thì ngồi khóc   

Nghe có người đến tìm cháu mình là Huỳnh Hồng H., bảy tuổi, chị Trương Thị Hồng Đẹp rửa qua loa đôi bàn tay bám đầy vảy cá rồi đứng dậy dẫn khách về nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở đường Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8. Một bàn thờ mới và cả gian bếp phục vụ cho bữa ăn hằng ngày của cả gia đình năm người dồn hết vào căn phòng trọ nhỏ xíu, lỉnh kỉnh đồ đạc. Bé H. ngồi thu lu, ánh mắt ngơ ngác khi nhìn thấy người lạ.

Chị Đẹp kể, em gái chị là Trương Thị Hồng Oanh (mẹ H.) mất ngày 22/8 âm lịch năm ngoái vì nhiễm COVID-19. Trước đó, chị Oanh đã nhiều lần rủ chị gái về quê sau nhiều năm tha hương mưu sinh vất vả.

“Nó nói nhà tui lên đây năm người, giờ còn lại bốn, lưu luyến chi mà ở miết”, chị Đẹp nói, rồi gạt nước mắt chỉ tay về phía bàn thờ mới đặt ở góc phòng. Đó là bàn thờ con trai chị, cháu mất mấy ngày trước khi lệnh giãn cách thành phố diễn ra.

“Một buổi sáng nó nói buồn ngủ, nhờ tui lấy cho cái gối ôm, dặn mẹ đừng kêu con dậy rồi ngủ luôn, ra đi ngọt xớt vậy đó”, chị Đẹp kể lại tình huống mất đi đứa con trai út mà đến tận hôm nay, chị vẫn chưa hiểu nguyên nhân cái chết của con là gì. Mất con chưa được bao lâu thì chị mất thêm đứa em gái.

Nhưng đau buồn mãi thì ai làm, ai lo cho con cháu, thế nên chị gắng gượng đứng dậy, tiếp tục buôn bán. 

Từ ngày mất mẹ, cháu H. thường sang ở nhà dì. Cũng nhờ vậy mà ba của H. yên tâm đi làm. Nhà chật hẹp lại thêm người nên hai con trai của chị Đẹp dọn ra thuê căn phòng trọ ở gần đó để nhường không gian cho cha mẹ và đứa em họ.

Cũng từ đó, cả thế giới của H. giới hạn trong bốn bức vách của căn phòng và chiếc điện thoại của mẹ để lại. Mỗi sáng, chị Đẹp bê thau tôm cá ra đường bán kiếm sống. Thỉnh thoảng, chị lại tranh thủ chạy về coi ngó cháu mình, rồi lại chạy ra. Với điều kiện sống như vậy, cháu H. gần như chẳng nói chuyện với ai.

Năm nay cháu sẽ vào lớp Một, chi hội phụ nữ đã hỗ trợ làm hồ sơ nhập học cho cháu nhưng sách vở và tâm lý của việc đi học thì cháu vẫn chưa được chuẩn bị.

Nhà có khách nhưng H. cứ dán mắt vào điện thoại, chỉ ngẩng đầu lên, gật đầu hoặc lắc đầu khi có ai nhắc đến mình. Hỏi cháu đang chơi gì, cháu chìa điện thoại ra với những bức ảnh của mẹ.

“Nó ít khi nhắc đến mẹ. Khi nghe ai đó hát bản nhạc hồi trước mẹ nó hay hát thì nó ngồi khóc. Tôi hỏi thì nó bảo mẹ nó hay hát bản này, rồi mở điện thoại lên coi hình mẹ miết vậy đó”, chị Đẹp kể. 

Nhiều trẻ mồ côi chờ được hỗ trợ 

Bà Nguyễn Thị Lệ ngày nào cũng khóc khi nghĩ đến tương lai của đứa cháu nhỏ mồ côi mẹ
Bà Nguyễn Thị Lệ ngày nào cũng khóc khi nghĩ đến tương lai của đứa cháu nhỏ mồ côi mẹ

Trong căn nhà tại phường 7, quận 8, bà Nguyễn Thị Lệ, 63 tuổi, ôm đứa cháu nhỏ là H.T.T. để ru ngủ. Còn hơn một tháng nữa thì cháu T. đầy năm, nhưng thể trạng của cháu yếu ớt, chỉ nặng hơn 7kg. Ngày 14/8/2021, để bảo vệ sự sống cho cháu T., các bác sĩ đã phẫu thuật để tách cháu ra khỏi người mẹ đang bị mắc COVID-19. Cháu ra đời ở tháng thứ bảy của thai kỳ với cân nặng chỉ 1,2kg. Đến ngày 28/10/2021, mẹ cháu mất khi chưa kịp nhìn thấy mặt con. Cha của đứa cháu là ai cũng không ai biết.

Bà Lệ vừa chịu nỗi đau mất con, vừa phải gánh gồng để nuôi đứa cháu. Mái tóc bà bạc trắng chỉ sau vài ngày. Bà mếu máo, đôi mắt đỏ hoe: “Hơn một năm nay, ngày nào tui cũng khóc. Số mẹ con nó sao khổ quá”.

Sinh non nên cháu T. thường xuyên phải ra vào bệnh viện. Trước đây, bà Lệ nhận hàng về may gia công để kiếm sống, nhưng từ ngày có cháu bà không làm được nữa. “May có dì nó đi bán dừa ngoài mé rạch phụ tui đồng ra đồng vô để nuôi nó”, bà Lệ nói.

Không chỉ là nỗi buồn của người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh mà COVID-19 còn để lại gánh nặng trên vai bao người lớn tuổi. Bà Lý Bạch Khuê, ngụ phường 8, quận 8, không chỉ mất chồng mà mất luôn người con trai duy nhất. Thế nên tuổi già, ốm đau, không có khả năng lao động nhưng bà lại phải lo cho ba đứa cháu nội đang tuổi ăn tuổi lớn.

Không có nhà, cả ba bà cháu đang nương tựa nhà người cô ruột đã hơn 70 tuổi, cũng không có khả năng giúp đỡ. Bà Khuê cho hay, gần một năm nay, bữa cơm của ba bà cháu chỉ có mì gói qua ngày.

Theo số liệu do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 8 tổng hợp, toàn quận có 383 trẻ mồ côi do COVID-19 được UBND quận đưa vào đề án hỗ trợ kinh phí, an sinh lâu dài. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, phát động các chi đảng bộ trên địa bàn chung tay đóng góp, hỗ trợ và đỡ đầu hằng tháng cho 256 trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhất. Số còn lại là 127 trẻ vẫn chưa có được sự hỗ trợ lâu dài

Phần lớn các trẻ mồ côi vì COVID-19 đều có hoàn cảnh khó khăn. Có trẻ trước đây bị cha mẹ bỏ rơi, sống với ông bà, nhưng ông bà cũng mất trong đại dịch. Nhiều trường hợp, trong một hộ gia đình có đến hai, ba trẻ mồ côi. Trong thời gian qua, chính quyền quận 8 rất muốn tập trung nguồn lực để chăm lo lâu dài cho các trẻ.

Ngoài việc tập trung một số giải pháp chăm lo vật chất như sửa nhà, chăm lo học bổng, nhu yếu phẩm… cho các em, quận cũng đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, phát động các chi bộ đảng, chi bộ khu phố, trường học trên địa bàn chung tay hỗ trợ các em về mặt tinh thần như tổ chức dạy bơi, nắm bắt tình hình đời sống của trẻ để giải quyết những vấn đề nảy sinh như tình trạng trẻ bị bạo lực, bị lợi dụng, tranh chấp tài sản sau khi ba mẹ mất…

Chúng tôi đang cố gắng kết nối để tìm thêm nguồn lực chăm lo cho trẻ, đặc biệt là hướng đến vận động đỡ đầu, chăm lo hằng tháng, ít nhất là 1 triệu đồng/trẻ để giúp các em ổn định lâu dài.

Bà Trần Thanh Hà - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 8

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI