Cuộc sống bên trong khu vực cách ly ngừa virus corona của TPHCM và Lạng Sơn

07/02/2020 - 14:22

PNO - Việc cách ly, theo dõi người trở về từ vùng có dịch, người tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV được xem là giải pháp quan trọng nhất hiện nay nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Điểm cách ly thuộc quân đội quản lý

Tại Trung đoàn 123 (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn) có một gia đình là học viên du học tại Trung Quốc được đón về Việt Nam cách ly.

Các thành viên trong gia đình là anh Nguyễn Thanh Tú (SN 1985), giảng viên ĐHSP Thái Nguyên cùng vợ là chị Nguyễn Thị Nhâm, cũng là giảng viên cùng trường. Cả hai là du học viên tại thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Ngoài ra còn cháu Nguyễn Trọng Kiên (5 tuổi), là con trai của vợ chồng anh Tú hiện đang được cách ly cùng bố mẹ từ ngày 5/2.

Hai cha con anh Tú tại khu vực cách ly.
Hai cha con anh Tú tại khu vực cách ly

"Gia đình em được bố trí một phòng riêng tại đơn vị quân đội. Mọi người khi vào đây được cán bộ Trung đoàn phổ biến nội quy ăn ở, sinh hoạt, nội quy giữ gìn vệ sinh chung... Em rất tin tưởng và tuân thủ theo quy chế chung của đơn vị", giảng viên này cho biết.

Được biết, tại Trung đoàn 123, đơn vị đã bố trí 7 dãy nhà của chiến sỹ làm nơi ăn ở, sinh hoạt cho các công dân Việt Nam vừa trở về từ Trung Quốc. Tổng số người hiện đang được tiếp nhận, cách ly tính đến sáng 7/2 là 410 người. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 123 cho biết, trong số người nói trên có hơn 100 người là nữ, 8 cháu bé trong độ tuổi từ 2 đến 10 tuổi.

"Đối với các gia đình có cháu nhỏ đi  theo bố mẹ được đơn vị bố trí phòng ở, sinh hoạt riêng. Có 5 gia đình có con nhỏ được tiếp nhận, cách ly. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo lo cho các cháu thêm các khẩu phần khác như sữa, bánh kẹo... để đảm bảo sức khỏe, chế độ dinh dưỡng. Hàng ngày, chiến sỹ tiếp nước nóng đun sôi, đun nước nóng để các công dân sử dụng, sinh hoạt, đảm bảo không thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu" - Thượng tá Quyền thông tin.

Các phòng cách ly đều dán thông tin để người dân liên hệ khi cần thiết.
Chị Đoàn Thị Hằng (quê Thanh Hóa) có con là cháu Đoàn Hải Yến - 15 tháng tuổi vừa được đơn vị tiếp nhận ngày 5/2. Mẹ con chị được bố trí một phòng ở riêng, hàng ngày cán bộ chiến sỹ Trung đoàn đưa cơm, suất ăn tới tận phòng; được thăm khám, theo dõi theo chế độ.

Cũng theo Trung đoàn trưởng Trung đoàn 123, công dân lớn tuổi nhất đang được tiếp nhận, cách ly tại đơn vị là ông Bùi Trọng Đê (SN 1963, quê Đồ Sơn, Hải Phòng). Ông Đê cho biết, ông là lao động tự do sang Quảng Đông (Trung Quốc) làm thuê từ tháng 5/2019. 

"Khó khăn nhất cho đơn vị, hầu hết bà con là lao động tự do nên nhận thức hạn chế. Trong ngày đầu tiên, nhiều người còn không hợp tác, họ nói mình vẫn khỏe mạnh, không ốm yếu nên không cần cách ly. Tuy nhiên, sau khi được giải thích, tuyên truyền, bà con đã hiểu ra và hợp tác với cán bộ, bác sỹ", ông Quyền nói.

Theo quy định, các công dân được cách ly sẽ được theo dõi trong 14 ngày, tính từ thời điểm đơn vị tiếp nhận. Tại trung tâm cách ly Trung đoàn 123 hiện có 22 cán bộ bác sỹ quân y và cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn được điều động sang làm nhiệm vụ. Chế độ theo dõi diễn biến sức khỏe của các công dân được thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cập nhật thường xuyên ngày 2 lần để báo cáo về Sở Y tế. Hiện có 6 trường hợp bị sốt, cảm cúm đã được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn để điều trị, theo dõi.

Điểm cách ly nằm chung với khu dân cư

Hẻm 382 đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường 5, quận 3, TPHCM) vốn luôn ồn ào vì tập trung nhiều khách sạn, quán cà phê, phòng mạch, trường tiểu học… Nhưng từ ngày 1/2, khi khách sạn Triều Hân (địa chỉ 382/1-3, Nguyễn Thị Minh Khai) bị cách ly đến nay, không khí ở đây khá yên ắng.

Cách khách sạn Triều Hân vài căn nhà, phòng khám này cũng đóng cửa
Cả con hẻm có khách sạn Triều Hân vắng vẻ

Sáng 6/2, một chiếc xe máy giao hàng dừng lại trước cửa khách sạn, lập tức lực lượng dân quân tự vệ nhắc nhở di chuyển ra xa hơn. Mọi giao tiếp với những người cách ly phải thông qua một dân quân tự vệ ở đây. Sau khi chuyển đồ cho người cách ly, anh dân quân tự vệ dùng cồn sát trùng, rửa sạch hai tay mình. Những dân quân tự vệ cũng kiêm luôn người đi chợ, mua thức ăn để nhân viên chế biến cho 18 người bị cách ly.

Anh dân quân tự vệ mua bánh mì và chuyển cho những người đang cách ly
Anh dân quân tự vệ mua bánh mì và chuyển cho những người đang cách ly

8 giờ sáng và 14 giờ chiều mỗi ngày là thời điểm tất cả 18 người đang cách ly trong khách sạn hoàn tất việc đo thân nhiệt. Kết quả sẽ được thông báo cho ngành y tế. Tới nay, chưa ai có dấu hiệu bị sốt, ho hay khó thở.

Vào mỗi sáng, 8 nhân viên cùng giúp nhau lau chùi khách sạn bằng dung dịch sát khuẩn do ngành y tế hướng dẫn. Dù thường ngày việc vệ sinh là của tạp vụ nhưng trong hoàn cảnh này, mỗi người đều hỗ trợ nhau. 

Sau “thủ tục” vệ sinh bắt buộc, ai về vị trí nấy. Ông Nguyễn Ngọc Thân và 2 đồng nghiệp bảo vệ ngồi nhâm nhi tách trà nóng bên chiếc bàn ở khu vực để xe. 

Theo ông Thân, tất cả 8 nhân viên (gồm 3 bảo vệ, 3 tiếp tân, 2 tạp vụ) và 10 vị khách lưu trú ở đây đều bị động khi bị cách ly. Hàng ngày, vợ ông từ nhà ở quận 9 mang quần áo mới lên cho ông thay. Ông không giặt chung quần áo với mọi người vì như thế phải chờ rất lâu. 

Bà Huỳnh Thị Nha là tạp vụ của khách sạn, nhà ở quận 5, có hai con gái đang mới học lớp 8 và lớp 9. Chồng vắng nhà thường xuyên nên bà hay gọi điện thoại nhắc nhở hai con gái hạn chế ra đường để phòng, tránh virus corona.

Ông Nguyễn Ngọc Thân ngồi ở vị trí quen thuộc của mình ở khách sạn
Ông Nguyễn Ngọc Thân ngồi ở vị trí quen thuộc của mình ở khách sạn

Trong 10 khách lưu trú, có 6 Việt kiều các nước Mỹ, Canada, Úc… Một Việt kiều buộc phải hủy 2 vé đi Hàn Quốc. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thân, dù không vui vì bị cách ly nhưng tất cả đều tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về việc không ra ngoài, không tiếp xúc với người ngoài, về khử khuẩn để phòng, chống dịch. 

Khách sạn Triều Hân sẽ chấm dứt cách ly vào ngày 15/2/2020. Hiện tại, TPHCM chấp nhận nguyện vọng để 18 người cách ly tại đây, không chuyển về khu cách ly của Bệnh viện quận 3. 

Chi Mai - Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI