“Cuộc chiến” giành con khi ly hôn: Nỗi ân hận muộn màng của người trong cuộc

09/04/2021 - 17:31

PNO - Miệt mài trong cuộc chiến giành con, sau 5 năm, 10 năm, mất biết bao thời gian, công sức, sức khỏe, tiền bạc, họ quyết định buông tay vì đã quá mệt mỏi. Nhìn lại, họ cay đắng nhận ra: Mình thật là ngớ ngẩn! Và những đứa trẻ, liệu có hạnh phúc khi ba mẹ chúng cứ nhân danh tình thương để giành giật như một quả bóng trên sân…

LTS: Ly hôn, là một thất bại hết sức nặng nề và cay đắng trong hôn nhân. Sau ly hôn, người ta sẽ rơi vào cảm giác hụt hẫng, bị buông bỏ nên rất ít người duy trì được sự tử tế trong cách cư xử với nhau, cũng như ý thức thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với con cái. Sự oán hận khiến họ luôn nuôi dưỡng ước muốn trả thù. Những đứa trẻ lúc này sẽ bị đem ra làm vũ khí đắc lực cho suy nghĩ mù quáng và ích kỷ ấy của cha mẹ. Thay vì được bù đắp cho những thiệt thòi không đáng phải gánh chịu, những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn đau đớn bước vào cuộc chiến không hồi kết của đấng sinh thành: cuộc chiến giành con đẫm nước mắt! 

Bài 1: Những đứa trẻ bơ vơ trong hồi kết của hôn nhân

Bài 2: Những cuộc tranh giành bất tận

Bán hai căn biệt thự để đi kiện

Suốt tám năm từ 2008 đến 2016, chị Đ.T.B. (quận 2, TPHCM) vác đơn đi khắp nơi đòi quyền nuôi con gái. Chị đã phải bán hai căn biệt thự để làm lộ phí cho hành trình này. Chị bay ngược xuôi từ Nam ra Bắc, lê la Tòa nhà Quốc hội, Trụ sở Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em (rồi đến sau này là Cục Trẻ em Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Hội LHPN Việt Nam… Chị gửi đơn kiến nghị, kháng nghị lên cả Tòa án Tối cao.

Để giành con, chị xin nghỉ phép năm này lấn qua năm kế tiếp. Có hôm chị phải bỏ việc giữa chừng để chạy đi, khi nghe ngóng đâu đó bất kỳ thông tin nào về con. Vì vậy, trong hành trình nghiệt ngã này, chị đã nhiều lần đối diện nguy cơ mất việc. 

Chị B. tìm đến Báo Phụ Nữ TPHCM vào năm 2010, tức sau hai năm đòi thi hành bản án của tòa giao quyền nuôi con cho mẹ bất thành. Lần đó, chị vừa trải qua đợt điều trị ung thư vú ở Singapore. Người chị xanh mướt, tiều tụy. Níu tay chúng tôi, chị tuyệt vọng kể về đứa trẻ đang bị bố mang đi giấu, ép bé sống cùng anh ta và người vợ hờ. Chị sợ bé bị ngược đãi, bị lạm dụng, bị xâm hại, chị lo bé không được chăm chút, yêu thương… Những nỗi lo khiến chị mất ăn, mất ngủ. 

Chị nộp đơn khắp nơi, nhưng anh N. - chồng chị - không ngừng thách thức: “Cô kiện đến đâu, tôi đi “hầu” đến đó!”. Tòa phân chị quyền nuôi con, anh thu thập chứng cứ chứng minh chị không có việc làm (do phải nghỉ dài hạn chạy tố cáo chồng cũ bắt con) để kháng án. Bản án phúc thẩm tuyên giao quyền nuôi con cho anh, chị xin kháng nghị. Bản giám đốc thẩm tuyên bác toàn bộ nội dung, tổ chức phiên tòa lại từ đầu, hai bên phải cung cấp chứng cứ chứng minh khả năng, điều kiện nuôi dưỡng trực tiếp con… Chị lại cuống cuồng lao vào vòng xoáy bất tận.

Và 12 năm sau (ngày bé tự tìm về với mẹ)
Và 12 năm sau (ngày bé tự tìm về với mẹ)

Với đặc thù nghề nghiệp, anh N. có thể mang “giấu” con một cách dễ dàng. Gần sáu năm trời, chị B. chỉ được gặp con chớp nhoáng tại các phiên tòa, tại những buổi cơ quan thi hành án vận động anh “cho” chị được thăm con một lúc. Có hôm từ Sài Gòn, mưa tầm tã, chị vẫn không quản đường xa đến Biên Hòa, nhưng chỉ biết đứng sững trước căn nhà cửa đóng kín. Hàng xóm cho chị biết: “Chú N. đi mấy ngày nay rồi, không có ai ở trong nhà cả”.

Chị đến trường thăm con gái, với bản án quyết định của tòa và cơ quan thi hành án yêu cầu anh giao quyền nuôi con cho chị, nhưng hiệu trưởng vẫn ngăn chị lại với lý do: Người gửi con vào trường là anh chứ không phải chị… 

Chị nói: “Sáu năm ròng rã tôi điên dại vì bị “mất” con, khủng hoảng đến độ phải đi điều trị tâm lý. Sau đó, tôi quyết định nghe lời khuyên của người thân, bỏ cuộc. Nhưng khi tôi chính thức bỏ cuộc, thì mọi thứ lại chuyển sang hướng tích cực hơn”.

Tháng 10/2020 vừa rồi, đúng ngày Phụ nữ Việt Nam, cô con gái của chị B. (nay 17 tuổi) đã từ Đồng Nai về Sài Gòn thăm mẹ và anh trai. Chị vui mừng khôn tả. Chị nói: "Trước ngày con về thăm tôi khoảng một tháng, tức sáu năm sau lần thi hành án thất bại cuối cùng, tôi mới can đảm đến trước mặt con, hỏi: “Con có nhớ mẹ không?”. Con lập tức reo lên: "Mẹ ơi, con nhớ mẹ"".

Sau đó không lâu, con gái đã về thăm mẹ và anh trai. Cuộc đoàn viên ấy khiến chị B. bật khóc và nhận ra: “Mình thật là ngớ ngẩn!”.

"Giá như tôi biết buông tay sớm"

Bị tước quyền nuôi con khi bé mới hơn tám tháng tuổi và còn đang bú mẹ, từ đó, suốt bốn năm ròng, chị L.T.K. (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) ngược xuôi đòi thi hành bản án giao con. Thế nhưng hàng chục lần cơ quan thi hành án TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (nơi người chồng cư trú) ra các bản án, quyết định yêu cầu rồi cưỡng chế thi hành án đều bất thành…

Người mẹ ấy từng ngất xỉu khi tìm con trong cơn căng tức sữa, có khi còn bị đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị bởi hành vi tự ngược đãi bản thân. Đã thế, sạp buôn trái cây thất bát, nợ nần, vì chị luôn bỏ bê công việc để chạy theo vụ kiện… 

Chị B. và con gái trước khi bước vào  cuộc chiến giành con
Chị B. và con gái trước khi bước vào cuộc chiến giành con

Cuối cùng, bốn năm sau, những người dõi theo vụ kiện ấy đều bất ngờ khi nghe chị gọi điện báo tin đã được trả con về tận nhà. Lý do anh chồng kia… có vợ mới.

Chị K. cay đắng nói: “Nếu biết kết quả như vậy, tôi đã không dại gì đớn đau, dằn vặt. Lúc đi kiện, tôi chỉ nghĩ thương con bị tước đi nguồn sữa mẹ, trong lúc cháu cần được mẹ ôm ấp, chăm lo nhất. Nhưng khi con lớn dần, không biết gia đình bên chồng kể về tôi thế nào mà cứ thấy tôi tìm đến là cháu đều xa lánh, trốn tránh khiến tôi đau đứt ruột. Ngày được giao trả con, tôi và bà ngoại cháu phải mất hàng tháng trời để “làm quen” với con. Nếu được làm lại, tôi sẽ sớm buông tay để con tôi không bị tổn thương như vậy”.

Đây không phải là suy nghĩ của riêng chị K., mà là bài học đúc kết của biết bao bậc sinh thành sau khi quyết định dừng cuộc chiến giành con

Chị T.TT.L. - giáo viên ở quận 12, chua xót kể: “Tôi mất cả thanh xuân để theo vụ kiện giành con suốt tám năm. Cuối cùng tôi chẳng được gì mà còn mất biết bao tiền của. Tôi đã phải cắn răng bán miếng đất hương hỏa của ông bà để theo vụ kiện. Từ một giáo viên hàng chục năm sống vui theo từng trang giáo án và học trò, tôi vị bủa vây trong thù hận và mất hết niềm tin vào công lý. Tôi hằn học với cuộc đời, bởi tôi thấy rõ ràng các bản án, quyết định của tòa phần thắng đều nghiêng về tôi, mà sao chẳng được thi hành? Đau lòng nhất là năm con trai tôi đậu đại học, cháu tìm đến báo tin cho tôi và nói: Mẹ đừng giành con rồi thưa ba và bà nội nữa. Lần nào đám giỗ nhà nội, bà con khắp nơi về hỏi vụ kiện, con xấu hổ lắm”.

Anh N.Q.H., nhà ở quận 3, TPHCM, người mòn mỏi sau sáu năm “quyết đấu” với gia đình bên vợ để giành quyền nuôi đứa con gái rượu, đau khổ kể: “Vợ chồng tôi kiện nhau giành con, ba mẹ hai bên cũng quay lưng hẳn với nhau. Mỗi lần ra tòa, hai gia đình như chuẩn bị ra trận. Đau lòng nhất là dù chúng tôi cố tình giấu con bé, cố tình bù đắp cho con bằng nhiều cách, thậm chí con gái xin gì, tôi cũng không tiếc tiền sắm sửa, để con thấy mình rất thương nó và nó sẽ chịu về sống với mình. Nhưng tôi không hề biết con đã bị tổn thương thế nào. Ngày cô giáo chủ nhiệm gọi tôi và vợ cũ báo tin con giao du bạn bè xấu, ăn cắp tiền của mẹ để tiêu xài hoang phí… Tôi mới nhận ra chuyện đi giành con thật hoang đường. Tôi nghĩ, tôi đã sai rồi”. 

Trong một buổi trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý, bé K.A. - con anh H., nghẹn ngào kể: “Ba mẹ chỉ giành con chứ chẳng ai thật sự yêu con. Con có cảm giác con đòi cái gì cũng được.Con 13 tuổi rồi. Nhưng tuổi thơ con chỉ có nỗi ám ảnh khi về thăm nội và ba. Không về thăm thì con nhớ. Mà trước khi về, mẹ lại dặn dò con không được để ông bà nội dụ dỗ ở lại, không được nói mẹ đi du lịch, không được kể bạn mẹ tới nhà chơi, lại còn nhờ con hỏi các cô là ba có bồ không rồi về báo mẹ… Khi con về nội, lại phải nghe bà nội và các cô nói xấu mẹ, dặn con ra tòa phải nói mẹ hay đi chơi bỏ con…

Ba hay bà nội qua thăm con, mẹ sợ ba chở đi giấu luôn, nên dù con ở ngay trong nhà, mẹ cũng bắt con ngồi im không được lên tiếng. Rồi mẹ nói con đi vắng không có nhà. Mỗi lần ba mẹ sắp ra tòa, mẹ đều kêu con học thuộc lòng mấy câu mẹ dặn trong tờ giấy, rằng con chỉ muốn sống với mẹ, không muốn sống với ba… Con không thuộc mẹ la, mẹ đánh. Con căng thẳng lắm!”.

Từ câu chuyện của chính mình, chị Đ.T.B. khẳng định: “Nếu được làm lại, tôi sẽ buông tay. Ông bà mình từ xưa đã dạy “lá rụng về cội”. Rồi bất cứ đứa con nào cũng sẽ tìm mẹ tìm cha. Cuộc chiến giành con đó không ai thắng cả, đó là cả một chuỗi mỏi mòn, đau đớn thể xác, tâm can. Đấu tố nhau ở tòa, đưa vụ kiện lên mặt báo… tôi và anh ấy đều mất đi danh dự khi hơn thua nhau, tranh đoạt nhau một đứa bé. Tôi thành thật khuyên những ông bố bà mẹ trong cuộc chiến giành con hãy tỉnh lại, dừng ngay hành trình tranh giành con ấy. Bởi đứa bé không phải là món hàng hay tài sản, để chúng ta đòi phân chia”. 

Nghi Anh

(còn nữa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI