
Kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM khóa VIII. Ảnh: Trần Ái.
TĂNG HỌC PHÍ NHƯNG KHÔNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
Thảo luận tờ trình tăng học phí (HP) của UBND TP, phần lớn các đại biểu đồng tình với việc tăng HP để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng vẫn băn khoăn việc tăng HP sẽ ảnh hưởng đến người nghèo, đối tượng nhập cư và cả về việc nâng cao chất lượng giáo dục sau khi tăng.
ĐB Thi Thị Tuyết Nhung - Phó ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP chia sẻ: “TP đầu tư cho ngành giáo dục rất lớn nhưng áp lực đối với ngành năm nào cũng quá sức (tăng số lượng học sinh và đáp ứng chuẩn quốc gia). Nếu không tăng HP sẽ ảnh hưởng đến cơ sở vật chất giáo dục, dẫn đến chất lượng dạy và học thấp, đời sống giáo viên khó khăn hơn. Vì vậy, việc tăng HP là cần thiết. Tuy nhiên, cái lo lớn nhất là bà con lao động nhập cư sẽ bị tác động lớn khi tăng HP. Vì vậy, các quỹ khuyến học của đoàn thể và địa phương cần mở rộng đối tượng hỗ trợ cho nhóm đối tượng này”.
Theo ĐB Võ Văn Sen, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành nền giáo dục lớn của Đông Nam Á nhưng mặt bằng HP thuộc loại thấp nhất thế giới. Vì vậy, việc tăng HP là cần thiết, nhưng vấn đề quan trọng là sau khi tăng HP phải sử dụng như thế nào cho hiệu quả để cải tiến chất lượng giáo dục.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP khẳng định: “Thời gian qua, người dân TP đã chia sẻ rất nhiều với ngành giáo dục, nếu không, ngành giáo dục khó tổ chức hoạt động tốt. Vì vậy, cùng với việc tăng HP, ngành giáo dục sẽ có cơ chế sử dụng nguồn tiền này rất rõ ràng từ tất cả các hoạt động giáo dục trong nhà trường đến tiền cơ sở vật chất...”.
Trước đó, UBND TP.HCM đã có tờ trình tăng 1.821 dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, việc tăng một lúc cả HP và viện phí sẽ trở thành gánh nặng lớn cho người dân. Do đó, trong phiên làm việc chiều 10/7, UBND TP quyết định rút lại tờ trình tăng viện phí.
TRỌNG ÁN GIẢM, CƯỚP GIẬT, LỪA ĐẢO CÒN ĐÁNG LO
Theo Công an TP.HCM, sáu tháng đầu năm, trên địa bàn TP đã xảy ra 3.040 vụ phạm pháp hình sự, tăng 201 vụ (tăng 7,8%) so với cùng kỳ, làm chết 56 người, bị thương 418 người và thiệt hại tài sản trên 104 tỷ đồng. Dù tình hình phạm pháp hình sự có tăng nhẹ, nhưng trọng án đã được kéo giảm so với cùng kỳ như: án giết người giảm 8,33%, cướp tài sản giảm 16,25%, giao cấu với trẻ em giảm 21,8%, cưỡng đoạt tài sản giảm 32%. Để có được kết quả này là nhờ lực lượng công an đã thực hiện tốt công tác chuyển hóa địa bàn. Cụ thể, hiện có năm phường, xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự đã chuyển biến tích cực, trong đó, có phường chuyển hóa được từ 85% - 100% tụ điểm sử dụng ma túy.

ĐB Tô Thị Bích Châu đặt vấn đề: “Tình hình tội phạm sáu tháng đầu năm tăng 7,8% trong khi TP đang tập trung trấn áp phạm pháp hình sự. Tại sao lại tăng? Phải chăng lực lượng của chúng ta chưa bao quát hết?”. Ông Ngô Minh Châu - Phó Giám đốc Công an TP giải thích: “Tổng số vụ phạm pháp hình sự gia tăng do trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng cao. Nguyên nhân, do dân nhập cư vào TP.HCM thời gian qua rất cao, luồng tội phạm từ các tỉnh di chuyển về TP cũng nhiều, gây khó khăn cho việc quản lý an ninh trật tự tại địa bàn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp giảm đầu tư, sản xuất kinh doanh; nhiều người mất việc, thất nghiệp; việc mưu sinh của nhiều người khó khăn cũng dẫn đến trộm cắp, cướp giật, lừa đảo gia tăng”.
XÓA “TREO” CHO NGƯỜI CÓ ĐẤT, TẠO CHỖ Ở CHO NGƯỜI CHƯA CÓ NHÀ
Theo UBND TP, thời gian gần đây, TP đã tập trung rà soát, chấn chỉnh công tác quy hoạch. Theo đó, hiện TP đã thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích đối với các dự án chưa hoặc chậm bồi thường giải tỏa nhằm chấm dứt tình trạng dự án “treo” kéo dài, để làm cơ sở giải quyết các quyền lợi cho người dân. Tính đến nay, TP đã rà soát và chấm dứt không gia hạn tổng cộng 77 dự án với tổng diện tích gần 960ha. Tại các dự án xóa “treo”, hiện UBND các quận, huyện đang bắt tay vào việc cấp giấy chứng nhận chủ quyền nhà, đất và trả lại các quyền lợi khác cho người dân.
ĐB Nguyễn Văn Hiếu nhận định: “Cử tri rất hoan nghênh chính quyền TP đã xử lý quyết liệt các dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, cử tri mong muốn chính quyền TP cần tiếp tục siết mạnh hơn công tác này vì hiện còn nhiều dự án được gia hạn. Vì vậy, cần có quy định cụ thể lộ trình gia hạn, để có biện pháp xử lý, đảm bảo quyền lợi của người dân nếu chủ đầu tư dây dưa thực hiện”.

Liên quan đến việc vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp, theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện toàn TP có chín dự án nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, có tám dự án với gần 7.800 căn hộ chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và ba dự án với gần 1.300 căn hộ điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại diện tích lớn sang diện tích nhỏ. Đây là nguồn căn hộ rất lớn, người thu nhập thấp có thể mua nhà ở từ nguồn vốn vay ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ. Tuy nhiên, đại biểu Trần Trọng Dũng băn khoăn: “Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã được thông qua từ lâu nhưng đến nay mới có vài hộ dân được vay. Trong khi đó, có dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp được giải ngân nhiều hơn. Như vậy, đến bao giờ người thu nhập thấp mới có được nhà ở?”.
Tương tự, theo một số đại biểu, hướng dẫn của Bộ Xây dựng không bắt buộc người dân phải có tài sản thế chấp, nhưng lại quy định tùy điều kiện cụ thể, ngân hàng có giải pháp bảo toàn nguồn vốn. Vì vậy, nhiều ngân hàng hiện nay vẫn đòi người dân phải có tài sản thế chấp, hộ khẩu… Bên cạnh đó, các ngân hàng luôn yêu cầu người dân phải có xác nhận tình trạng nhà ở của chính quyền địa phương hoặc đơn vị công tác. Trong thực tế, hai đơn vị này không quản lý thực trạng nhà ở của các đối tượng đi vay nên không đồng ý xác nhận. Vì vậy, UBND TP cần có kiến nghị với các cơ quan trung ương để tháo gỡ vấn đề.
PHAN TRÍ - QUỲNH MAI
Ý KIẾN NGƯỜI DÂN * TĂNG HỌC PHÍ PHẢI TĂNG CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC Trong điều kiện giá cả leo thang như hiện nay, việc tăng học phí (HP) để cải thiện đời sống giáo viên, phục vụ công tác quản lý và dạy học là điều cần thiết, cần được phụ huynh và người dân chia sẻ với Nhà nước. Là phụ huynh có hai con đang học: một mẫu giáo, một lớp 8, việc tăng HP gấp ba lần và áp dụng trong năm học mới sẽ khiến khoản chi tiêu hàng tháng của gia đình tôi cũng phải cân đối lại. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm hơn là việc tăng HP sắp tới đây có tăng chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất, đồ dùng giảng dạy có tăng hơn không? Bếp ăn, chỗ ở cho học sinh bán trú có sạch sẽ, đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm không? Việc tăng HP lần này có hạn chế được tình trạng lạm thu các khoản thu ngoài quy định đầu năm học không? Tôi nghĩ, bên cạnh việc tăng HP, TP cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, giảm dần sự phân hóa “giàu - nghèo” giữa các “trường điểm” với trường bình thường, để tránh tình trạng quá tải ở trường điểm do chênh lệnh về cơ sở vật chất lẫn chất lượng giáo dục. Người dân chúng tôi cũng mong, việc tăng HP cũng giống như tăng các loại khác như: xăng, dầu, gas, viện phí... phải hài hòa được lợi ích, phải vì mục đích phục vụ cho cộng đồng. Cao Thị Dung (405/24/22, Trường Chinh, P.14,Q. Tân Bình, TP.HCM) * TĂNG VIỆN PHÍ ĐI ĐÔI VỚI TĂNG CHẤT LƯỢNG, TĂNG Y ĐỨC Dù UBND TP.HCM đã rút lại tờ trình tăng viện phí nhưng chắc chắn rồi cũng sẽ tăng, không sớm thì muộn. Theo tôi thấy, thời gian qua, người dân ca thán rất nhiều về chất lượng phục vụ và y đức của nhiều y, bác sĩ. Vậy khi tăng viện phí, những điều người dân bức xúc liệu có được giải quyết? Nếu giải quyết được thì mọi người dù có mất tiền hay mất nhiều tiền hơn mà được phục vụ tốt, họ cũng sẽ chấp nhận. Tăng viện phí đồng nghĩa với việc khám chữa bệnh cho những người nghèo bị thu hẹp lại. Theo tôi, nếu tăng viện phí thì chỉ nên tăng trong mức chịu đựng được của người dân và cần có lộ trình cụ thể. Nhà nước cần xem xét kỹ hơn đề xuất này và chú ý đến người nghèo. Ví dụ, có thể chia ra làm hai mức viện phí, một mức cho những người khá giả, mức thứ hai dành cho những đối tượng như công nhân, người lao động, dân nhập cư, nông dân, người khuyết tật nghèo khó... Huỳnh Thị Mỹ Hòa (22/15 Bà Hạt, Q.10, TP.HCM) * MONG GÓI ƯU ĐÃI NHÀ Ở “THOÁNG HƠN” Đầu tháng 6/2013, khi nghe tin Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất vay 6% trong vòng 10 năm với đối tượng nhà ở xã hội, người có thu nhập thấp, gia đình tôi rất mừng. 15 năm lăn lộn mưu sinh ở TP.HCM, từ lúc độc thân đến khi lập gia đình, nay đã có hai con nhỏ, vợ chồng tôi, với lương công nhân làm ở xí nghiệp đông lạnh vẫn phải ở thuê do tiền chắt chiu lâu nay vẫn không thể với tới được những căn hộ có giá trên một tỷ đồng. Nghe có dự án, tôi đã đến tìm hiểu cụ thể ở một số ngân hàng (NH) được chỉ định. Nhân viên ngân hàng cũng đưa hồ sơ, hướng dẫn tận tình cách hoàn thành thủ tục. Vợ chồng tôi đã nhắm đến căn hộ ở khu vực ngã tư Gò Mây, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Dù đây là nhà ở thương mại nhưng chủ đầu tư dự án cũng tư vấn tôi nên đến các NH có chương trình cho vay ưu đãi để có giá vay mềm hơn. Gia đình tôi nhẩm tính, mình dành dụm được 200 triệu, trong khi NH cho vay tối đa 80% trị giá, coi như điều kiện ban đầu đã thỏa mãn. Thế nhưng, để được vay khoản này, hơn một tháng nay tôi chạy bổ sung giấy tờ để xác minh “thuộc diện thu nhập thấp”. Cơ quan chỉ xác định mức thu nhập trong vòng ba tháng mới nhất nên hồ sơ của tôi bị vướng lại ở NH. Chủ trương của Nhà nước cho người dân có thu nhập thấp vay với giá ưu đãi thể hiện sự quan tâm đến vấn đề nhà ở của người dân, nhưng để những người có thu nhập thấp như chúng tôi được vay ưu đãi, thiết nghĩ Nhà nước cần có sự chỉ đạo các NH tháo gỡ vướng mắc để người dân có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay này. Trần Văn Sang (5/5, ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, TP.HCM) * CẦN SỰ HỖ TRỢ CỦA NGƯỜI DÂN Vừa qua, UBND TP vừa chỉ đạo công an TP xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các khu vực trọng điểm, phức tạp về tình hình an ninh trật tự và tệ nạn xã hội. Chúng tôi rất mừng vì đây là một chủ trương đúng đắn. Dẫu vậy, tôi vẫn trăn trở, không biết chủ trương này sẽ được triển khai đến đâu, có kết quả lâu dài hay không? Trước đây, TP cũng đã tổ chức nhiều đợt ra quân làm trong sạch địa bàn nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng mất an ninh trật tự lại tái diễn. Các biện pháp chốt chặn, tiếp cận để vận động và chuyển hóa các đối tượng; xử án lưu động… vẫn chưa phát huy hiệu quả. Theo tôi, để việc chuyển hóa những địa bàn phức tạp đạt kết quả cao và duy trì được lâu dài cần có biện pháp phù hợp. Cụ thể: đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng mô hình thu gom, quản lý các loại đối tượng tệ nạn xã hội để tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có biện pháp căn cơ về giáo dục, tạo việc làm ổn định và tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên. Trần Đức Huân (122/6 đường 14, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) UYÊN PHƯƠNG (ghi) |