COVID-19 làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng ở Nepal

03/08/2020 - 10:30

PNO - Không nằm ngoài tình hình chung của thế giới, cuộc khủng hoảng sức khỏe đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế, vấn đề xã hội ở Nepal. Phụ nữ và trẻ em gái nói riêng đang đối mặt với nguy cơ cao, chịu nhiều thiệt thòi và thường là nạn nhân của nghèo đói, bạo lực cùng bất bình đẳng.

Tăng bạo lực trên cơ sở giới
Cuối năm 2019, Liên hiệp quốc từng cảnh báo 243 triệu phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi từ 15-49 đã trải qua bạo lực tình dục hoặc thể xác. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, cuộc khủng hoảng bạo lực trên cơ sở giới hiện tại còn tồi tệ hơn, nhất là ở Nepal.

Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) cảnh báo, 48% phụ nữ ở Nepal đã trải qua bạo lực trong cuộc sống hằng ngày, trong đó 27% các trường hợp phải gánh chịu những hành hạ thể xác. Dẫu vậy, 61% trong số họ chưa bao giờ kể hoặc dám lên tiếng với bất kỳ ai về việc bản thân bị lạm dụng.

Kể từ khi Nepal phong tỏa toàn quốc từ ngày 24/3-15/6 do dịch COVID-19, nạn bạo lực trên cơ sở giới gia tăng đáng kể. Mới đây, một phụ nữ đã bị cưỡng hiếp tập thể khi đang ở một cơ sở kiểm dịch tại Lamki Chuha-1, Kailali, nhưng tất cả chỉ là bề nổi trong tảng băng chìm. Một nghiên cứu được công bố trên tờ Kathmandu Post cho biết, cứ 10 phút, một phụ nữ ở Nepal sẽ gọi số 1145, đường dây nóng do Ủy ban Phụ nữ quốc gia điều hành, tìm kiếm sự giúp đỡ. Để lấy dữ liệu thực về nạn bạo lực trên cơ sở giới là một thách thức lớn ở Nepal vì rất ít nạn nhân trình báo các sự vụ. Nguyên nhân chính khiến họ âm thầm chịu đựng là do lo ngại kỳ thị và tổn hại danh dự của gia đình.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạo lực trên cơ sở giới sẽ gây ám ảnh lâu dài cho phụ nữ và trẻ em gái bao gồm các triệu chứng sợ hãi, kỳ thị xã hội, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, khủng hoảng tinh thần… Điều này gây nên các hạn chế trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày và ảnh hưởng trực tiếp đến những nỗ lực nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng giới ở Nepal.

Áp lực chăm sóc gia đình, thất nghiệp đè nặng lên vai phụ nữ Nepal trong dịch COVID-19
Áp lực chăm sóc gia đình, thất nghiệp đè nặng lên vai phụ nữ Nepal trong dịch COVID-19

Phụ nữ không được trả lương tương xứng

Ở Nepal, phụ nữ dành 268 phút mỗi ngày cho công việc chăm sóc trẻ em và người già, bao gồm phần lớn các công việc gia đình không được trả lương. Chính chuẩn mực xã hội hà khắc và sự gia trưởng của người đàn ông đã đặt gánh nặng lên vai phụ nữ. 

Cùng với đó, trường học đóng cửa khiến hàng triệu trẻ em mắc kẹt tại nhà, áp lực phụ giúp bố mẹ cũng đã và đang ngăn cản các em dành thời gian cho việc học tập và phát triển kỹ năng. 

Mặc dù hiến pháp mới năm 2015 của Nepal đã đảm bảo bình đẳng giới trong giáo dục, công việc, tiền lương... nhưng sự chênh lệch phần lớn vẫn tồn tại đến tận bây giờ. Cuộc điều tra tiến hành năm 2017-2018 cho thấy, tỷ lệ biết chữ ở nữ giới là 57,4%, thấp hơn so với 75,1% đối với phái nam; và thu nhập trung bình hằng tháng của phụ nữ khoảng 5.834 rupee Nepal, ít hơn nhiều so với số tiền mà đàn ông kiếm được. 

Sự phân chia lao động theo giới không đồng đều từ lâu đã được xem là yếu tố gây ra sự bất bình đẳng, các lỗ hổng liên quan đến giáo dục, thu nhập và triển vọng việc làm của phụ nữ.

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, khủng hoảng việc làm do COVID-19 có thể khiến phụ nữ và trẻ em gái bị bỏ lại phía sau những tiến bộ về quyền trẻ em và bình đẳng giới. Cụ thể, nhiều cô gái trẻ nguy cơ cao sẽ phải bỏ học và không bao giờ trở lại trường sau đại dịch. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có biện pháp, chính sách giới cụ thể nào được đưa ra nhằm giải quyết các nhu cầu cấp thiết của phụ nữ và trẻ em gái. 

Chung Thu Hương (Theo The Diplomat và Asia Times)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI