COVID-19 khiến nhiều bệnh viện thiếu nhân viên y tế

24/03/2022 - 06:15

PNO - Nhiều tuần nay, các cơ sở y tế ở tỉnh Đồng Nai đã thiếu nhân viên làm việc do mắc COVID-19.

Gánh việc cho nhau 

Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai chỉ còn hơn 40 nhân viên y tế gồm cả bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, do có gần mười bác sĩ, điều dưỡng xin nghỉ việc. Đã vậy, nhân viên của khoa liên tục bị mắc COVID-19 (F0) và hiện đang có cùng lúc 11 người mắc. Mỗi ngày, khoa có 14-16 nhân viên y tế chia làm hai ca để làm việc và tiếp nhận 120-130 trường hợp cấp cứu các loại, trong đó có 20-25 ca là F0. 

“Chúng tôi phải kêu gọi toàn bộ nhân viên của khoa ở lại trực thêm từ 8-12 giờ nữa, sau khi đã trực 24 giờ xong. Đây là áp lực lớn đối với chúng tôi, bởi tất cả các khoa trong bệnh viện đều có F0. Giờ khoa nào cũng phải tự gồng mình làm việc” - bác sĩ Dương Hoài Vũ, Trưởng khoa Cấp cứu, chia sẻ.

Nhiều nhân viên y tế ở Đồng Nai bị nhiễm COVID-19 nên các bệnh viện cũng thiếu hụt nhân sự
Nhiều nhân viên y tế ở Đồng Nai bị nhiễm COVID-19 nên các bệnh viện cũng thiếu hụt nhân sự

Điều mà bác sĩ Dương Hoài Vũ lo ngại là khi bệnh nhân đông mà lực lượng nhân viên y tế ít, sẽ không cấp cứu đầy đủ, kịp thời cho bệnh nhân dẫn đến thiếu sót về chuyên môn. Thiếu người, các bác sĩ phải ưu tiên khám những ca nặng, nguy kịch trước, còn các ca nhẹ hơn sẽ xử lý sau khiến bệnh nhân và thân nhân người bệnh bức xúc, nổi nóng. “Điều đáng lo hơn là nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, sẽ khiến nhiều người xin nghỉ việc bởi ai cũng vất vả, gần như không có thời gian nghỉ. Chúng tôi bị hụt hơi và sang chấn tâm lý”.  

Bác sĩ Dương Tấn Thọ - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai - cho biết thêm khoa đang có 16 F0 trong tổng số 33 nhân viên y tế. Hiện khoa được “tách đôi”, vừa điều trị các bệnh chuyên khoa về tiêu hóa, vừa chữa luôn bệnh nhân mắc bệnh về tiêu hóa bị nhiễm COVID-19. Do đó, nhân lực cũng phải “tách đôi” để làm song song cả hai công việc. Bác sĩ Dương Tấn Thọ cho hay: “Công việc vẫn như trước, thậm chí còn nhiều hơn vì có thêm bệnh nhân COVID-19 nhưng nhân lực lại ít đi nên mọi người phải gồng gánh cho nhau”.

Chỉ mong không bị tái nhiễm

Bệnh nhân đông trở lại, kể cả bệnh thường lẫn COVID-19, nhân viên ít đi do nghỉ việc hoặc bị mắc COVID-19 khiến lịch trực của các bác sĩ, điều dưỡng trở nên dày đặc. Ngoại trừ theo tua, họ còn phải ở lại làm thêm. “Từ tháng Bảy đến tháng 12/2021, tôi phải “ở lì” trong bệnh viện 24/24 giờ, giờ phải làm thêm sau khi ra ca nên vợ tôi phải nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con nhỏ vì không có ai phụ,  áp lực kinh tế cũng nặng nề hơn” - bác sĩ Dương Hoài Vũ tâm sự. 

Còn bác sĩ Dương Tấn Thọ nói vui: “Chắc hết tháng này, cán bộ, nhân viên khoa tôi nhiễm bệnh hết rồi; tháng sau, mọi người sẽ trở lại hoạt động bình thường thôi. Chúng tôi phải chấp nhận tình trạng hiện tại nhưng hy vọng không kéo quá dài vì mọi người cũng đã cố gắng hết sức rồi”.

Theo bác sĩ Lê Thị Phương Trâm - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai - lượng người đến khám và điều trị, cấp cứu đều đông. Hầu như ngày nào, bệnh viện cũng ghi nhận có nhân viên y tế nhiễm COVID-19. Trung bình mỗi ngày, khoảng 2.500 ca khám ngoại trú, 900 ca nội trú và hơn 100 ca cấp cứu. Nhân viên y tế phải gồng gánh công việc cho nhau. 
Bác sĩ Phương Trâm lo nhất là bệnh viện vừa có nhân viên xin nghỉ việc, vừa có nhân viên bị mắc COVID-19. Do đó, trong các cuộc họp giao ban, lãnh đạo bệnh viện thường xuyên động viên mọi người cố gắng gánh việc cho nhau để các F0 được nghỉ ngơi, có sức khỏe tốt. “Chúng tôi hy vọng cán bộ, nhân viên đã mắc bệnh sẽ không bị tái nhiễm” - bác sĩ Phương Trâm bày tỏ. 

Tiến sĩ - bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - cho biết hầu hết các cơ sở y tế từ tuyến trạm đến các bệnh viện lớn đều ghi nhận thực trạng nhân viên y tế nhiễm và tái nhiễm COVID-19. Hơn nữa, tình trạng bác sĩ, điều dưỡng xin nghỉ việc do áp lực nhiều, thu nhập thấp vẫn đang diễn ra tại các bệnh viện công. Ông mong rằng, tình trạng này chỉ xảy ra trong ngắn hạn.

Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI