Con trai nhạc sĩ Văn Cao: "Không cho phép bất kỳ ai khai thác thương mại Quốc ca"

07/12/2021 - 17:51

PNO - Đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao cho biết khi gia đình hiến tặng Quốc ca cho Nhà nước và nhân dân, thì ai cũng được phép sử dụng kể cả người nước ngoài, nhưng không được khai thác thương mại dẫn đến sự hạn chế tiếp cận bài hát đối với người khác.

Tối 6/12, trong trận đấu giữa Việt Nam và Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020, tiếng của Quốc ca bị tắt trên YouTube. Next Media (chủ sở hữu kênh Next Sports, đơn vị tiếp sóng tại Việt Nam) giải thích việc này do vấn đề bản quyền.

Trước đó, trong trận đấu giữa Việt Nam và Ả Rập Xê Út vào ngày 16/11, FPT cũng được cho đã bị mất doanh thu vì vướng bản quyền bài Tiến quân ca do hãng đĩa Marco Polo sản xuất. Naxos Digital Services US thay mặt cho hãng đĩa Marco Polo đánh dấu xác nhận bản quyền với bản ghi này. Theo đánh giá, đây có thể là nguyên nhân khiến Next Media phải tắt tiếng Quốc ca trong trận đấu vừa qua.

Thông báo tắt tiếng Quốc ca trong trận đấu giữa Việt Nam và Lào tối 6/12
Trong trận đấu giữa Việt Nam và Lào tối 6/12, tiếng Quốc ca bị tắt trên YouTube

2 vụ việc liên tiếp xảy ra, khiến dư luận “nóng” lên, bởi bài hát Tiến quân ca đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhà nước, nhân dân. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Có đơn vị nào đang giữ quyền kiểm soát ca khúc này hay không? Cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch và đơn vị phân cấp là Cục Bản quyền tác giả đã quản lý ra sao? Vì sao trong trận đấu của tuyển quốc gia phải sử dụng bản thu âm của hãng đĩa nước ngoài?...

Họa sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao - bức xúc: "Năm 2016, gia đình đã tặng ca khúc Tiến quân ca cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa mọi tổ chức, cá nhân từ trong nước cho đến quốc tế đều được tự do sử dụng ca khúc chỉ với một điều kiện là không được kinh doanh. Còn nếu mang tính chất thương mại, thì phải có sự đồng ý của nhà nước Việt Nam, cụ thể ở đây là Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch và Cục Bản quyền tác giả.

Chúng tôi từng nhiều lần lên tiếng về việc cần có một bản hòa âm, phối khi chính thức và thống nhất để sử dụng cho mọi mục đích, không được để xảy ra tình trạng mỗi một nơi sử dụng một bản Tiến quân ca khác nhau, nhưng đến nay, điều này vẫn chưa thực hiện được. Trước khi trao tặng ca khúc cho Nhà nước, gia đình chúng tôi không nhận bất kỳ khoản tiền nào liên quan đến tác quyền ca khúc Tiến quân ca. Về sau, khi trao tặng cho Nhà nước, điều đó lại càng không”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung - Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM - nhấn mạnh Quốc ca là tài sản của quốc gia, không có đơn vị nào được chiếm hữu. Ông cho rằng, bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào cố ý trục lợi từ ca khúc này là không thể chấp nhận.

“Các tổ chức có thể bỏ tiền ra ghi âm, phối bài nhưng liệu họ đã xin phép tác giả, xin phép quốc gia để được phối nhạc, khai thác chưa nên vụ việc còn có quá nhiều vấn đề bất hợp lý. Tôi mong muốn và tin tưởng từ sự việc này các ban, ngành có trách nhiệm sẽ xem xét và xử lý triệt để vụ việc, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả và quốc gia”, nhạc sĩ chia sẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc khi Quốc ca bị đánh bản quyền.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc khi Quốc ca bị đánh bản quyền

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng lên tiếng chỉ rõ Tiến quân ca là bài hát đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhà nước, bất cứ ai cũng có thể sử dụng để biểu diễn, ghi âm, sản xuất nhưng không được kinh doanh và không được phép cấm đoán cá nhân, đơn vị khác sử dụng.

Nhạc sĩ nói thêm, rất cần thiết phải làm rõ hãng đĩa Marco Polo - một đơn vị được cho là ở nước ngoài - tự sản xuất Quốc ca có đúng luật hay chưa, có xin phép chủ sở hữu hay chưa. 

Anh cũng đặt vấn đề, tại sao bản ghi âm Quốc ca đã có trên trang web của Chính phủ mà các tổ chức không dùng, lại dùng những bản ghi của đơn vị khác, để xảy ra việc bị "đè" bản quyền lên YouTube.

“Sau khi nghe các bản ghi âm của một số đơn vị và một bản của Chính phủ, tôi thấy 2 bản này gần như là một, chỉ khác nhau về tông. Điều đó khiến đặt ra câu hỏi phải chăng đang có một sự lươn lẹo, lách luật -  một số đơn vị tự nhận vơ bản ghi âm này của bên mình để rồi đánh bản quyền các đơn vị sử dụng” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói thêm.

Hoạ sĩ Thành Chương cũng không giấu được sự bức xúc trước sự việc. Theo ông, một khi Quốc ca  lại không thể phát trong sự kiện lớn mang hình ảnh quốc gia như trận đấu Việt Nam - Lào là việc cần phải nghiêm chỉnh xem xét.

“Giá trị thiêng liêng với đất nước, dân tộc thì càng phải được giữ sạch sẽ. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng có liên quan nên có phương án phù hợp khi tác phẩm này đã được nhạc sĩ Văn Cao, gia đình ông hiến tặng. Với những việc đã xảy ra, cần tìm hiểu kỹ, có biện pháp quản lý, phát huy giá trị của tác phẩm này, đảm bảo cho việc sử dụng của nhân dân được thuận lợi”, ông nói.

Trên hàng loạt diễn đàn, câu chuyện này đang được đông đảo dư luận quan tâm. Trong đó, phần lớn ý kiến đều cho rằng khi Quốc ca đã là tài sản của Nhà nước, nhân dân thì không tổ chức, cá nhân nào có thể trục lợi, hoặc có hành vi ngăn chặn việc phổ biến ca khúc này.

Nhóm PV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI