Con "phục" mẹ hơn

03/06/2013 - 16:44

PNO - PN - Trong mắt của mẹ và con, bố là người chồng, người cha nóng nảy, nói năng có phần cộc cằn, từng làm vợ con tổn thương. Bố chủ quan cho rằng cách nhìn nhận và xử sự của vợ con mình là non nớt, khờ khạo.

Rồi bố bày vẽ và truyền… quan điểm cho vợ con chẳng một chút ôn tồn mà cứ “rần rần” (như cách nói của mẹ), đôi khi rất vô lý. Mẹ và con nhìn mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, bao dung và có phần tích cực. Trong khi đó, bố tỏ ra cảnh giác, mạnh mẽ, làm những việc có lợi cho mình, cho cả những người thân yêu, mà chẳng mấy khi quan tâm đến cảm xúc của họ. Nhiều lần mẹ trải lòng thì bố la hét om sòm, bảo đàn ông bao giờ cũng nhìn xa trông rộng hơn phụ nữ, để rồi mẹ đành mua sự bình yên bằng cách im lặng, hay giấu những tiếng thở dài. Con chưa đủ lớn để kết luận bố là người đàn ông gia trưởng, ích kỷ. Nhưng với những gì bố thể hiện, con chưa thật sự hài lòng.

Con

Vì bố bảo thủ, áp đặt, không cho vợ con cơ hội giãi bày, nên có những điều hai mẹ con phải nháy mắt nhau, làm theo cách của mình, đôi khi dối bố. Mẹ không muốn dạy con nói dối, nhưng trong nhiều trường hợp, nói dối để tránh tổn thương cho cả mẹ và con, nói dối để thấy mình không bị xúc phạm, nên những lời nói dối “có lý” ấy, vô hại ấy cũng đáng được thông cảm, phải không bố? Bố lại rất tiết kiệm lời khen. Chẳng mấy khi bố khen ngợi con, dù trong mắt mẹ, những việc ấy thật đáng khen. Hay những việc con làm chưa tốt, không đúng ý bố, con muốn bố nhẹ nhàng giải thích, bày vẽ hơn là la lối, những cái liếc mắt đáng sợ, hay những ngôn từ nặng nề. Phận làm con, con có thể chịu mọi hình phạt từ bố, nhưng con thấy thương mẹ vô cùng. Đối với mẹ, bố chẳng “bình đẳng” chút nào. Làm gì mẹ cũng phải thông qua ý kiến bố. Mẹ bị động trong mọi việc, mẹ chẳng có chút quyền hành trong nhà. Nhìn mẹ, con nghĩ về tương lai của mình, chạnh lòng khi mường tượng về một người chồng giống bố. Bố quyền năng như thế, nhưng con “phục” mẹ hơn. Mẹ là người tế nhị, sâu sắc, biết chia sẻ, dễ gần gũi. Có thể đó là những đặc tính của phụ nữ, nhưng đàn ông đâu phải là người được nắm mọi quyền hành, kể cả quyền làm người khác bị tổn thương, khó chịu?

Bố ơi, con không còn là một đứa trẻ nữa. Con đã cảm nhận được những nỗi buồn của mẹ. Giá như bố chịu lắng nghe, biết kiềm chế, hay hãy một lần đặt mình vào vị trí của mẹ, con tin bố sẽ hiểu, bù đắp cho mẹ, để mẹ được sống thật trọn vẹn bên cạnh những người thân yêu của mình.

 Nguyên Sa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI