Con người dựng xây, để rồi lại đánh mất

18/04/2019 - 14:54

PNO - Tuy Nhà Thờ Đức Bà vượt qua ngọn lửa trong vụ hỏa hoạn mới đây, nhưng trong quá khứ có rất nhiều công trình khác đã hóa cát bụi.

Đền thờ thần Artemis

Trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại, trụ vững đến ngày nay chỉ còn mỗi Kim Tự Tháp Ai Cập. 6 kỳ quan còn lại, đều đã bị chiến tranh, thiên tai tàn phá. Trong số đó phải kể đến Đền thờ thần Artemis.

Ngôi đền nằm cách thành phố cảng Izmir thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay khoảng 75 km, được xây dựng từ thời đồ Đồng, bị phá hủy bởi lũ lụt và xây dựng lại vào thế kỷ VI trước Công nguyên.

Con nguoi dung xay, de roi lai danh mat
Các nhà khoa học phục dựng hình ảnh Đền thần Artemis

Đền bị phóng hỏa, thiêu rụi bởi Herostratus vào năm 356 trước Công nguyên (TCN) và tiếp tục được xây dựng lại theo yêu cầu của Alexander Đại Đế, tồn tại đến giữa thế kỷ V sau Công nguyên (SCN). Ngày nay, địa điểm của ngôi đền được đánh dấu bằng một cột trụ duy nhất, xây dựng từ các mảnh vỡ tách rời được phát hiện tại khu vực.

Thư viện Alexandria

Thư viện Alexandria ở Alexandria, Ai Cập, là một trong những thư viện lớn nhất và quan trọng nhất của thế giới cổ đại.

Thư viện thu hút một số lượng lớn cuộn giấy cói, phần lớn nhờ chính sách tích cực và nguồn tài trợ tốt  từ các vị vua thời bấy giờ. Không ai biết chính xác có bao nhiêu cuộn văn bản lưu trữ tại thư viện, nhưng ước tính con số dao động từ 40.000 đến 400.000.

Con nguoi dung xay, de roi lai danh mat
Kho tàng kiến thức của Alexandria hoàn toàn biến mất

Alexandria được coi là thủ đô của kiến thức và học tập, một phần vì Thư viện lớn. Thư viện, hoặc một phần của bộ sưu tập vô tình bị Julius Caesar đốt cháy trong cuộc nội chiến vào năm 48 trước Công nguyên.

Trong khoảng thời gian từ 270 đến 275 SCN, thành phố Alexandria chứng kiến một đợt nổi loạn và cuộc phản công của đế quốc có lẽ đã phá hủy bất cứ thứ gì còn lại của Thư viện. Dù các nhà sử học vẫn chưa thể tìm ra lời giải cuối về nguyên nhân khiến công trình bị phá hủy, song tất cả đều đồng ý rằng lượng kiến thức vĩ đại lưu trữ ở đây đều đã biến mất.

Một số công trình bị phá hủy trong Chiến tranh Thế giới

Năm 1914, Nhà thờ Reims ở Pháp bị đốt cháy do pháo kích trong giai đoạn đầu của Thế chiến thứ nhất. Nhà thờ được xây dựng lại sau chiến tranh.

Nhà thờ St. Stephen ở Vienna, Áo bị hư hại nặng nề bởi hỏa hoạn vào năm 1945, tiếp theo đó, bom và pháo kích đã đốt cháy mái nhà. Phần dầm nguyên gốc của nhà thờ, được cho là được tạo ra từ cả cánh rừng thông, cũng như các quầy hợp xướng Rollinger chạm khắc vào năm 1487 đều bị phá hủy.

Con nguoi dung xay, de roi lai danh mat
Nhà thờ St. Stephen ở thủ đô Vienna là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch lớn nhất tại Áo

Vào ngày 25/8/1914, Thư viện đại học Leuven bị người Đức phá hủy. 230.000 văn bản biến mất, bao gồm các bản thảo thời Trung cổ, Phục hưng và hơn 1.000 bản in gốc. Sau khi chiến tranh kết thúc, thư viện mới được xây dựng để rồi lại bị đốt cháy một lần nữa vào Thế chiến II, khiến gần một triệu cuốn sách hóa tro bụi.

Vô số các tòa nhà có ý nghĩa về mặt lịch sử và kiến ​​trúc đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề bởi Thế chiến II và thời kỳ hậu chiến tại Đức. Ví dụ nổi bật là các cung điện như Cung điện Berlin, Cung điện Monbijou, và các nhà thờ, chẳng hạn như Dresden Frauenkirche, Nhà thờ Berlin và Nhà thờ Tưởng niệm Kaiser Wilhelm. Một số đã được xây dựng lại từ năm 1990.

Con nguoi dung xay, de roi lai danh mat
Nhà thờ Dresden Frauenkirche tại Dresden, Đức

Nhiều tòa nhà lịch sử ở Budapest, Hungaria cũng bị hư hại hoặc bị phá hủy trong Thế chiến II, bao gồm Tòa nhà Quốc hội Hungary, Cầu Xích và Cung điện Sándor. Cả ba đã được xây dựng lại.

Lâu đài Shuri, một cung điện của Vương triều Ryukyu được xây dựng lần đầu tiên vào thế kỷ XIV, đã bị phá hủy trong Trận đánh Okinawa thuộc Thế chiến II. Lâu đài bị thiêu rụi nhưng được xây dựng lại vào thập niên 1990.

Phố cổ Warsaw, Ba Lan, bao gồm Lâu đài Hoàng gia Warsaw, Thị trấn mới Warsaw, Công viên Łazienki, Cung điện Łazienki, Lâu đài Ujazdowski đều bị Đức Quốc xã phá hủy năm 1944 và được xây dựng lại từ những năm 1950 đến 1980.

Con nguoi dung xay, de roi lai danh mat
Quang cảnh Lâu đài Ujazdowski

 Thánh địa Palmyra

Palmyra là một thành phố cổ đại ở Syria ngày nay. Theo các nhà khảo cổ, thành phố hình thành từ thời kỳ đồ đá mới, và các tài liệu đầu tiên đề cập đến thành phố xuất hiện vào đầu thiên niên kỷ thứ II TCN.

Trải qua hàng nghìn năm phát triển, bị phá hủy rồi tái xây dựng, dưới sự cai trị của Pháp vào năm 1932, cư dân tại thành phố được chuyển đến ngôi làng mới Tadmur; từ đó địa điểm trở thành khu khai quật khảo cổ.

Con nguoi dung xay, de roi lai danh mat
Nét đẹp hàng nghìn năm tại Palmyra chỉ còn trong hình ảnh

Thế nhưng trong cuộc Nội chiến Syria năm 2015, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) đã phá hủy phần lớn thành phố cổ. Đến lúc Quân đội Syria tái chiếm lại địa danh vào 3/2017, phần lớn di tích đều bị phá hủy.

Tượng Phật ở Bamyan

Hai bức tượng khổng lồ của Đức Phật  được chạm khắc vào vách đá trong thung lũng Bamyan ở vùng Hazarajat thuộc miền trung Afghanistan, nơi đây từng nằm trên Con đường Tơ lụa nổi tiếng.

Hai tượng cao 35 và 53 m; phần thân chính được đẽo trực tiếp từ các vách đá sa thạch, nhưng các chi tiết mô phỏng khác được làm từ bùn trộn với rơm, phủ bằng vữa.

Con nguoi dung xay, de roi lai danh mat
Tượng Phật trước và sau khi bị Taliban phá hủy

Nhà sư Huyền Trang viếng thăm địa điểm này vào tháng 4 năm 630 SCN và mô tả Bamiyan là một trung tâm Phật giáo hưng thịnh "với hơn mười tu viện và hơn một nghìn tu sĩ".

Địa điểm bị phiến quân Taliban đặt mìn, phá hủy vào tháng 3/2001, làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận quốc tế, và kể cả người dân Afghanistan, vì dù đa số dân cư theo Hồi giáo, họ luôn xem di tích là một phần lịch sử dân tộc đáng trân trọng.

 Tấn Vĩ (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI