Con hôn mê, mẹ mới biết bị tăng men gan

06/11/2017 - 09:00

PNO - Nhiều người nghĩ chỉ người lớn ăn nhậu, hút thuốc nhiều mới bị tăng men gan; nhưng theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, trẻ em, thậm chí trẻ sơ sinh, cũng có thể bị tăng men gan.

Nhiều trẻ, khi xét nghiệm máu để tìm bệnh lý khác, bác sĩ đã tình cờ phát hiện trẻ bị tăng men gan cao gấp hàng chục lần bình thường, khiến cha mẹ tá hỏa. Cá biệt, có trường hợp, trẻ bị  hôn mê, nguy cơ tử vong rất cao vì tăng men gan cha mẹ mới biết. 

Con hon me, me moi biet bi tang men gan

Trị bệnh nhẹ, lòi ra bệnh hiểm

Hai tháng qua, chị Minh Nguyệt (chung cư Trương Đình Hội, P.16, Q.8, TP.HCM) mất ăn mất ngủ vì con trai hơn ba tuổi đang khỏe mạnh bỗng dưng phát hiện tăng men gan cao gấp hàng chục lần bình thường. Chị kể: “Tủn nhà em bị viêm VA, tối ngủ phải há miệng mới thở được, bác sĩ (BS) chỉ định gây mê để nạo VA; bất ngờ kết quả xét nghiệm máu cho thấy men gan của cháu tăng rất cao: AST:180 và ALT:240.

Vậy là BS tạm ngưng việc nạo VA, chuyển cháu sang khoa Tiêu hóa kiểm tra. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, các BS xác định cháu không mắc các bệnh viêm gan siêu vi A, B, C; nên kết luận cháu bị viêm gan, cho uống thuốc hạ men gan, tháng sau tái khám.

Mới đây, em cho cháu xét nghiệm lại, men gan vẫn 240, nguyên nhân chưa rõ. BS cho uống thuốc và tiếp tục theo dõi. Con em còn quá nhỏ, sao lại mắc bệnh này? Cả nhà em đâu có người nào bị viêm gan”.  

Cháu Lâm T. (sinh năm 2014), con chị Thạch Thị L. (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) thì vừa vượt qua cửa tử trong gang tấc vì bệnh gan. Ngày 21/7, cháu bị ho, sốt; chị L. chỉ nghĩ con cảm thông thường nên cho uống thuốc hạ sốt. Hai hôm sau, cháu T. lừ đừ, khó thở, chị phải đưa vào Bệnh viện huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng điều trị.

Thấy tình trạng bệnh của cháu không nhẹ, các BS đã cho chuyển lên Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng. Đến nơi, cháu đã hôn mê sâu; BS chẩn đoán cháu bị viêm phổi nặng, suy gan, suy thận, men gan tăng gấp 300 lần bình thường. “Cháu bị hôn mê sâu, BS nói khó qua khỏi, gia đình đã xin đưa về nhà chuẩn bị... BS quyết định “còn nước còn tát”, cho lọc máu, chích đủ thứ thuốc…

Con hon me, me moi biet bi tang men gan
Trẻ bị tăng men gan đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Ba ngày sau cháu đỡ dần, đến ngày thứ tám thì tự thở được. Em thật không dám tin con mình còn sống, vì BS cho biết tăng men gan cao đến mức đó là rất nguy hiểm. Các BS đã tái sinh con em” - chị L. mừng đến nghẹn lời. 

Tăng men gan là biểu hiện cho thấy tế bào gan đang bị hoại tử

Nhiều người chủ quan nghĩ tăng men gan là biểu hiện bệnh không quá nguy hiểm, nên xem nhẹ khi con có dấu hiệu này; mà không biết đó là lúc tế bào gan đang bị hoại tử. Lại có những phụ huynh lo lắng, hốt hoảng, xem tăng men gan như một “hồi chuông báo tử”, nghĩ con sắp bị xơ gan, ung thư gan đến nơi.

Theo BS Hoàng Lê Phúc, cả hai cách nhìn này đều không chính xác. Tình trạng tăng men gan cho thấy tế bào gan đang bị hoại tử, cần được điều trị ngay, dù cơ thể không có triệu chứng bất thường nào.

Nếu chủ quan không điều trị sẽ dẫn đến viêm gan mạn tính, khiến gan trẻ bị xơ, có thể chuyển biến  thành ung thư. Nếu can thiệp đúng và tích cực, men gan của trẻ sẽ trở lại mức bình thường. 

BS Phúc cho biết, khoa Tiêu hóa vẫn thường xuyên tiếp nhận trẻ bị tăng men gan, có khi trẻ bị hôn mê cha mẹ mới biết con mình đang mắc bệnh này. Việc phát hiện muộn, một phần có thể vì sự lơ là của phụ huynh, phần khác là do căn bệnh này phát triển rất âm thầm, không có dấu hiệu cảnh báo sớm nên dễ bỏ sót.

Con hon me, me moi biet bi tang men gan

Thông thường, tăng men gan ở trẻ chỉ được phát hiện tình cờ khi trẻ điều trị một bệnh lý nào đó mà BS yêu cầu thử máu. Do đó, không ít trường hợp khi phát hiện tăng men gan cũng đã là lúc bệnh chuyển sang mạn tính, gan của trẻ đã bị xơ. Một vấn đề đáng tiếc nữa là, có những bệnh nhi đang điều trị theo phác đồ Tây y, đã chuyển biến tích cực, gia đình lại đòi về điều trị bằng thuốc nam.

“Mẹ ôm con về trị thuốc nam, vài tuần sau là thấy quay lại, khi bệnh của trẻ đã chuyển nặng, BS không còn cứu được nữa. Lúc đó, hối hận không kịp. Rất đáng tiếc!” - BS Phúc cho biết.  

Để biết tình trạng bệnh tăng men gan cần xét nghiệm ALT và AST. Song muốn xác định bệnh nặng hay nhẹ cần  xem mức độ tốt của phần gan còn lại.

Nguyên nhân khiến trẻ bị tăng men gan 

- Nhiễm siêu vi viêm gan A, B, C. 

- Do dùng thuốc kháng sinh, ngộ độc thuốc hạ sốt, béo phì, bệnh Wilson (hội chứng ứ đọng đồng), dị ứng thuốc…

- Nên chích vắc-xin ngừa viêm gan A, B cho trẻ để phòng tránh tăng men gan.

Dấu hiệu cho thấy trẻ bị tăng men gan

- Mệt mỏi kéo dài. Biếng ăn, chậm lớn.

- Nước tiểu sậm màu, vàng da, vàng mắt, bụng to. 

- Trẻ nam có thể có thêm biểu hiện ngực to, chấm xuất huyết.

- Giai đoạn nặng hơn: bầm da, ói hoặc đi cầu ra máu, hôn mê.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI