Cơm, lẩu... tự sôi không cần đun nấu

28/06/2020 - 12:29

PNO - Không cần lửa hay các thiết bị làm nóng... các bữa ăn vẫn được làm nóng theo cơ chế phản ứng hóa học. Tiện lợi, lạ lẫm nhưng liệu các loại thực phẩm chủ yếu xách tay từ Trung Quốc này có an toàn?

 

Có gì bên trong một hộp lẩu tự sôi đặt trên mạng

Gần đây, nhiều người, chủ yếu là giới trẻ rủ nhau thưởng thức các loại lẩu, cơm ‘ăn liền’, tự sôi  mà không cần đun nấu. Những sản phẩm này luôn đi kèm gói hoá chất, khi sử dụng sẽ được ngâm nước bỏ bên dưới hộp thức ăn, đồ ăn sẽ… tự chín. 

Nồi lẩu “tự chín” trong 15 phút

Chị Võ Nguyên Hồng – nhân viên văn phòng làm việc tại quận 3, TPHCM kể, thấy nhiều thành viên chia sẻ trên các diễn đàn thức ăn nội địa Trung Quốc nên đặt mua một hộp lẩu vị bò được quảng cáo là “lẩu Trùng Khánh” với giá 170.000 đồng dùng thử. Hộp lẩu có 6 gói nhỏ, gồm gia vị, thực phẩm khô, miếng đun sôi, và đũa.

Hộp lẩu có nấm đông cô, rau củ đã sấy khô, kèm một gói thịt bò “tươi”… nhìn khá bắt mắt. Điều duy nhất khiến nữ nhân viên văn phòng nghi ngại là bao bì sản phẩm toàn tiếng Trung Quốc, không hề có nhãn phụ tiếng Việt. 

Bên trong gói lẩu tự sôi
Bên trong gói lẩu tự sôi

 Làm theo hướng dẫn, chị Hồng bỏ gói tự đun vào ngăn phía dưới hộp, đổ nước vào hộp. Khoảng 15 phút sau, hơi nóng từ hộp lẩu tỏa ra, khi mở nắp ra hơi nóng bốc lên nghi ngút chẳng khác gì vừa được nấu trên trên bếp. Mùi món ăn giống hệt các món ăn tiềm thuốc Bắc và rất dậy mùi, sộc vào mũi, phần nước dùng giống hệt như nước dùng món vịt tiềm...  

“Cảm giác nhờn nhợn vì nhiều dầu, lúc đầu ăn lạ miệng nhưng đến đũa thứ 3 là bắt đầu ngấy, khó nuốt...”, chị Hồng chia sẻ.

Tìm kiếm từ khoá ‘lẩu tự sôi’ trên google, cho kết quả rất nhiều trang mạng xã hội, các trang thương mại điện tử (TMĐT)... đang bán sản phẩm này. Lẩu tự sôi đa dạng cũng không thua các sản phẩm tươi tại các siêu thị, chúng được xếp theo vị như hải sản, bò, gà, rau củ thập cẩm… giá bán phổ biến từ 70.000 - 200.000 đồng/hộp. Riêng cơm tự sôi có các vị đa dạng với mức giá từ 50.000 - 120.000 đồng/hộp. Ngoài cơm, lẩu còn có các sản phẩm tự sôi khác như bánh gạo (topokki), bún ốc, mì bào ngư… với mức giá từ 25.000 - 100.000 đồng/hộp.

Nhãn mác sơ sài, mập mờ hạn dùng

Đặt mua một hộp lẩu tự sôi vị bò cay qua shop online có tên “nickwongxxx” trên một trang TMĐT với giá 88.000 đồng/hộp, chúng tôi khá ngạc nhiên vì sản phẩm đang được xếp vào nhóm bán chạy của shop với hơn 4.000 lượt bán thành công.

Sản phẩm từ điểm bán này "tiến bộ" hơn khi kèm theo một mẩu giấy nhỏ hướng dẫn sử dụng (HDSD) bằng tiếng Việt kèm hạn sử dụng. Tuy nhiên, dù để hạn sử dụng  “6 tháng từ ngày sản xuất" và "ngày sản xuất được in trên bao bì” nhưng tìm mỏi mắt trên bao bì chi chít tiếng Trung Quốc mà không có bất kỳ thông tin nào về ngày sản xuất (?).

Ngày sản xuất/hạn dùng trên bao bì sản phẩm không rõ ràng
Ngày sản xuất/hạn dùng trên bao bì sản phẩm không rõ ràng

Điều đáng nói, sự háo hức của nhiều người muốn thử sản phẩm này vì muốn trải nghiệm cơ chế tự sôi lại khiến chúng tôi giật mình. Phản ứng hóa học diễn ra quá nhanh, ngay khi cho nước vào gói hoá chất để làm nóng lẩu, sản phẩm nhanh chóng sinh nhiệt, hơi nước bốc lên rất mạnh và nóng. Với nhiệt độ này người dùng hoàn toàn có thể bị bỏng.

Yếu tố lạ, độc đáo... không phải là lý do duy nhất khiến sản phẩm này được nhiều người lùng mua, mà việc được chiết khấu cao khi tham gia phân phối sản phẩm này khiến các đại lý bán sản phẩm đang mọc nhanh như nấm.

Đặt vấn đề muốn mua sỉ sản phẩm để bán sỉ, chúng tôi được Linh, người tự nhận chuyên bán các sản phẩm đồ ăn nội địa Trung Quốc tại TPHCM cho biết, mức chiết khấu mà chúng tôi được hưởng sẽ là từ 20-50% tuỳ mặt hàng và số lượng mua. Linh cũng không quên trấn an, khỏi cần giấy tờ, hóa đơn vì hàng không nhiều, chủ yếu về theo dạng xách tay. 

Gói hoá chất phản ứng rất nhanh khi gặp nước, người sử dụng không khéo có thể bị bỏng
Gói hoá chất phản ứng rất nhanh khi gặp nước, người sử dụng không khéo có thể bị bỏng

Rủi ro tiềm ẩn 

Thực phẩm tự sôi không phải là trào lưu mới mà đã xuất hiện khá phổ biến ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singrapore… Sở dĩ các sản phẩm có thể nóng nhanh vì trong gói hoá chất có chứa hỗn hợp magie, muối và sắt. Khi tiếp xúc với nước (H20) magie sẽ tham gia phản ứng oxy hóa kim loại và tạo ra nhiệt. Nhiệt độ sẽ tăng cao cũng như phản ứng xảy ra mạnh hơn nhờ có thêm thành phần sắt và muối.

Giới kinh doanh các sản phẩm này dẫn lời các chuyên gia về thực phẩm một cách chung chung là đối với loại thực phẩm không được chế biến, đun nấu trực tiếp theo phương pháp thông thường mà dùng nhiệt hoá chất để đun nấu vẫn được xem là bình thường. Vì sản phẩm tự sôi trên chủ yếu đã được chế biến trước, việc đun qua nhiệt được coi như một hình thức hâm nóng lại thức ăn.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phan Thế Đồng – Bộ môn Công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, cần tránh tiếp xúc trực tiếp giữa hoá chất, nước đun hoá chất với thức ăn. Mặc dù sắt hay magie vẫn là một dạng chất cần bổ sung cho cơ thể, tuy nhiên phải ở dạng khoáng chất mà cơ thể có thể tiêu hoá được. Trái lại có thể gây ngộ độc cho người dùng khi ở lượng vượt ngưỡng cho phép.

“Hoá chất tiếp xúc với nước sinh ra nhiệt, khiến nước bốc hơi rất nhiều. Tuy nhiên hơi nước sinh ra, nước ngưng tụ trên nắp hộp hoặc vào thực phẩm thì không vấn đề. Nhưng mà các chất còn lại trong nước sẽ độc, ví dụ như sắt là kim loại nặng nếu không tan hay bốc hơi hết sẽ gây độc nếu ăn phải”, TS Đồng cho hay.

Cũng theo TS Đồng, một nguy cơ khác có thể gây hại cho sức khoẻ của người sử dụng là chiếc hộp nhựa đựng thực phẩm để đun phải là loại nhựa tốt, không có phụ gia nguy hại cho sức khoẻ. Thế nhưng nhựa không có phụ gia thường rất cứng, giòn, dễ bể nên để có chiếc hộp dẻo, khó vỡ thì người ta sẽ thêm rất nhiều loại phụ gia khác nhau vào làm nhựa dẻo hơn. Nếu chất tạo dẻo là chất an toàn thì không có vấn đề, còn chất tạo dẻo có khả năng gây ung thư thì nó là vấn đề của bao bì. 

Thịt bò còn tươi nguyên khi đổ ra nồi lẩu
Thịt bò còn tươi nguyên khi đổ ra nồi lẩu

Ngoài ra, các chuyên gia về dinh dưỡng cũng từng khuyến cáo, không nên sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm dưới hình thức tự sôi. Vì thực phẩm tươi sống tự chế biến, đun nấu có thể chủ động được nguồn nguyên liệu, có thể an toàn, thậm chí rẻ tiền hơn các loại thực phẩm tự sôi.

"Bỏ qua hết các rủi ro về hoá chất nhưng quá trình thao tác không khéo thì hoá chất có thể dễ dàng gây tổn thương, bỏng… Thức ăn chế biến sẵn để giữ được lâu phải có chất bảo quản, mình hạn chế chất bảo quản sẽ tốt hơn cho sức khoẻ”, TS Đồng đưa lời khuyên.

Quốc Thái

Video: Tam Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI