“Chè dưỡng nhan” toàn kỳ hoa dị thảo, chất lượng đến đâu?

28/05/2020 - 07:04

PNO - Được đồn đại có công dụng giữ dáng và đẹp da, “chè dưỡng nhan” đang được kinh doanh rầm rộ, dù thành phần cũng như công hiệu đều nhập nhèm.

Lời gấp 3-4 lần
Sau thời gian xuất hiện tràn lan trên các chợ online, “chè dưỡng nhan” tiếp tục tràn ra nhiều vỉa hè, dọc đường… đánh bạt các món nước truyền thống khác như nước sâm, nước mía… Sản phẩm này được giới thiệu là nấu từ 10 loại nguyên liệu khác nhau: tuyết yến, nhựa đào, bồ mễ, kỷ tử, táo đỏ, long nhãn, hạt chia, nấm tuyết, sen khô. Một số nơi có thêm hai nguyên liệu khác là saffron (nhụy hoa nghệ tây) và đông trùng hạ thảo.

Chủ cửa hàng T.H lấy nguyên liệu nấu chè dưỡng nhan trong các gói chi chít tiếng Trung Quốc.
Chủ cửa hàng T.H lấy nguyên liệu nấu chè dưỡng nhan trong các gói chi chít tiếng Trung Quốc.

“Chè dưỡng nhan” được phong danh hiệu thức uống “thần dược”, vừa giữ dáng vừa đẹp da do có nhiều loại thảo dược quý nên bán đắt như tôm tươi. Nếu các loại nước uống khác có giá trung bình 15.000 đồng/chai (loại 330ml), thì “chè dưỡng nhan” cũng xấp xỉ 20.000 đồng/chai, thậm chí có nơi chỉ bán 10.000 đồng/chai. Có thêm saffron và đông trùng hạ thảo, giá một chai sẽ từ 35.000 - 40.000 đồng. 

Chị Tú - chủ điểm kinh doanh nước giải khát tại đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, TPHCM cho biết, trước đây chị chỉ bán nước sâm, trà bí đao, nhưng hiện đang bán thêm “chè dưỡng nhan”. Lúc đầu, chị bán khoảng 100 chai/ngày, hiện chị bán được khoảng 200 chai/ngày. Với giá 20.000 đồng/chai, chị Tú thu về 4 triệu đồng/ngày. 

Được biết, kinh doanh “chè dưỡng nhan” khá lời, do nguyên liệu nấu loại chè này không đắt. Trên chợ mạng đang rao bán nguyên liệu nấu “chè dưỡng nhan” khá rẻ, chỉ 120.000 - 160.000 đồng/phần 500g, trong đó có 200g là đường phèn và 300g là các nguyên liệu khác (đã bao gồm saffron). Mỗi phần nấu được 12-15 chai. Nếu bán giá 20.000 đồng/chai sẽ lời gấp đôi. 

Điều đáng phân vân là hiện nguyên liệu nấu chè này đang khá nhập nhèm về nguồn gốc. Tất cả các điểm bán trên chợ mạng đều giới thiệu chỉ có nhựa đào, bồ mễ, kỷ tử Ninh Hạ là nhập từ Trung Quốc, còn tuyết yến được nhập từ Ấn Độ, táo đỏ nhập từ Hàn Quốc, hạt chia Úc, long nhãn Hưng Yên, hạt sen Đồng Tháp, đường phèn nâu Quảng Ngãi… Tuy nhiên, các gói nguyên liệu này chỉ được đóng gói sơ sài trong bao ni-lông không nhãn mác.

Rất khó để biết được chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu món chè dưỡng nhan bán tại các vỉa hè
Rất khó để biết được chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu món chè dưỡng nhan bán tại các vỉa hè

Các nhà thuốc trên đường Hải Thượng Lãn Ông khẳng định, tất cả nguyên liệu “chè dưỡng nhan” đều nhập từ Trung Quốc. Chủ cửa hàng T.H. cho biết: “Điểm bán nào nói tuyết yến nhập từ Ấn Độ, táo đỏ Hàn Quốc, hạt chia Úc là lừa dối người tiêu dùng. Tất cả đều nhập từ Trung Quốc nên mới có giá rẻ vậy. Đây là cửa hàng nên nguyên liệu còn được đóng gói trong bao bì có nhãn mác, khách mua xé lẻ ra bán. Những điểm bán trên mạng đều nhập hàng thùng, không hề có nhãn mác, chất lượng không được đảm bảo. Không chỉ nấu chè bán lời mà người bán nguyên liệu cũng lời “khủng”. 

Nhiều nguyên liệu bị tráo, chưa rõ công dụng

Trao đổi với chúng tôi, một vị dược sĩ giấu tên cho biết, rất nhiều nguyên liệu trong “chè dưỡng nhan” chưa rõ công dụng, một số nguyên liệu đã bị tráo thành nguyên liệu khác. Chẳng hạn như tuyết yến là chất nhựa thực vật tiết ra từ phần lõi của cây Gum Tragacanth, thuộc chi Sterculia, có nguồn gốc từ vùng cao nguyên khô hạn phía đông Địa Trung Hải, phía Bắc và Tây Nam châu Á, một số ít ở Đông Nam Á, Ấn Độ, Việt Nam, Lào, Malaysia, trong đó tuyết yến ở Ấn Độ là tốt nhất. 

 Chè dưỡng nhan tràn xuống vỉa hè với giá chỉ 10.000 – 20.000 đồng/chai.
Chè dưỡng nhan tràn xuống vỉa hè với giá chỉ 10.000 – 20.000 đồng/chai

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên Khoa y học cổ truyền, Trường đại học Y dược TPHCM cho biết, nhiều nguyên liệu trong “chè dưỡng nhan” như nhựa đào, tuyết yến khá lạ, vì trong sách chính thống của y học cổ truyền chưa ghi nhận, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc. Tuyết yến do phần tủy cây tiết ra, nên số lượng rất ít. Vì vậy nhiều nơi đã tráo mủ trôm thành tuyết yến, vì khi ngâm, hai loại này có hình dáng giống nhau.

“Một số báo nước ngoài có thông tin thương lái Trung Quốc thu mua mủ trôm của nước ta về chế biến, phù phép hình dáng giống tuyết yến, rồi xuất ngược về Việt Nam với giá cao hơn. Bản chất mủ trôm không độc, nhưng trong quá trình “phù phép”, không rõ họ bỏ thêm gì vào đó. Hay đông trùng hạ thảo, mặc dù là vị thuốc quý, nhưng có đến 70% sản phẩm trên thị trường là hàng giả, hàng kém chất lượng. Đã có không ít cửa hàng rao bán đông trùng hạ thảo giá rẻ, nhưng khi mua về thì là nấm thiên môn hay còn gọi là nấm trùng thảo. Không có chuyện đông trùng hạ thảo một tỷ đồng/kg mà lại có trong gói nguyên liệu giá 160.000 đồng” - vị dược sĩ này nói. 

Y học cổ truyền không dùng tuyết yến và nhựa đào như một thành phần bổ dưỡng, cũng không phải là thứ bổ sung collagen lý tưởng như lời đồn. “Các thành phần còn lại trong “chè dưỡng nhan” là những vị thuốc, món ăn phổ biến, tuy nhiên khi sử dụng cần có tư vấn của thầy thuốc. 

Thùy Dương - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI