Có thử thách mới biết tình yêu mạnh thế nào

23/02/2022 - 05:42

PNO - Suốt 25 năm chung sống, chị Bùi Thị Nguyệt Anh và anh Nguyễn Mạnh Cường chưa bao giờ làm mất mặt nhau trước người thân. Những cơn bão bất ngờ ập đến dạy họ biết cách cùng nhau chèo chống con thuyền hôn nhân cập bến hạnh phúc.

Vợ chồng Nguyệt Anh - Mạnh Cường và các con
Vợ chồng Nguyệt Anh - Mạnh Cường và các con

Mê sách nên kết cô bán sách 
Cách đây 28 năm, Bùi Thị Nguyệt Anh (sinh năm 1974) đang ở tuổi đôi mươi, tràn đầy sức trẻ và yêu đời. Chị sinh ra ở Hải Dương nhưng theo chân người bà con vào Biên Hòa, Đồng Nai bắt đầu cuộc sống tự lập. Chị bán sách giáo khoa tại nhà sách Biên Hòa. Anh Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1968), khi đó là bộ đội ở sân bay Biên Hòa. Đồng lương có hạn, không dư dả tiền mua sách, nhưng ham đọc nên anh hay ra đọc sách “chùa” ở nhà sách nơi Nguyệt Anh làm việc. 

Ngày đó Nguyệt Anh đi học tiếng Anh để phục vụ cho công việc bán hàng. Một lần, chị lại gặp Mạnh Cường vào cùng lớp. Thế là họ quen nhau, có cơ hội trò chuyện, thực hành tiếng Anh. Thấy cô gái bán sách hiền lành, tốt bụng và ham học nên chàng bộ đội rung động. Kể từ đó, anh thường xuyên lui tới hiệu sách chị bán và theo đuổi đến gần nửa năm Nguyệt Anh mới nhận lời yêu. 

Tình yêu đôi lứa của hai người cứ thế trôi đi mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Anh chị yêu nhau ba năm mới quyết định đi đến đám cưới tại Biên Hòa, Đồng Nai. Ba mẹ hai bên ở xa nên không thường xuyên qua lại thăm nhau, thăm con được. Khi ấy, chỉ có thủ trưởng của anh Cường thay mặt gia đình chú rể và bà cô của Nguyệt Anh thay mặt ba mẹ cô dâu làm thủ tục cưới hỏi. Một đám cưới đơn giản, gọn nhẹ nhưng ấm cúng, tràn ngập yêu thương.

Chị Nguyệt Anh và anh Mạnh Cường ngày cưới
Chị Nguyệt Anh và anh Mạnh Cường ngày cưới

Giữ 198 lá thư của chồng như báu vật 

Cưới nhau được một năm, đôi vợ chồng trẻ sinh con gái đầu lòng (năm 1998). Sau khi sinh ba tháng, Nguyệt Anh bồng con nhỏ ra Hà Nội sinh sống để tiện gần gũi, chăm sóc mẹ chồng. Lúc này mẹ chồng chị 71 tuổi. 

Vậy là từ đó, đôi vợ chồng trẻ cứ như “ông ngâu bà ngâu”, mỗi năm gặp nhau chỉ 15 - 20 ngày khi chồng về phép. Những năm đó chưa có điện thoại di động, tình cảm vợ chồng gửi gắm cho nhau qua những cánh thư viết tay. Nhanh chóng cũng phải hai tuần mới nhận được thư của nhau. Biết vợ một mình vất vả mà chưa nghĩ được cách nào bù đắp, anh chỉ biết cố gắng làm tốt công việc của mình để nhanh có ngày được đoàn viên. 

Viết thư cho vợ, anh cũng viết thư riêng cho con, mặc dầu con lúc đó còn rất bé. Anh kể: “Dẫu con chưa hiểu hết, nhưng nghe mẹ đọc thư bố viết riêng cho con, chắc chắn con cũng phần nào cảm nhận được tình yêu thương của bố dành cho con”. Mỗi lần nhận thư là niềm vui không tả xiết, như món quà tinh thần động viên lúc xa nhau. Bây giờ chị vẫn còn giữ kỹ 198 lá thư của chồng viết lúc xa vợ con.

Chị Nguyệt Anh ở Hà Nội tần tảo buôn bán nhỏ, vừa chăm mẹ chồng vừa chăm con. Khi mẹ chồng yếu, chị nhờ mẹ đẻ phụ chăm con để có thêm thời gian chăm mẹ chồng. Khi mẹ chồng nằm viện, chị là người cận kề bên bà, xử lý hết các tình huống éo le khi vệ sinh cho người bệnh. Chị cho biết: “Tôi luôn xác định coi mẹ chồng như mẹ mình. Không có mẹ thì làm gì có chồng. Các cụ dạy “Gái có công, chồng nào phụ”, tôi chưa bao giờ phải nhắc anh ấy đối xử tốt với gia đình mình, chỉ hy vọng anh ấy hiểu được điều này là vui rồi”.

Cuộc sống gian nan vất vả nhưng đầy hy vọng của vợ chồng trẻ. Đến năm thứ 11, anh Cường mới chuyển công tác ra sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Đó là năm 2006. Lúc này hai vợ chồng mới thật sự gần nhau. Anh Cường luôn tôn trọng và biết ơn người vợ đã không quản khó nhọc, thay anh chăm sóc mẹ, nuôi dạy con. Anh đối xử với ba mẹ của vợ cũng tốt như đối xử với chính ba mẹ mình. 

Kể từ ngày vợ chồng một nhà, anh muốn bù đắp cho chị những tháng ngày vất vả khi không có chồng bên cạnh, nên tích cực chia sẻ việc nhà với vợ. Anh dành nhiều thời gian chăm sóc con, dạy con học. Anh tỉ mẩn uốn nắn con, để vợ không còn phải bận tâm việc con cái. Anh dạy con theo tác phong quân đội “nhanh nhẹn, chính xác, chăm chỉ”. Con đi học, về nhà anh không gây áp lực con học thêm mà động viên con làm việc nhà, tập thể dục thể thao và anh luôn làm gương cho con. 

Cứu vợ khỏi cơn điên 

Năm 2000 chị Nguyệt Anh sinh con thứ hai, là một bé trai kháu khỉnh. Cuộc sống tuy còn vất vả nhưng càng rộn tiếng cười trong căn nhà đơn sơ. Vợ một nách hai con, một mẹ già. Ngày đó, lương anh chồng bộ đội rất thấp, chưa đủ ăn cho bản thân, nói gì đến nuôi mẹ, vợ con. Mọi thu chi lớn nhỏ đều dồn vào sự xoay xở, vun vén của Nguyệt Anh. 

Hơn thế, chỉ trong vòng mấy năm trời gia đình anh chị đã xảy ra nhiều chuyện không may. Đầu năm 2009, mẹ đẻ Nguyệt Anh mất, đến tháng Bảy mẹ chồng mất. Chưa được một năm anh trai ruột Nguyệt Anh mất, rồi anh trai chồng cũng mất. Sau đó, thêm một sự vụ tang thương khác nữa, đứa con trai kháu khỉnh của anh chị tròn mười tuổi về quê Hưng Yên không may ngã xuống ao và đuối nước. Chưa hết, cũng cuối năm đó, chị phải mổ tim. Căn bệnh quái ác có lẽ sinh ra từ quá nhiều nỗi đau mà người mẹ chưa kịp thích ứng. 

Chỉ trong thời gian ngắn, mất mát quá nhiều người thân, đặc biệt là cú sốc mất đứa con trai yêu thương khiến chị Nguyệt Anh phát điên. Mấy tháng trời, chị như người mất hồn, không thể kiểm soát. Lúc ấy, người thân, bạn bè khuyên anh Cường nên đưa vợ đến bệnh viện tâm thần nhưng anh không nghe. Với tình thương vô bờ bến, anh tin: “Vợ tôi vì quá sốc mà nhất thời như vậy thôi. Tôi sẽ bên cô ấy ngày đêm và rồi mọi chuyện sẽ ổn”. 

Nói sao làm vậy, anh ân cần, vỗ về, nhẹ nhàng, gắng gượng chăm sóc và kết quả thật vô cùng tốt đẹp. Anh chịu hết những lần chị nhìn anh như người lạ, la mắng, xua đuổi chồng. 

Rồi với sự chăm sóc đầy yêu thương của anh, chị dần trở lại, thưa dần những cơn hoảng loạn và hết hẳn. May mắn thay, ông trời lại thương, năm 2012 khi tròn 40 tuổi, chị sinh được cậu con trai. Có thêm con, món quà tinh thần xoa nỗi mất mát của chị, cả gia đình như thêm sức hồi sinh, cuộc sống dần vui trở lại. 

Cơm sôi thì nhỏ lửa 

Đôi vợ chồng vất vả ngày nào giờ đã trải qua năm thứ 25 của cuộc sống hôn nhân. Cô con gái đầu lòng hiện là sinh viên đại học y khoa năm thứ sáu. Năm COVID-19 vừa rồi, con gái cũng hăng hái đi Bình Dương chống dịch hai tháng. Cậu con trai đã học lớp Bốn. 

Cuộc sống hôn nhân của hai người đã từng trải qua biết bao thăng trầm sóng gió. Bây giờ, hai vợ chồng chỉ hy vọng được bình yên. Thi thoảng anh chị cũng kể cho các con nghe về những tháng năm quá khứ để các con hiểu bố mẹ đã cùng nhau vượt qua những thử thách thế nào. Anh chị giáo dục con bằng những câu chuyện thực tế của mình để con biết trân trọng cuộc sống hiện tại. 

Chị hiện làm công việc chăm sóc khách hàng cho một dịch vụ homestay ở Hà Nội. Anh đã nghỉ hưu nhưng vẫn chịu khó làm thêm công việc để phụ giúp gia đình. Chị tự hào nói về anh: “Chồng tôi rất chịu khó, anh ấy thương vợ con và hết lòng vì gia đình. Anh ấy không cờ bạc không rượu, chỉ uống vài lon bia ở nhà vào dịp lễ tết. Có chồng thấu hiểu, tôi cũng phần nào được an ủi cho những tháng ngày khổ cực đã qua”.

Khi được hỏi về bí kíp giữ hôn nhân hạnh phúc, chị vui vẻ cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ cãi nhau hay tỏ ra giận dỗi trước mặt mẹ chồng, con cái. Nếu có điều gì sai trái, chúng tôi thỏa thuận với nhau là không làm mất mặt nhau trước mặt người khác mà chờ lúc các con ngủ, mẹ ngủ rồi chủ động đưa nhau đi ra quán cà phê để nói hết mọi chuyện. Ai sai người ấy xin lỗi. Mọi việc cứ đơn giản thế thôi. Cứ thế vợ chồng bên nhau “cơm sôi nhỏ lửa muôn đời không khê” là vậy”. 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI