Có một người đàn ông ngọt ngào Stephen Hawking

15/03/2018 - 04:30

PNO - Nói tới Hawking, hẳn mọi người sẽ liên tưởng tới hình ảnh một nhà nghiên cứu ngày đêm miệt mài với những lý thuyết về vũ trụ bao la. Thế nhưng sự thật lại chẳng phải vậy.

Giáo sư Stephen Hawking là một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất thế giới, mở ra cho nhân loại những kiến thức phức tạp nhưng vô cùng quý giá về vũ trụ. Ông đã xuất bản ba cuốn sách bán chạy, trong đó có cuốn nổi tiếng Lược sử thời gian, từng được trao nhiều bằng danh dự, huy chương, được phong tước CBE năm 1982. Ông cũng kết hôn hai lần và có ba con.

Hài hước và yêu phụ nữ

Nhân dịp sinh nhật thứ 70 năm 2012, khi được hỏi ông nghĩ tới điều gì nhất trong ngày, nhà vật lý vĩ đại trả lời: “Phụ nữ. Họ là một bí ẩn tuyệt đối”.

Co mot nguoi dan ong ngot ngao Stephen Hawking
Stephen Hawking trong đám cưới với người vợ đầu tiên Jane Wilde

Đây rõ ràng không phải câu trở lời buột miệng, bởi ba năm sau, khi cộng đồng Reddit hỏi ông thấy bí ẩn nào hấp dẫn nhất, Hawking trả lời: “Phụ nữ. Trợ lý của tôi nhắc tôi rằng dù tôi có bằng tiến sĩ vật lý, phụ nữ vẫn là bí ẩn với tôi”.

Bất chấp sự thiếu hụt kiến thức về mặt phụ nữ, Hawking lại rất được lòng phái đẹp. Khi còn là một sinh viên bình thường, Hawking đã chiếm được trái tim Jane Wilde, người sau này là vợ đầu của ông. Bà Jane lần đầu gặp ông vào năm 1962, khi ông đang “đánh võng” trên đường St Albans, đầu hơi cúi xuống, bị phủ bởi rừng tóc nâu bất trị. Sau đó, bà phải lòng ông bởi tính hài hước.

Không nản lòng trước căn bệnh hiếm của Hawking cũng như sự phản đối của gia đình ông cùng bạn bè bà, Jane đã ở bên Hawking 20 năm, sinh cho ông ba người con vì tình yêu và niềm tin tưởng tuyệt đối vào tài năng sáng chói của ông. Với bà, công việc của chồng giống như soạn một bản giao hưởng của Mozart trong đầu.

Bà đã hi vọng hôn nhân của họ cứ mãi mãi như vậy. “Nhưng không. Như thế là không đủ tốt với Stephen, nên tôi rời bỏ ông ấy. Thật sự là một quãng thời gian khó khăn”, bà chia sẻ sau khi bộ phim The Theory of Everything ra rạp. Ngay khi ngồi trên xe lăn, Hawking vẫn đủ sức hấp dẫn các nữ y tá. Bà Jane Hawing đã ra đi dù vẫn yêu chồng, để ông dễ dàng tới với người phụ nữ thứ hai, Elaine Mason, nữ y tá riêng khi đó.

Co mot nguoi dan ong ngot ngao Stephen Hawking
Stephen Hawking đã tới phim trường "The Theory of Everything" và xin Felicity Jones một nụ hôn (Ảnh: một cảnh trong phim)

Felicity Jones, người đóng vai Jane Hawking trong The Theory of Everything cũng vô cùng xốn xang khi lần đầu gặp nhà khoa học lừng danh. Cô lần đầu gặp ông khi quay cảnh pháo hoa ở trường đại học, nơi khi xưa vợ chồng ông có nụ hôn đầu. “Ngay sau khi xong cảnh pháo hoa, Stephen xuất hiện ở phía bên kia phim trường, cùng với bốn y tá”, cô nhớ lại.

Ông đã theo dõi đoàn làm phim khoảng một tiếng và nhờ trợ lý tới hỏi Felicity liệu cô có thể tới và cho ông một nụ hôn? Cô không thể từ chối. “Ồ, ông ấy như ngôi sao nhạc Rock. Ông vô cùng có sức hút và không làm ra vẻ quan trọng. Khi lần đầu gặp ông, bạn sẽ rất lo lắng rồi nói quá nhiều, làm những thứ ngu ngốc. Ông ấy là mọi thứ bạn có thể tưởng tượng. Tôi yêu ông ấy”.

Thật là một người đàn ông ngọt ngào!

Theo một số nguồn tin, Hawking còn đặc biệt thích xem… múa cột. Ngoài ra, ông rất lãng mạn. Ca khúc yêu thích nhất của Hawking là Have I Told You Lately của Rod Stewart. Phim yêu thích nhất là Jules et Jim năm 1962, một chuyện tình lãng mạn của Pháp.

Ủng hộ trợ tử

Căn bệnh hiểm nghèo khiến Stephen Hawking thường rơi vào những cảm xúc trái ngược. Một mặt, ông phủ nhận bệnh tật, điều mà bà Jane đánh giá là làm cuộc sống trước đây của họ khó khăn hơn. Mặt khác, ông chán nản và muốn kết thúc cuộc đời.

Ông thừa nhận mình đã định tử tử khi phẫu thuật cắt mở khí quản hồi những năm 1980. “Tôi từng cố gắng tự sát bằng cách nhịn thở. Tuy nhiên, phản xạ thở quá mạnh”, Hawking nhớ lại.

Cuộc đời ông cũng nhiều cô đơn và hối tiếc vì bệnh tật.

Ông hối tiếc khi không thể dễ dàng giao tiếp, với đồng nghiệp cũng như người hâm mộ, những người mà theo ông là luôn lo lắng khi nói chuyện với ông. “Nhiều lúc tôi rất cô đơn vì mọi người sợ nói chuyện với tôi hay không chờ tôi viết câu trả lời”, ông tâm tư. “Nhiều lúc tôi xấu hổ và mệt mỏi. Tôi thấy khó nói chuyện với những người không quen”.

Ông cũng vẫn mang đầy thất vọng vì mất khả năng vận động. “Tôi ước có thể lại bơi được”, ông nói. “Khi các con còn bé, tôi đã lỡ mất cơ hội vui đùa với chúng”.

Co mot nguoi dan ong ngot ngao Stephen Hawking

Từ cách đây 5 năm, nhà vật lý vĩ đại đã công khai tuyên bố ủng hộ trợ tử, giúp những người bị bệnh hiểm nghèo được ra đi thanh thản. “Chúng ta không để động vật phải chịu đau đớn, vậy cớ sao để con người phải chịu”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với BBC năm 2013.

Ông nhấn mạnh phải có những biện pháp bảo vệ để việc này không bị lạm dụng. “Phải có những biện pháp bảo vệ để đảm bảo người bệnh thật sự muốn kết thúc cuộc đời. Họ phải không bị ai gây sức ép, không bị trợ tử khi họ chưa ưng thuận hay không biết gì như trong trường hợp của tôi”, ông ám chỉ vụ năm 1985, khi ông bị đưa vào máy duy trì sự sống, bác sĩ cho vợ ông quyền được tắt máy. May mắn, vợ ông đã từ chối, ông đã phục hồi và hoàn thành cuốn sách rất được đánh giá cao A Brief History of Time.

Năm 2014, giữa cuộc tranh luận nảy lửa của các đồng nghiệp về dự luật trợ tử, nhà vũ trụ học mạnh mẽ cho rằng sẽ là “phân biệt đối xử chống lại người khuyết tật khi từ chối cho họ quyền được chết, thứ mà những người khỏe mạnh có”.

Dự luật của Lord Falconer cho phép bác sĩ kê đơn để trợ tử theo nguyện vọng của bệnh nhân trong trường hợp họ bênh nặng, sống không quá 6 tháng nữa.

Năm 2015, Hawking cho biết ông sẽ cân nhắc kết thúc cuộc đời mình.

“Còn sống, còn hi vọng”

Tuy nhiên, trái với dự đoán của nhiều người, Hawking là người khao khát sống. Ông cho biết chuyện đó chỉ xảy ra khi ông cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho người khác và nếu ông “không còn gì nữa để cống hiến”.

Nhưng bản thân ông biết mình còn rất nhiều công trình khoa học đang chờ đợi, bất chấp căn bệnh hiểm nghèo của mình. “Tôi thật đáng nguyền rủa nếu chết trước khi làm sáng tỏ hơn về vũ trụ”, ông nói.

Co mot nguoi dan ong ngot ngao Stephen Hawking
Stephen Hawking là phép màu của nhân loại, cuộc sống lâu dài của ông lại là một phép màu của số phận

Bất chấp đau đớn về thể xác và tâm hồn, ông vẫn thấy “sai lầm khi tuyệt vọng và tự tử, trừ khi ai đó đau đớn quá. Nhưng đây là vấn đề về lựa chọn. Chúng ta không nên tước quyền được chọn chết của ai đó”.

Ông cũng đưa ra thông điệp sâu sắc gửi những người bị trầm cảm, so sánh trầm cảm với lỗ đen vũ trụ. “Thông điệp từ bài giảng này là lỗ đen không đen như bị sơn. Chúng không phải là nhà tù vĩnh cửu như mọi người từng nghĩ. Có thể thoát ra khỏi lỗ đen và thậm chí tới một vũ trụ khác. Thế nên nếu bạn là một cái lỗ đen đi nữa, đừng bỏ cuộc – luôn có cách thoát ra”. Với ông, còn sống là còn hi vọng.

Năm 21 tuổi, Hawking bị chuẩn đoán mắc bệnh thần kinh vận động (MND) và bác sĩ dự đoán ông chỉ sống được không quá hai năm nữa. Thế nhưng, hai năm sau, ông khỏe mạnh và lấy vợ (năm 1964).

Chỉ 5% người mắc thể MND giống như ông – một chứng bệnh có tên xơ cứng teo cơ một bên ALS hay bệnh Lou Gehring – sống được hơn một thập kỷ sau khi được chẩn đoán. Stephan Hawking đã sống thêm 55 năm sau khi biết bản án dành cho mình.

Nigel Leigh, giáo sư về thần kinh học, còn ngạc nhiên bởi chưa từng thấy ai bị bệnh ALS mà sống lâu được như vậy. Tuổi thất thập lai hi của Hawking khiến nhiều nhà khoa học bối rối.

Stephen Hawking là người bình thường với những cảm xúc rất con người, nhưng vĩ đại không chỉ bởi khối óc, mà còn bởi nghị lực sống. Hơn nửa thế kỷ sinh tồn của ông hẳn còn có bàn tay của số mệnh, để nhân loại được khai sáng về vũ trụ bao la ngoài kia.

Thư Vĩ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI