Cơ hội thu hẹp bất bình đẳng giới trong thị trường lao động

07/05/2022 - 06:09

PNO - Hậu đại dịch, phụ nữ tham gia lực lượng lao động vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi so với đồng nghiệp là nam giới, điển hình như vấn đề tiền lương. Tình trạng thiếu hụt lao động hiện được xem là cơ hội để các công ty tìm cách thúc đẩy bình đẳng giới, đưa nhiều phụ nữ hơn trở lại làm việc.

Bất bình đẳng về thu nhập

Theo số liệu mới nhất công bố bởi Chính phủ Anh, trung bình phụ nữ nước này chỉ được trả mức lương  bằng khoảng 90% của một người đàn ông ở cùng vị trí. Phân tích do Viện Nhân sự và Phát triển Chartered (CIPD) thực hiện cho thấy lĩnh vực có chênh lệch lương trung bình theo giới lớn nhất là xây dựng, nơi nhân viên nữ chỉ nhận được khoản 76% tiền thù lao trả cho nam giới. 

Tại Mỹ, theo báo cáo công bố đầu tháng Năm của Trung tâm Luật phụ nữ quốc gia, chênh lệch tiền lương khiến phụ nữ Mỹ gốc Á, người Hawaii bản địa và người từ các đảo Thái Bình Dương có công việc toàn thời gian hụt 3.000 USD mỗi năm so với đồng nghiệp nam. Báo cáo viết: “Một phụ nữ da màu, gốc Á hoặc Thái Bình Dương bắt đầu sự nghiệp của mình ngày hôm nay có thể mất 120.000 USD trong 40 năm tới”, nếu khoảng cách lương giữa đàn ông da trắng và phụ nữ da màu không thu hẹp. 

Trên thực tế, phụ nữ Mỹ gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia thường kiếm được nhiều tiền hơn nam giới da trắng. Tuy nhiên, ngay cả điều đó cũng có mặt trái vì dễ dẫn đến những đồn đãi về người châu Á thành đạt, làm giảm các nỗ lực chống lại sự phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á. Báo cáo cũng cho thấy COVID-19 càng làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện có về tiền lương, bởi rất nhiều phụ nữ bị buộc phải giảm giờ làm hoặc bị buộc thôi việc. Dữ liệu gần đây nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ có thêm 678.000 việc làm trong tháng Hai, với phụ nữ chiếm 51,2%. Nhưng bất chấp mức tăng mạnh này, phụ nữ ở Mỹ hiện vẫn mất hơn 1,4 triệu việc làm kể từ tháng 2/2020. 

Sau đại dịch, nhiều phụ nữ gặp khó khăn khi quay lại làm việc do những bất bình đẳng về đãi ngộ - ẢNH: GETTY IMAGES
Sau đại dịch, nhiều phụ nữ gặp khó khăn khi quay lại làm việc do những bất bình đẳng về đãi ngộ - ẢNH: GETTY IMAGES

Cơ hội để thay đổi
Các doanh nghiệp biết rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa để có thể biến nơi làm việc trở nên công bằng cho tất cả mọi người thông qua các chính sách tuyển dụng và văn hóa công ty. Khi lên kế hoạch cho những chuyển đổi lớn tiếp theo hậu đại dịch, như sự duy trì của làm việc từ xa, tăng cường tự động hóa và tập trung nhiều hơn vào tính bền vững, doanh nghiệp có cơ hội thực hiện các kế hoạch thực sự dẫn đến bình đẳng, thay vì duy trì hệ thống bất bình đẳng hiện nay. Ví dụ, ở Anh, Công ty Kiểm toán PwC phát hiện ra rằng tỷ lệ thất nghiệp đã giảm trong thập kỷ qua đối với mọi nhóm lao động, ngoại trừ phụ nữ dân tộc thiểu số. Larice Stielow - nhà kinh tế cấp cao của PwC - kêu gọi: “Thời điểm hậu đại dịch này thực sự là cơ hội để thiết kế một môi trường việc làm trong tương lai hoạt động tốt hơn cho phụ nữ”.

Trong những năm gần đây, vấn đề bình đẳng lương thu hút nhiều sự quan tâm tại Mỹ, từ các bang Colorado và California đến các thành phố lớn như New York và Cincinnati, với điểm sáng là luật yêu cầu minh bạch về mức lương. Mặc dù các nguyên tắc này khác nhau ở mỗi nơi, một số cho phép người tìm việc có quyền yêu cầu mức lương mong muốn, một số khác yêu cầu các công ty công bố mức lương trên thông báo tuyển dụng.  

Những biện pháp này là một xu hướng tích cực, nhưng bản thân việc minh bạch tiền lương không giải quyết được vấn đề chênh lệch lương. Để đạt được sự bình đẳng thực sự về lương, các tổ chức trả lương cần những thay đổi khác với cách thông thường hiện nay. Ví dụ, nhà tuyển dụng thường hỏi về mức lương thưởng hiện tại của một ứng viên. Nhưng nếu các công ty muốn giúp thu hẹp khoảng cách lương, câu hỏi mang tính xây dựng hơn phải là “bạn mong muốn đãi ngộ thế nào cho công việc này?”.

Mặt khác, các công ty cần đầu tư nhiều hơn cho phụ nữ ngoài mức lương. Hỗ trợ trong toàn bộ sự nghiệp là điều cần thiết. Cate Luzio - người sáng lập và Giám đốc điều hành của Luminary, tổ chức mạng lưới phát triển nghề nghiệp quốc tế dành cho phụ nữ - giải thích: “Bên cạnh việc trả lương xứng đáng, các công ty cần mang lại cho phụ nữ cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, đầu tư vào kỹ năng và sự phát triển của họ”. 

Cuối cùng, các chính phủ cần thực hiện nhóm giải pháp có chủ đích nhằm thu hẹp khoảng cách trả lương theo giới. Cụ thể như tăng lương tối thiểu; quy định số ngày nghỉ bệnh được trả lương; thiết lập dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, đi kèm mức lương và điều kiện làm việc phù hợp cho nhân viên nhà trẻ. Có biện pháp thúc đẩy nền kinh tế bằng cách tài trợ dịch vụ công và cung cấp các dịch vụ y tế, cộng đồng và giáo dục với mức lương, điều kiện làm việc hấp dẫn hơn. Quan trọng nhất, sự thay đổi lớn cần diễn ra ngay bây giờ bởi vì sự bất bình đẳng đối với phụ nữ đã trở nên sâu sắc hơn trong thời kỳ đại dịch. 

Linh La (theo Bloomberg, WSJ, CNBC, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI