Cơ hội cho các bé gái chưa chào đời thoát "án tử"?

04/01/2016 - 07:19

PNO - Ngày 27/12/2015, Quốc hội Trung Quốc (TQ) chính thức thông qua dự luật cho phép các cặp vợ chồng được có hai con.

Động thái này nhằm đối phó với tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động ở nước này. Luật mới có hiệu lực từ 1/1/2016, cũng nhằm giải quyết tình trạng dân số mất cân đối nghiêm trọng về giới tính, kéo theo là cứu sống hàng triệu bé gái chưa chào đời trong bối cảnh xã hội trọng nam khinh nữ buộc nhiều gia đình lựa chọn sinh con trai hay con gái khi theo luật trước đó, họ chỉ được có một con. Từ đầu năm 2014, TQ đã ban hành quy định nới lỏng “chính sách một con” cho phép các gia đình có chồng hoặc vợ là con một được phép sinh con thứ hai.

Co hoi cho cac be gai chua chao doi thoat
Li Xue (giữa) không được đi học, không được chăm sóc y tế hay có một công việc chính thức. Cô không có giấy khai sinh hay chứng minh thư, vì cô là một “đứa trẻ trong bóng tối”, một đứa con “đẻ chui”, sau khi gia đình đã có chị gái Li Bin (phải) - Ảnh: AFP 

“Chính sách một con” ban hành từ cuối thập niên 1970 quy định mỗi gia đình chỉ được có một con, thường được ca ngợi là “chìa khóa” dẫn đến sự bùng nổ kinh tế của TQ, giúp giảm được 400 triệu ca sinh mới. Chính sách này thực tế lại là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nạo phá thai lựa chọn giới tính, tức là thủ tiêu các bào thai giới tính nữ, xuất phát từ tập tục xã hội qua nhiều thế kỷ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai tính là có, mười con gái coi như không!).

Hậu quả của 30 năm áp dụng chính sách một con là TQ mất cân đối nghiêm trọng về giới tính khi sinh - hiện tỷ lệ ở nước này là 118 bé trai trên 100 bé gái, trong khi mức trung bình của thế giới là 103 bé trai trên 107 bé gái.

TQ hiện có 11 triệu cặp vợ chồng đủ điều kiện sinh con bổ sung, và các quan chức y tế nói rằng chính sách này sẽ dẫn đến hai triệu ca sinh mới. Tuy nhiên, đến nay trên toàn quốc mới chỉ có khoảng một triệu cặp vợ chồng nộp đơn xin sinh con thứ hai.

Tại thủ đô Bắc Kinh, khoảng 30.000 cặp vợ chồng xin sinh con thứ hai, song con số này ít hơn nhiều so với mức dự báo là 50.000. Tình hình ở các thành phố khác như Thượng Hải, Thâm Quyến cũng tương tự.

Vì sao người TQ không hân hoan chào đón chính sách mới? Nguyên nhân sâu xa là kinh tế, nhiều cặp không muốn có thêm con, họ muốn tập trung tích tụ tài sản hướng đến mức sống cao hơn của gia đình, theo mô hình xã hội “tiểu khang” (khá giả).

Các mối bận tâm khác của cuộc sống, như ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng là lực cản đối với việc có thêm con. “Người dân có xu hướng đẻ ít con hơn để tập trung vào duy trì mức thu nhập”, ông Chang Liu, chuyên gia kinh tế của trang mạng Capital Economics nhận định.

Co hoi cho cac be gai chua chao doi thoat
“Chính sách một con” quy định mỗi gia đình chỉ được phép có một con - Ảnh: AFP

Theo ông Chang Liu, việc TQ từ bỏ chính sách một con hiện nay là muộn màng, dường như không tác động nhiều đến nền kinh tế trong ngắn hạn; chính sách hai con không phải phương thuốc thần cho kinh tế TQ. Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cũng công bố một báo cáo nêu rõ sự thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình ở TQ là “chưa đủ”. Chuyên gia về TQ William Nee cảnh báo: “Các cặp vợ chồng có hai con vẫn có thể bị áp dụng hình thức tránh thai cưỡng bức, thậm chí là bị buộc phá thai”.

Chính sách một con giúp tăng trưởng kinh tế trong ba thập kỷ vừa qua, chính sách mới (hai con) nhắm đến tăng nguồn nhân lực và giải quyết các vấn đề xã hội. Một quyết định lịch sử được cho là ảnh hưởng đến 100 triệu cặp vợ chồng ở TQ liệu có trở thành cơ hội để hàng triệu bé gái chưa chào đời thoát khỏi “án tử” kéo dài suốt 30 năm, hay mới chỉ chuyển thành án treo?

Câu hỏi này không chỉ phụ thuộc vào chính sách của chính phủ, mà phần nhiều tùy thuộc vào tâm lý và ý thức xã hội, khi “một con” đã trở thành văn hóa và lối sống. Người dân dám đả phá quan niệm trọng nam khinh nữ và làm giàu bằng mọi giá hay không, cũng như sẵn sàng đánh đổi việc có thêm con với tiện nghi sinh hoạt cao cấp mình đang thụ hưởng?

Thanh Hải (Theo AFP, CNN, Xinhua, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI