Chuyện một nữ nhà báo được Time vinh danh

13/03/2022 - 16:25

PNO - Nhà báo Afghanistan Zahra Joya được tạp chí Time vinh danh là một trong những phụ nữ của năm 2022, bên cạnh luật sư nhân quyền Amal Clooney, vận động viên Olympic Allyson Felix và nhà thơ Amanda Gorman. Thông qua hãng thông tấn Rukhshana Media của mình, Joya đã lột tả cuộc sống cơ cực của phụ nữ ở Afghanistan.

Không ngừng đấu tranh cho bình đẳng

Hiện sống tị nạn ở Anh, Joya điều hành Rukhshana Media từ xa, xuất bản phóng sự của nhóm nữ nhà báo trên khắp Afghanistan về cuộc sống của phụ nữ dưới sự cai trị của Taliban.

Nhà báo Afghanistan Zahra Joya được tạp chí Time vinh danh là một trong những phụ nữ của năm 2022 - ẢNH: TIME
Nhà báo Afghanistan Zahra Joya được tạp chí Time vinh danh là một trong những phụ nữ của năm 2022 - Ảnh: Time

Loạt phim tư liệu về cuộc sống phụ nữ Afghanistan trong thời kỳ Taliban tiếp quản từ tháng 8/2021, do Rukhshana Media hợp tác với tờ Guardian sản xuất, kể về câu chuyện của những phụ nữ chạy trốn khỏi nhà của họ khi Taliban nắm quyền, nhấn mạnh hoàn cảnh của những bà mẹ đơn thân sau ly hôn, các cuộc tấn công nữ cảnh sát và đàn áp phong trào đòi bình đẳng.

Joya thành lập Rukhshana Media vào tháng 12/2020 bằng tiền riêng với tư cách là hãng thông tấn nữ quyền đầu tiên của Afghanistan. Rukhshana Media được kỳ vọng trở thành nguồn tin tức quốc gia nơi phụ nữ Afghanistan ở bất kỳ khu vực nào cũng có thể thấy cuộc sống của chính mình, phản ánh qua các câu chuyện được xuất bản hằng ngày.

Cả Joya và các nhà báo của cô đều phải đối mặt với các cuộc tấn công và nguy cơ mất mạng khi đưa tin về quyền của phụ nữ. Nhóm phóng viên của cô ở Afghanistan tiếp tục làm việc trong bí mật. Joya nói: “Việc trở thành một nữ nhà báo ở Afghanistan chưa bao giờ là dễ dàng. Giờ đây, việc đưa tin của chúng tôi gần như bị xóa sổ. Taliban buộc các nhà báo nữ phải đội khăn trùm đầu, cấm họ xuất hiện trên màn ảnh hoặc nơi công cộng, chặn tiếng nói của họ trên đài phát thanh ở một số tỉnh nhưng điều này càng khiến chúng tôi quyết duy trì những tục câu chuyện kể của mình”.

Cô nói thêm: "Taliban có thể dùng súng và những luật lệ hà khắc để vùi dập tinh thần phụ nữ Afghanistan nhưng họ không thể khiến chúng tôi im lặng. Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh". 

Giả làm con trai để đi học

Cuộc sống của một phụ nữ Afghanistan luôn trong tình trạng căng thẳng, bị phân biệt giới tính. Zahra Joya không khác gì so với nhiều phụ nữ khác. Cô sinh ra ở huyện Waras, phía nam tỉnh Bamyan vào năm 1993. Phản ứng đầu tiên của gia đình đối với sự ra đời của cô con gái là nỗi buồn. Trong ngôi nhà bằng bùn của gia đình, ngày này qua ngày khác, vang vọng tiếng khóc của Joya hòa cùng dòng nước mắt, lời oán trách từ mẹ cô vì đã sinh thêm một bé gái vào thế giới này.

Hiện tại, trẻ em gái tại Afghanistan không thể đến trường cấp II vì lệnh cấm từ Taliban, một số trường đại học cũng cấm phụ nữ
Hiện tại, trẻ em gái tại Afghanistan không thể đến trường cấp II vì lệnh cấm từ Taliban, một số trường đại học cũng cấm phụ nữ

Thời thơ ấu của Joya, Taliban nắm quyền cai trị Afghanistan. Dù nhóm chiến binh không hiện diện trực tiếp ở Waras, luật pháp của họ được thực thi một cách nghiêm ngặt. Tại ngôi làng nghèo khó này, mọi người quan tâm đến sự sống còn chứ không phải giáo dục - đặc biệt là giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái. Dù vậy, người dân đã thuê các giáo sĩ của nhà thờ Hồi giáo địa phương để dạy cho các cậu con trai trong làng.

Các chú của Joya đã học tại một nhà thờ Hồi giáo. Tuy nhiên, các chuẩn mực xã hội truyền thống quy định rằng nữ sinh không được phép vào lớp học của nam sinh. Trên hết, Taliban cấm trẻ em gái đi học. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của một trong hai người chú, cô đã giả trai để đi học. Joya tin rằng nếu không được tiếp cận giáo dục và không biết về quyền của mình, cô sẽ phải đối mặt với số phận giống như mẹ, bà và những phụ nữ khác trong làng.

Đối với Joya, quần áo trẻ em trai tượng trưng cho hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Cô đổi tên thành Mohammed. Từ ngày đầu đến trường, cô đã được biết đến như một cậu bé. Bề ngoài Joya rất vui, nhưng bên trong, cuộc đấu tranh nội tâm của cô vẫn tiếp tục. Nhiều người đàn ông Afghanistan có hành vi bạo lực. Để thích nghi với môi trường toàn nam giới, Joya buộc phải kiềm chế cảm xúc.

Trong sáu năm, cô bắt mình đi ngược lại những gì tự nhiên; không chỉ mặc đồ con trai, Joya còn nói và đi lại như một cậu bé. Trong sáu năm, cô là Mohammed. Bất chấp những yêu cầu của gia đình, cô từ chối mặc quần áo nữ ngay cả khi ra khỏi trường, ít nhất là cho đến ngày các cô gái có thể tự do đến trường.

Thời điểm đó cuối cùng đã đến. Khi Joya học lớp Sáu, chế độ Taliban bị lật đổ. Các trường học dưới thời Tổng thống Hamid Karzai đã mở cửa cho nữ sinh nhưng các bậc cha mẹ vẫn không dám cho con gái đi học. Nhiều tổ chức khác nhau bắt đầu thiết lập các chương trình khuyến học, bao gồm cả hỗ trợ thực phẩm. Ngày đầu Joya đến trường với cái tên Zahra, tất cả bạn bè của cô đều rất sốc.

Đó là điều cô đã dự đoán. Các cô gái không chấp nhận Joya như một người trong nhóm của họ, các chàng trai thì chế giễu Joya vì đã “thay đổi giới tính” chỉ sau một đêm. Ngược lại, nhờ những năm học dưới danh nghĩa con trai, Joya đi trước các cô gái trong làng về kiến thức. Cô có thể đọc, viết và bày tỏ quan điểm của mình.

Nhưng rồi một thời kỳ đen tối nữa trong đời lại đến khi gia đình Joya không cho phép cô thi vào đại học. Trước những giọt nước mắt của con gái, cha cô đã chấp nhận cho cô đi học nếu cô có thể tự trang trải chi phí. Sự cho phép từ cha là tấm vé vàng của cô gái trẻ. Mùa xuân năm 2011, Joya rời Bamiyan đến Kabul. Cô đăng ký học tại khoa nghiên cứu pháp lý của Viện Giáo dục Đại học Gawharshad. 

Zahra Joya cùng các chị em và cháu gái  của mình  ẢNH: GUARDIAN
Zahra Joya cùng các chị em và cháu gái của mình - Ảnh: Guardian 

Là một cô gái nông thôn ở một thành phố lớn, Joya không có tiền, phải đi bộ một quãng đường dài đến trường mỗi ngày nhưng cảm giác tự do thật tuyệt vời. Lần đầu tiên trong đời, cô sống một mình trong một căn phòng nhỏ. Tuy vậy, không lâu sau, cô gặp Zahra Yusufi, một phụ nữ tử tế mà cô luôn trân trọng. Khi biết được vấn đề của Joya, Zahra rất xúc động và hứa sẽ giúp đỡ. Lúc này, sự căng thẳng của cuộc sống đã gây ra hậu quả - sức khỏe Joya bắt đầu xấu đi. Cô lo sợ mình sẽ phải đầu hàng trước bệnh tật và trở về nhà với gia đình. Song, nỗi sợ hãi lớn hơn là chịu chung số phận với những cô gái trong làng: lấy chồng và từ bỏ tương lai.

Vào thời điểm Joya cảm thấy mình dễ bị tổn thương nhất, Zahra đã đem cho cô một tia hy vọng bằng cách hỗ trợ tài chính cho việc điều trị và một công việc tại văn phòng. Một lần nữa, Joya cảm thấy mạnh mẽ để tiếp tục, không chỉ theo đuổi con đường học vấn, cô bắt tay vào sự nghiệp báo chí. Sau bốn năm, cô đã có thể đưa gia đình đến Kabul.

Cô muốn ba chị em gái của mình cũng có cơ hội phát triển. Joya nói có những lúc cô muốn hét lên rằng cô tự hào về tất cả thành tích của bản thân, bất chấp những trở ngại một phụ nữ phải đối mặt. Cuộc sống với một phóng viên nữ ở Afghanistan chẳng hề dễ dàng. Joya kể: "Tôi thường là cô gái duy nhất ở tòa soạn. Khi tranh luận, người ta đều khuyên tôi nên về nhà và tự thấy xấu hổ vì nêu quan điểm, đặt câu hỏi. Nhưng tôi là một nhà báo, tôi có quyền ở đây".

Hiện tương lai của Joya vẫn chưa rõ ràng. Là phụ nữ, cô tiếp tục bị áp bức và đe dọa khi Taliban tái kiểm soát Afghanistan. Đồng thời, luôn có những lằn ranh mà cô không thể vượt qua vì giới tính của mình. Tuy Joya và người thân đang tị nạn tại Anh, cô luôn sợ ảnh hưởng đến đại gia đình của mình và cả những phóng viên của Rukhshana Media khi theo đuổi tiếng nói về bình đẳng.

Dù vậy, Joya vẫn sống với hy vọng rằng một ngày nào đó cô và mọi cô gái Afghanistan khác sẽ sống một cuộc đời do chính mình lựa chọn. 

Ngọc Hạ (theo Guardian, Gucci)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI