Chuyến đi của cha và con

12/04/2014 - 20:49

PNO - PN - Nhà văn Nguyễn Danh Lam từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn VN với tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc. Cùng những tiểu thuyết khác như Bến vô thường, Giữa vòng vây trần gian… Nguyễn Danh Lam luôn tự ý thức tìm tòi cách thể...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thế nhưng, với Cuộc đời ngoài cửa (NXB Hội Nhà văn), anh lại chọn cách viết khác trước là đưa vào nhiều chi tiết của đời sống. Anh tâm sự: “Nhà văn không thể đứng ngoài hiện thực của đời sống. Dòng chảy các sự kiện từng ngày là chất liệu phong phú để tái hiện trên trang văn, tôi đã quan sát và hư cấu thành số phận cho nhân vật của mình”.

Cuộc đời ngoài cửa là câu chuyện của ông giáo đã có mấy mươi năm đứng trên bục giảng, nhưng một ngày, ông quyết định bỏ dạy. Tại sao? Sự việc hai cậu học trò đâm nhau chết đã khiến ông bàng hoàng; cùng lúc đời sống hôn nhân lại trục trặc đã đẩy ông đến quyết định đó. Ông tâm sự với bạn: “Cũng buồn. Bằng tuổi này rồi, coi như lại lẫm đẫm tập đi. Cả đời, ngoài việc đứng trên bục giảng, dạy học trò, làm mấy bài thơ, tao chẳng có bất kỳ kỹ năng sống nào khác” (tr.17). Sau khi nghỉ dạy, ông thực hiện một chuyến đi xa. Hay tin, cô con gái suốt ngày chỉ dán mắt chơi game trên điện thoại di động, nhoay nhoáy với cả đống tin nhắn cũng đòi đi theo: “Ba muốn đi để có một đời sống khác, để gột rửa quá khứ, để học lại đời mình… như ba đã nói. Vì vậy, con cũng muốn đi để làm mọi điều như ba”.

Chuyen di cua cha va con

Hai cha con lên đường.

Những tưởng từ chuyến đi này, cả hai sẽ có những cảm thông, hiểu biết nhau hơn, nhưng không, xung đột giữa hai thế hệ lại mở ra. Với ông giáo, được sở hữu một tủ sách là cả gia tài: “Ba đã từng mơ ước để lại số sách đó cho các con. Đó là tài sản lớn nhất cho các con”, nhưng cô con gái nói toẹt ra “ít khi đọc”, không thèm quan tâm đến. Suy nghĩ này đã khiến ông choáng. Đi ngang nghĩa trang, ông tâm sự: “Những con người trong ấy, họ nằm lại bởi chiến tranh. Cuộc chiến mà con học trong sách đó. Hàng triệu người đã nằm xuống. Và rất nhiều người chưa được về với quê hương bản quán. Những người ở đây cũng vậy”. Điều đó khiến ông giáo thương xót, day dứt, thương cảm, nhưng cô con gái lại dửng dưng đến vô cảm: “Con tưởng có chuyện gì. Họ chết rồi, còn con thì phải đang sống”.

Đi trên cùng một chuyến xe, va chạm nhiều cảnh đời, nhưng hai cha con, hai thế hệ luôn không cùng suy nghĩ, sự bực bội diễn ra thường xuyên. Những lúc nhắc lại chuyện ly hôn của ông cũng gây cho cô con gái cú sốc nặng nề về tâm lý. Xung đột được đẩy đến đỉnh điểm khi cha con cãi nhau kịch liệt: “Trong khoảnh khắc thấy bóng con vừa vùng lên, định gào tiếp một câu gì đó, ông dang thẳng cánh tay, tát giữa mặt con một cú như trời giáng”. Chính vì cơn giận dữ không kiểm soát, ông giáo đã đẩy cô con gái tự tìm cách kết thúc số phận của mình.

Cuộc đời ngoài cửa là một cuốn tiểu thuyết lôi cuốn, mở ra nhiều vấn đề của hiện thực. Ít ra, khoảng cách giữa hai thế hệ không phải là hố thẳm, nếu con người hiện đại - như nhân vật của Nguyễn Danh Lam, được trang bị nhiều hơn về kỹ năng sống để có thể chấp nhận mọi tình huống trong cuộc đời. Điều nhà văn cảnh báo khiến người đọc khép trang sách vẫn còn ngẫm ngợi…

 Lê Văn Nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI