Chuyện cô gái mặc áo dài hở hang: Bài học khi đi du lịch

12/04/2022 - 16:38

PNO - Chuyện ăn mặc cũng cần am hiểu văn hóa của từng vùng, mỗi nước để tránh trở thành người khiếm nhã trong con mắt của người khác.

Câu chuyện Nữ du khách Malaysia mặc áo dài và chỉ mặc nội y ngồi thuyền thả hoa đăng tại phố cổ Hội An bị dư luận phê phán, thật tội nghiệp. Tôi nghĩ có lẽ cô ấy chưa biết cách mặc áo dài nên tưởng như mặc sườn xám, cứ thay bộ áo cô đang mặc bằng áo dài là xong. Nếu cô muốn “khoe thân” thì khoe kiểu khác, chứ "khoe" vậy thì đẹp nỗi gì. Nếu đúng như tôi nghĩ thì chỉ đơn giản cô ấy chưa am hiểu văn hóa người Việt trong cách ăn mặc thôi. 

Nhiều du khách thích thú khoe dáng với áo dài Việt Nam
Nhiều du khách thích thú khoe dáng với áo dài Việt Nam

Đến tham quan một nơi nào đó, mặc trang phục của người bản địa để chụp vài tấm hình kỷ niệm chuyến đi là xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, để mặc cho đúng, mặc cho đẹp cũng phải tìm hiểu rõ ràng. Nếu không, đến một lúc nào đó nhìn lại tấm hình đã chụp thấy mình thật "dị" trong mắt người khác. Đó là nói về trang phục địa phương mặc để chụp hình. Quần áo khi đi du lịch cũng là một vấn đề.

Thông thường khi đi du lịch mọi người được khuyên ăn mặc gọn nhẹ. Ngoài việc chú ý mang giày phù hợp cho việc phải đi bộ xa hay phải leo trèo, hướng dẫn viên còn nhắc nhở mang quần áo phù hợp, cần thiết tùy thuộc vào thời tiết nơi sẽ đến. Nếu đi tham quan ở đâu có quy định chặt chẽ về trang phục, hướng dẫn viên phải báo trước để khách chuẩn bị sẵn. Hoặc sẵn sàng kế hoạch cho khách mượn hoặc thuê.

Tại một số quốc gia, chuyện ăn mặc của phụ nữ bị hạn chế bằng luật pháp hẳn hòi. Ở xã hội cởi mở của chúng ta hầu như chuyện ăn mặc không bị cấm đoán. Thích che hay "khoe" tùy ý. Bên Tây người ta ăn mặc vô cùng thoải mái. Thế nhưng khi đến một số nơi như cơ sở tôn giáo, nhà hát giao hưởng… vẫn phải ăn mặc trang trọng. Chụp hình gần nơi tượng thần, phù điêu, linh vật dù những vật thể đó gần như phế tích cũng không được chụp với tư thế xuề xòa, giễu cợt. Thậm chí một số nhà hàng năm sao khi muốn đến dùng bữa thực khách nam buộc phải mặc veston, đeo cà vạt, còn nữ phải là đầm dạ hội. Riêng chuyện “khoe thân”, khách xứ lạnh rất thích phơi nắng. Đi du lịch về có làn da rám nắng, thay cho làn da trắng nhợt đầy tàn nhang, họ rất tự hào với bạn bè...

Trang phục là một phần văn hóa. Cách ăn mặc không ngừng biến động. Nhưng, dù thay đổi cách nào thì mỗi nơi, mỗi khu vực, mỗi nước, mỗi châu lục... chúng ta đã có ý định đặt chân đến thì cần am hiểu văn hóa để ứng xử cho phù hợp. Đừng để mình vô tình trở thành người khiếm nhã trong con mắt của người khác vì thiếu hiểu biết. Câu chuyện của nữ du khách Malaysia cũng là bài học cho chúng ta. 

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI