Chúng ta đã yêu như thế nào?

20/09/2020 - 15:36

PNO - Trong "Tenet" - tác phẩm điện ảnh mới nhất của mình - đạo diễn lừng danh Christopher Nolan đã đưa ra một ý niệm rất mới về thời gian: đó là một thế giới với sự tồn tại đồng thời hai chiều thời gian “đi” và “về” nghịch đảo với nhau.

Hai dòng thời gian song song ấy tưởng như không bao giờ có thể gặp nhau, nhưng bằng một cách phi thường, đã tìm ra cách để “chạm” nhau tại một thời điểm, tạo nên những dấu ấn vô cùng kỳ diệu. Cũng với ý tưởng về hai đường thẳng song song và sự thách thức quy luật của thời gian, từ cách đây 17 năm, hai đạo diễn nổi tiếng của Hồng Kông là Đỗ Kỳ Phong và Vi Gia Huy đã đưa câu chuyện Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải của tác giả Đài Loan Jimmy Liao lên màn ảnh.

Và cho đến nay, sau 17 năm, hành trình tình yêu của chàng nhạc công và cô dịch giả tưởng như sẽ chẳng bao giờ có thể gặp nhau ấy vẫn mãi là một trong những bản tình ca đẹp nhất trên màn ảnh châu Á, gây thổn thức trái tim của nhiều thế hệ khán giả.

Bộ phim châu Á nói tiếng Hoa đầu tiên của Warner Bros.

Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải (Turn Left, Turn Right) là bộ phim điện ảnh hợp tác giữa Hồng Kông và Singapore được sản xuất năm 2003. Phim được chuyển thể từ cuốn sách tranh nổi tiếng Đài Loan của tác giả Jimmy Liao có tên gọi A Chance of Sunshine (A Chance of Sunshine là tựa gốc tiếng Anh của cuốn sách trong lần in đầu tiên, sau đó tác giả đồng ý thay đổi tựa  thành Turn Left, Turn Right và tên đó được giữ cho đến bây giờ).

A Chance of Sunshine của Jimmy Liao được xuất bản năm 1999 và được thể hiện theo hình thức “sách tranh”, nghĩa là phần lời hầu như được tối giản, với âm điệu của thơ ca, còn lại phần lớn nội dung được thể hiện bằng những hình ảnh minh họa vô cùng lãng mạn và tinh tế.

Cuốn sách được bình chọn là “một trong mười cuốn sách có ảnh hưởng nhất” tại Đài Loan, được dịch ra hàng chục thứ tiếng và được bán trên khắp thế giới, thậm chí còn được chuyển thể nhiều lần cho sân khấu, điện ảnh, truyền hình và hoạt hình. Hai nhân vật chính trong tác phẩm còn được mô phỏng để tạo hình búp bê và nhiều vật dụng khác. Năm 2007, Jimmy Liao được kênh Discovery bình chọn là một trong sáu nhân vật kiệt xuất của Đài Loan.

Cho đến những năm 2000, cuốn sách gây được sự chú ý với giới làm phim Hollywood và hãng phim Warner Bros. đã quyết định chuyển thể cuốn sách thành kịch bản phim điện ảnh. Từ đó, Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải trở thành bộ phim châu Á nói tiếng Hoa đầu tiên do hãng Warner Bros. đầu tư sản xuất và phát hành, với mục tiêu tiếp cận thị trường Hoa ngữ, đánh dấu cuộc đổ bộ của các hãng phim Hollywood vào thị trường châu Á sau này.

Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải là câu chuyện tình lãng mạn, thậm chí có phần “phi thực tế” giữa một chàng nhạc công nghèo và một cô dịch giả văn chương. Họ gặp nhau lần đầu khi còn là học sinh trung học nhưng sau đó đã để mất dấu nhau trong suốt nhiều năm. Mãi cho tới tận 13 năm sau, họ vô tình trở thành hàng xóm ngay sát vách.

Nhưng như trò đùa của số phận, họ đã luôn trật nhịp khỏi nhau, như là nàng luôn rẽ trái và chàng luôn rẽ phải, trở thành hai đường thẳng song song dù vẫn không ngừng thương nhớ về nhau. Để rồi cho đến cuối phim, họ mới tìm lại được nhau trong sự vỡ òa hạnh phúc.

- Có một lần tôi đoán, có thể cô ấy đang ở một hiệu sách nào đó, thế là tôi đến một hiệu sách lớn nhất, rồi đợi liên tiếp hai đêm liền.
- Có lần tôi nghĩ có thể gặp anh ấy ở tàu điện ngầm, tôi cứ lên xe, tôi đi các trạm Danshui, Mushan, Nanshijiao... cứ lên rồi xuống từ sáng đến tận tối mịt, đến khi họ dừng xe và đuổi tôi xuống...
- Chúng tôi đã để mất nhau một lần, đó là 13 năm về trước. Tôi biết 13 năm là rất dài nhưng nếu phải chờ thêm 13 năm nữa để gặp lại cô ấy, tôi vẫn rất hạnh phúc.

Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải

Dù không hề có các chi tiết kịch tính hay kỹ xảo đặc biệt, nhưng với nội dung lãng mạn đậm chất thơ cùng tiết tấu chậm rãi, những khuôn hình đẹp như tranh, Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải ngay lập tức gây được tiếng vang tại châu Á từ khi ra mắt. Phim có sự tham gia của tài tử gốc Nhật Bản - Kim Thành Vũ và nữ diễn viên Lương Vịnh Kỳ, được quay hoàn toàn tại Đài Bắc, Đài Loan.

Trước đó, Kim Thành Vũ đã là một diễn viên rất nổi tiếng tại Hồng Kông với nhiều vai diễn xuất sắc trong các bộ phim như Nữ hào hiệp (1993), Chungking Express (1994), Fallen Angels (1995)… Đến năm 2003, Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải đã đưa tên tuổi của Kim Thành Vũ vang xa hơn tại Hollywood, anh được ví như Johnny Depp của điện ảnh châu Á.

Bên cạnh Kim Thành Vũ, Lương Vịnh Kỳ cũng có màn hóa thân xuất sắc trong vai cô dịch giả nghèo yêu thơ tình vừa ngọt ngào vừa cá tính. Trước đó, Lương Vịnh Kỳ cũng đã nổi tiếng khắp châu Á với vai trò diễn viên và ca sĩ. Ngoài ra, cô còn là một nhạc sĩ với nhiều ca khúc nổi tiếng. Ca khúc At The Carousel do chính Lương Vịnh Kỳ thể hiện trong Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải đã giành được giải Nhạc phim xuất sắc nhất của giải thưởng điện ảnh Hồng Kông.

Bộ phim cũng giành được tổng cộng 11 đề cử tại lễ trao giải điện ảnh Hồng Kông và giải thưởng Kim Mã.

Chúng ta đã yêu như thế nào?

Cũng giống như câu nói gây được sự chú ý nhất trong bộ phim Tenet của Nolan: “Don’t understand it, feel it - Đừng cố gắng hiểu, hãy cảm nhận nó”, sự vận hành của số phận, thời gian hay tình yêu cũng vậy, có những điều nằm ngoài quy luật của tuyến tính, vượt ra khỏi những quy tắc thông thường. Cũng như định mệnh sẽ luôn có sự kỳ diệu riêng để hai đường thẳng song song có ngày giao nhau, chỉ cần chúng ta còn đủ niềm tin.

Trong phim, John (vai diễn của Kim Thành Vũ) và Eva (vai diễn của Lương Vịnh Kỳ) đã liên tục gặp nhau rồi lại mất nhau ngay trong khoảnh khắc, cho dù họ có đứng trong cùng một khuôn hình, cùng một không gian. Phải chăng số phận đã tìm cách đẩy họ ra xa, thách thức tình yêu của họ, để khi tìm thấy nhau, họ cảm thấy trân trọng và yêu thương nhau nhiều hơn. Ở đây tồn tại những điều như là định mệnh, như sự sắp đặt kỳ lạ của số phận mà dù cố gắng, chúng ta cũng khó lòng hiểu được, mà chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác, bằng xúc cảm.

John và Eva, những năm 16, chưa kịp hỏi tên, chỉ kịp ghi nhớ mã số học sinh của nhau, đã tìm nhau suốt cả thời thanh xuân. Rồi 13 năm sau, chỉ với hai mảnh giấy ghi số điện thoại nhòe nước mưa, họ sẵn sàng chờ đợi 13 năm tiếp theo, thậm chí không biết đến bao giờ. 

Câu chuyện về những rung động đầu đời, sự chờ đợi không cần lý do, những mối tình không điều kiện dường như đã trở thành một điều gì đó vô cùng phi lý trong xã hội hiện đại. Giữa thời đại của Facebook, Messenger, Tinder… những cuộc gặp gỡ hẹn hò chỉ sau một cú click chuột, cảm tưởng như mất liên lạc với nhau còn khó hơn là việc giữ liên lạc, thì dường như chúng ta lại ngày càng hoài nghi hơn với tình yêu, giới trẻ đang cố gắng học cách yêu mình hơn là yêu lẫn nhau và sẵn sàng quay mặt buông tay nếu gặp chút khó khăn, cản trở.

Nhưng tôi tin, cả Jimmy Liao lẫn Đỗ Kỳ Phong và Vi Gia Huy đều không tìm cách ca ngợi thứ tình yêu cổ tích ru ngủ con người trong những u mê mù quáng. Ngược lại, phim mang đến cho mỗi người những xúc cảm chân thành từ trái tim, để gìn giữ những niềm tin ấm áp về sự mách bảo của tâm hồn, những chân ái quý giá của con người ở bất cứ thời đại nào, không gian nào. Tất nhiên, xúc cảm hay trực giác không phải lúc nào cũng đúng, càng không phải mối tình nào cũng là chân ái nhưng sẽ chẳng có gì là đúng nếu trái tim chúng ta đã trở nên nguội lạnh. 

Lan Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI