Vợ chồng nửa đời lệch pha:

Chung sống với... hậu đậu

01/12/2020 - 09:29

PNO - Hai anh chị cự thường cãi nhau vì chị H. tính hơi đểnh đoảng, hậu đậu, trong khi anh C. lại rất mực kỹ lưỡng, chỉn chu.

Vợ chồng lấy nhau đã lâu. Hoàn cảnh gia đình tương đối ổn: con cái ngoan hiền, kinh tế đầy đủ, sức khỏe, công việc tạm được. Duy chỉ mỗi chuyện sinh hoạt gia đình là hay có lời qua tiếng lại, tệ hơn còn biến thành cự cãi.

Đầu dây mối nhợ do chị H. tính hơi đểnh đoảng, hậu đậu, trong khi anh C. lại rất mực kỹ lưỡng, chỉn chu. Công bằng mà nói, chị H. ra ngoài làm lụng, ăn nói chẳng thua kém ai, nhưng chuyện nhà cửa bếp núc sinh hoạt chị lại rất vụng về, đụng đâu hư đó, làm trước quên sau, khiến anh C. không ít lần phải nổi nóng.

Ngày chưa lấy nhau, tính hậu đậu của chị anh cũng biết; nhưng không nghĩ nó lại trầm trọng như vậy. Chỉ tới lúc sống chung, hằng ngày đụng chuyện, anh mới thấy “đau đầu”. Mỗi lần anh chị có việc đi xa, sau khi chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, bắt đầu khóa cửa nẻo, dắt xe ra ngoài rồi, thể nào chị H. cũng kêu quên cái này cái nọ.

Chiếc xe máy của chị đã mấy lần phải kêu thợ tới mở ổ khóa vì cứ khóa xe xong là chị ném chìa vào cốp và… sập luôn yên xe lại. Vào bếp nấu ăn, chuyện thức ăn chị đã nêm muối một lần còn nêm thêm lần hai thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Tai hại hơn, có lần nấu chè, không hiểu nhìn gà hóa cuốc thế nào chị lại đổ… bột ngọt vào nồi thay vì cho đường. Kết quả ra sao đương nhiên ai cũng rõ.

Lỡ sinh ra làm người hậu đậu chưa hẳn là vấn đề lớn
Lỡ sinh ra làm người hậu đậu chưa hẳn là vấn đề lớn

Anh C. đã nỗ lực nhiều cách để chữa tật hậu đậu cho vợ, nhưng không hiệu quả. Săm soi, nhắc nhở hoài còn khiến chị H. cảm thấy áp lực, mất tự tin, đâm ra càng… hậu đậu hơn. Nhiều chuyện sai sót cứ lặp đi lặp lại khiến anh C. không kiềm chế được bực dọc, sinh ra nặng lời.

Chị H. ban đầu còn nhịn; nhưng riết rồi “giận mất khôn”, tự ái nổi lên, cũng bắt đầu cãi lại. Chị kết tội anh khó tính, gia trưởng, suốt ngày chỉ chăm chăm theo rình mò, “bắt lỗi” vợ. Sai sót nhầm lẫn ai chẳng có lúc mắc, đâu phải riêng chị mà anh cứ làm to chuyện?

Chị lục lọi trong óc, cố tìm những lần anh C. sơ suất gây lỗi trong cuộc sống chung để chứng minh cho cái lý “tôi sai anh cũng sai”. Anh C. càng bực hơn khi cho rằng chị H. “đã sai còn bướng”.

“Chuyện lỗi của tôi một năm mới một lần mắc; trong khi cô một năm… trăm lần mắc mà cô đem ra đánh đồng là sao?” - anh giận dữ quát.

Lời qua tiếng lại, tới lúc cả hai đều mất kiềm chế, vậy là chén đổ nồi bay. Chị H. đùng đùng dắt xe chở con về ngoại, bỏ anh C. đứng nhìn theo, ngao ngán lắc đầu.

Giận vậy, nhưng tới lúc “hạ hỏa” chị H. cũng phải trở về. Đương nhiên, mâu thuẫn giữa anh chị đâu phải là vấn đề nghiêm trọng tới mức gây đổ vỡ? Anh C. thấy vợ đem con quay về cũng mừng ra mặt.

Từ bữa ấy anh cư xử có phần mềm mỏng hơn, không quá bức xúc mỗi lần bệnh hậu đậu của chị H. gây ra “sự cố”. Trong sinh hoạt thường nhật, biết những chuyện chị H. thường hay quên, anh C. chủ động nhẹ nhàng nhắc nhở. Việc nhà cửa bếp núc, phát hiện chuyện chị H. làm không đạt yêu cầu, anh C. im lặng làm lại hoặc chủ động đề nghị… để anh làm luôn nếu đó là việc chị H. thường xuyên làm sai.

Thấy cách cư xử mềm mỏng của chồng, chị H. cũng tự động “xuống thang”: lắng nghe những chỉ bảo, nhắc nhở của chồng với thái độ thiện chí hơn; biết nhẫn nhịn mỗi khi mình lỡ làm sai khiến chồng bực dọc.

Rốt cục, cả hai anh chị cùng nhận ra một điều: lỡ sinh ra làm (hoặc phải sống chung với) người hậu đậu chưa hẳn là vấn đề lớn. Quan trọng là thái độ hành xử của người trong cuộc với “vấn đề” kia ra sao… 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI