Chưa nên bỏ hình phạt tử hình với một số trọng tội

21/05/2025 - 06:40

PNO - Dự thảo luật quy định bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với 8/18 tội danh...

Chiều 20/5, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn với đề xuất của Chính phủ về việc bỏ mức án tử hình với một số tội danh.

Một đường dây buôn bán ma tuý lớn được triệt phá gần đây
Một đường dây buôn bán ma tuý lớn được triệt phá gần đây

Cụ thể, dự thảo luật quy định bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình theo Bộ luật Hình sự hiện hành. Các tội này gồm: hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; gián điệp, phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật quốc gia; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; vận chuyển trái phép chất ma túy; tham ô tài sản, nhận hối lộ; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) phân tích, về mặt logic, nếu tội phạm trong một số lĩnh vực có xu hướng ít đi thì có thể đề xuất giảm án, còn nếu tăng thì một trong những giải pháp là tăng mức xử phạt. Trong khi đó, hoạt động vận chuyển ma túy, sản xuất và buôn bán thuốc giả, thực phẩm giả đang có xu hướng gia tăng. Thời gian qua, công an liên tiếp phát hiện các đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc chữa bệnh giả... Do đó, việc bỏ tử hình với tội danh này là không phù hợp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu 2 lý do cần xem xét khi muốn bỏ mức án tử hình với một số tội danh: tử hình là án phạt cao nhất trong các tội danh nhưng không phải ai mắc tội danh đó cũng đều bị kết án tử hình mà phải căn cứ vào mức độ phạm tội; mức án tử hình có tác dụng răn đe lớn, khiến người phạm tội phải chùn bước, chọn hành vi ít thiệt hại hơn. Ông đồng ý rằng phải tiếp cận với các quy định của quốc tế, xem xét số lượng tội danh có án tử hình, nhưng cũng lưu ý, pháp luật hình sự phải là đặc thù của mỗi quốc gia, muốn bớt tội danh tử hình nào thì phải nghiên cứu cụ thể, phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Đồng tình với đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, ông đề xuất không bỏ mức án tử hình với tội sản xuất hàng giả, thuốc giả, buôn bán ma túy và tội tham ô, hối lộ. Ông nói: “Khi phát triển kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân, việc lo lót, chạy chọt xuất hiện nhiều hơn. Nếu nhận hối lộ để bỏ qua các tội phạm như ma túy thì tác động tới sức khỏe, tính mạng của người dân rất lớn, hay biết là thuốc giả nhưng vẫn nhận hối lộ để bỏ qua thì tác động tới rất nhiều người, kể cả thai nhi, trẻ em, người già”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) cũng không đồng ý bỏ hình phạt tử hình, đặc biệt là với tội danh vận chuyển trái phép ma túy. Thời gian qua, dù duy trì hình phạt tử hình, số vụ mua bán, vận chuyển ma túy, khối lượng ma túy vẫn tăng, lên đến hàng tạ, hàng tấn. “Nếu bỏ hình phạt tử hình cho tội danh này, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển ma túy đi nước ngoài” - ông trăn trở.

Trước đó, trình bày thẩm tra dự thảo luật vào sáng 20/5, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội - cũng cho hay, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI