Chị Hạnh Dung kính mến,
Chồng em 33 tuổi, em 27 tuổi, vợ chồng em cưới năm 2020 và có 1 bé năm 2022. Trước khi cưới, chồng em học hết cấp 3 rồi làm kinh doanh tự do, bố chồng làm bảo vệ, mẹ chồng làm thuê ở quán phở.
Em học đại học và du học nước ngoài, bố mẹ em là công chức nhà nước, gia đình em gia giáo, khá giả, ngoại hình em ưa nhìn. Ngày trước, em có khá nhiều người theo đuổi nhưng chọn người này vì thấy anh chân thành, tử tế.
Kết hôn xong, vợ chồng em được bố mẹ em cho nhà riêng. Mẹ chồng liên tục nói rằng bố mẹ em phải sang tên căn nhà cho vợ chồng em, nhưng bố mẹ em bảo sẽ làm di chúc cho con gái. Sau khi em kết hôn, mẹ em cho chồng em làm giám đốc công ty gia đình được vài năm, nay do mẹ em sắp đóng cửa công ty nên không để anh ấy làm giám đốc nữa.
Vậy mà chồng em cho rằng mẹ làm khó, gây áp lực cho anh. Anh nói không cần bố mẹ em cho nhà, anh cũng không thích làm cho công ty gia đình. Vậy nhưng, anh lại tỏ thái độ khó chịu, chiến tranh lạnh với em và cấm em đưa con sang nhà ngoại.
Chồng và mẹ cạch mặt nhau đã khiến em rất buồn, vậy mà anh còn cấm em đưa con về ngoại. Liệu chồng em có phải người bất hiếu?
Em không thể sống với người vô đạo đức, giả tạo. Mẹ em bảo chồng em dẻo mồm, giỏi diễn chứ bản chất vô đạo đức, không biết suy nghĩ, sống ích kỷ, vô tâm với chính mẹ ruột và cả mẹ vợ.
Em thấy vợ chồng khác biệt quá nhiều, em không biết mình sẽ cố gắng chịu đựng được bao lâu nữa. Em có nên ly hôn không? Em sợ ly hôn thì con chịu thiệt thòi.
Hiện tại, em làm văn phòng thu nhập khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng. Chồng hằng tháng đưa vợ khoảng 7-10 triệu đồng và tháng nào gia đình chi tiêu cũng hơn 20 triệu đồng. Vợ chồng ở riêng nên chia nhau đưa đón, cơm nước, chăm con. Em hay tăng ca về muộn nên chồng đón con, nấu cơm, em về ăn rồi rửa chén, chơi với con.
Nếu ly hôn thì em phải tìm thuê người trông con buổi tối do bố mẹ vẫn đi làm không giúp được. Em phải tự chăm sóc con khá vất vả, vì thế em do dự không biết có nên bỏ chồng. Mà ở chung thì em cảm thấy có lỗi với bố mẹ mình. Mong chị Hạnh Dung cho em lời khuyên.
Nguyễn Thị Lan Nhi
 |
Ảnh minh họa: Internet |
Em Lan Nhi thân mến,
Hạnh Dung nghĩ em có thể cân nhắc lại lần nữa xem có phải chồng thay đổi thái độ vì không được nhà, không được chức quyền, hay khó chịu chỉ vì hụt hẫng, tự ái, thấy mình bị gạt ra như thể không đạt chuẩn đánh giá năng lực của mẹ vợ.
Đàn ông có những áp lực, mệt mỏi vì danh dự, lòng tự trọng, sĩ diện... rất cao. Khi bị đụng vào những điểm yếu đó, họ dễ có những phản ứng tiêu cực.
Trong gia đình em, có một điều khiến chồng em dễ nhạy cảm hơn: sự chênh lệch trình độ, gia cảnh... Anh ấy luôn phải mang trong lòng sự biết ơn nhà vợ, đồng thời mặc cảm vì phải mang ơn nhà vợ. Tâm trạng đó nếu không được thấu hiểu, chia sẻ dễ bùng lên thành mâu thuẫn khó vượt qua.
Tất nhiên Hạnh Dung không tán thành những phản ứng tiêu cực chồng em gây ra. Anh ấy từng được nhà vợ tạo điều kiện rất nhiều cả về nhà ở lẫn công việc. Nếu thực sự bản lĩnh và biết ơn, dù sau này không còn được làm ở công ty gia đình vợ, anh ấy vẫn phải giữ thái độ tôn trọng, không nói những lời cay nghiệt hay cư xử thiếu lễ độ.
Còn chuyện “cấm vợ đưa con sang nhà ngoại” là hành động không chỉ ích kỷ mà còn có phần kiểm soát và bất công. Bởi không ai có quyền tước đi tình thân của các con.
Điều may mắn lớn ở đây là em đã không vội vã ly hôn vì hiểu ly hôn không chỉ là rời bỏ một người mà còn kéo theo hệ lụy nuôi dạy con, áp lực công việc, tiền bạc, tinh thần. Em cũng đã ghi nhận vai trò của chồng trong việc đưa đón, nấu cơm, chăm con - những việc không phải người đàn ông nào cũng làm được. Điều em đang vướng là sự bất hòa giữa chồng với mẹ ruột và cả cảm giác hụt hẫng, thất vọng, mất niềm tin ở người bạn đời.
Trước khi xem xét có nên ly hôn hay không, em hãy dành thêm thời gian để lắng lại, nhìn thẳng vào vấn đề giữa vợ chồng. Hãy có một cuộc trò chuyện thật sự nghiêm túc, bình tĩnh, nói rõ rằng em cảm thấy tổn thương khi anh ấy quay lưng với gia đình em, cảm thấy đau khi bị cấm đoán, cảm thấy thất vọng khi anh không cư xử như một người chín chắn. Đồng thời, hãy lắng nghe xem anh ấy có điều gì ấm ức, có thể giải thích được không.
Nếu sau cuộc trò chuyện, chồng em thực sự hiểu vấn đề, sẵn sàng điều chỉnh, học cách cư xử tử tế hơn với gia đình vợ, 2 em vẫn còn có thể cho nhau cơ hội gìn giữ một gia đình đúng nghĩa cho con.
Nhưng nếu anh ấy vẫn tiếp tục lạnh lùng, đổ lỗi, sống ích kỷ và không tôn trọng người thân của em; mỗi lần mâu thuẫn đều chọn chiến tranh lạnh, cấm đoán, khiến em thấy “sống cùng là có lỗi với bố mẹ mình” thì cuộc hôn nhân này rõ ràng đang làm tổn thương em.
Đúng là ly hôn sẽ ảnh hưởng đến con nhưng hậu quả càng nặng nề hơn khi đứa trẻ lớn lên trong căn nhà có cha mẹ luôn lạnh nhạt, căng thẳng, không tôn trọng nhau. Một người mẹ mạnh mẽ, sống đúng, sống tốt sẽ là chỗ dựa vững chắc cho con hơn bất cứ hình thức hôn nhân hời hợt nào.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn