Chồng muốn lấy hết tiền dự phòng để làm ăn khiến tôi rất bất an

17/06/2022 - 16:34

PNO - Chị cũng nên lắng nghe kế hoạch của anh, thăm hỏi ở người quen có hiểu biết ở lĩnh vực này, xem cơ hội thắng và khả năng bại là bao nhiêu?

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi và chồng đều là cán bộ nhà nước. Vợ chồng tôi ở vào tuổi 42, theo tôi không phải là giàu, cũng chẳng quá nghèo. Chúng tôi có căn hộ chung cư hai phòng đầy đủ tiện nghi, có hai xe máy, và quan trọng là có hai con ngoan ngoãn, học giỏi.

Lương hàng tháng của vợ chồng tôi vừa đủ chi tiêu. Và vì tôi tính toán rất kỹ nên tháng nào cũng dư được năm ba triệu. Vì thế, tôi đã tích cóp được một khoản tiết kiệm 300 triệu. Tôi luôn muốn giữ nó an toàn phòng hờ bất trắc. Cha mẹ chúng tôi đều lớn tuổi, tôi sợ có lúc họ đau bệnh mà không có tiền cứu họ. Thêm vào đó, dịch bệnh vừa qua khiến tôi rất sợ hãi. Lúc đó, nếu không có khoản tiền này trong tay, chắc tôi hóa điên vì lo lắng.

Thế nhưng, tự dưng chồng tôi sau dịch bệnh lại trở nên gan dạ khác thường. Anh muốn lấy tiền đó để đầu tư kinh doanh kiếm thêm. Anh nói sống thế này tới chừng nào mới dư giả, mới đổi nhà cửa cho các con, mới có xe hơi... Tiền đó, tôi chưa chắc đã đưa ra mà anh còn nói chẳng đủ, sẽ phải đi vay thêm để đầu tư vào chuyện lướt sóng gì đó với bạn bè.

Khi tôi không đồng ý thì anh tức giận và nói là tôi nhát thế thì chừng nào đổi đời, rằng tiền đó cũng có công sức của anh nên tôi không được quyền giữ nó theo ý mình, rằng anh sẽ đi vay nặng lãi nếu tôi không đưa, vì anh nhất quyết muốn thay đổi cuộc đời... 

Vợ chồng tôi cãi nhau mãi. Đưa tiền ra thì chồng không giận, nhưng có khả năng trắng tay. Không đưa, anh đi vay sẽ phải trả lãi cao. Thắng lợi thì anh sẽ nói tôi là không biết nghe lời, thất bại thì nợ nần, mà có khi cuối cùng cũng phải đưa tiền ra. 

Tôi phân vân quá chị Hạnh Dung ạ. Đưa cho anh cho yên cửa yên nhà hay mặc kệ, để anh tự xoay sở? 

Thanh Lan,

Chị Thanh Lan thân mến,

Quả là vô cùng khó xử với người tay hòm chìa khóa, phải lo xa, tính toán mọi đường an toàn cho đời sống gia đình, nhất là trong lúc vật giá biến động, leo thang thế này.

Bây giờ chị chỉ còn một cách: vạch một cái vạch ở giữa, gạch đầu dòng hai bên xem bên nào lợi nhiều hơn, bên nào hại nhiều hơn mà làm theo cái bên có lợi mà thôi. Đó là một cách cổ điển nhất mà bao nhiêu người xưa nay từng làm đấy chị.

Tuy nhiên, không phải không có những trường hợp còn khó xử hơn, là một cái lợi to phải cân với ba cái hại nhỏ, không biết phải chọn bên nào. Cuộc sống vốn dĩ là như thế.

Giờ đây, cái khó của chị là anh đang đầy nhiệt huyết muốn xông vào cuộc làm ăn đổi đời. Dịch bệnh khó khăn làm cho phụ nữ chúng ta nhụt chí, co cụm lại, muốn bảo vệ tổ ấm bằng phòng thủ. Trong khi đó, đàn ông đôi khi lại muốn bước tới, đón đầu thử thách, làm một cuộc thay đổi mạo hiểm để có thể lo cho gia đình tốt hơn.

Anh có cái lý đúng của anh, chị có cái phần đúng của chị. Kể cả chuyện anh bảo tiền tiết kiệm đó có phần công sức của anh và anh cũng có quyền định đoạt cách chi tiêu, đầu tư nó, thì cũng có cái gì đó vừa đúng đúng, vừa sai sai. 

 

Dù sao thì chị cũng nên lắng nghe các kế hoạch của anh một cách kỹ lưỡng, cũng có thể thăm hỏi ở bạn bè người quen có hiểu biết ở lĩnh vực này xem cơ hội thắng và khả năng bại là bao nhiêu, để có thể tham mưu, góp ý với anh.

Cuối cùng là chị hãy cân nhắc khả năng bền vững tài chính gia đình mà chấp nhận cuộc chơi của anh, ủng hộ anh, nhưng không phải tất cả. Tùy vào việc chị tính toán có thể tiết kiệm được như thế nào trong tương lai để phân chia khoản tiền mình có, bao nhiêu cho anh đầu tư, bao nhiêu giữ lại đề phòng, và hãy nhắc anh câu "trứng không nên bỏ vào chung một giỏ". 

Tuổi 42 của anh chị cũng chưa phải là quá già để khăng khăng cố thủ. Hãy để cho chồng mình một vài cơ hội thử thách bản thân, nhưng cũng biết làm cái "cần thắng" sự mạo hiểm của chồng mình. Thất bại hay thành công trong việc làm ăn thì cũng không bằng thất bại hay thành công trong tình cảm gia đình.

Chị cũng đừng quá lo lắng, căng thẳng. Anh chị có nhà cửa ổn định, có công ăn việc làm đàng hoàng, thậm chí có "của ăn, của để", dù không bao nhiêu nhưng cũng là sự an toàn tốt đẹp. Cho anh thả lỏng tay một chút chắc cũng là những trải nghiệm tốt với một người đàn ông.

Nếu anh thành công, gia đình sẽ được rất nhiều. Bằng như anh không may mắn, thì chị vẫn chưa mất hết, mà anh sẽ thận trọng hơn khi lắng nghe những can ngăn của chị. Đằng nào cũng có lợi nếu khéo léo một chút, chị nhỉ?

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Bùi Quang Huy 29-06-2022 23:19:57

    Bạn gợi ý chồng dành sáu tháng - một năm đến một trang trại nào đó của bạn bè học kinh nghiệm trước khi làm, nếu trụ được thì có kinh nghiệm, không trụ được cũng không mất tiền.

  • Hang BB 21-06-2022 17:26:29

    Ôi bạn ơi, “lướt sóng” mà lại nghe theo lời bạn nữa là hên xui lắm. Vốn chỉ có 300 triệu thôi, không nên đưa hết cho chồng đầu tư, đưa một phần thôi, còn phải dằn túi một ít cho con cái học hành nữa.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI