Chồng cũ muốn đưa con về chúc Tết ông bà nội, tôi phải ứng xử sao?

20/01/2023 - 19:00

PNO - Làm cha mẹ, chúng ta nên đặt trách nhiệm dưỡng dục con cái lên trên hết chứ không sử dụng chúng cho “mục đích cá nhân”.

Thưa chị Hạnh Dung,

Tôi và anh ấy đã chính thúc kết thúc mối quan hệ vợ chồng hơn 5 năm nay. Chúng tôi có một con trai 8 tuổi và cháu ở với tôi. Hai mẹ con sống với ông bà ngoại và thỉnh thoảng cuối tuần anh ấy đến đón con về nội chơi.

Hè vừa rồi, anh ấy đã tái hôn. Vợ mới là một phụ nữ cũng tương đối dễ thương, nhưng tôi không thích lắm bởi vì cô ấy đã từng là bạn gái của anh trước khi lấy tôi.

Sau khi có vợ mới, anh ấy lại thường đến đón con hơn trước. Nghe nói hai vợ chồng ở riêng nên tôi cũng khá ngần ngại vì tính chất không còn như trước. Trước đây anh đón con về nhà nội thì dù sao có ông bà, cô chú ở đấy cũng làm tôi cảm thấy không khí gần gũi gia đình hơn cho con. Còn đón con về nhà riêng của hai vợ chồng thì quả là tôi không thấy thoải mái, hay nói cho đúng là không yên tâm.

Hôm 25 Tết, chồng cũ gọi điện thoại thông báo chiều Mồng Một sẽ đón cu Bin về chúc Tết ông bà nội cùng vợ mới. Mọi năm, dù đã ly hôn, nhưng tôi vẫn dẫn con qua nội thăm ông bà vào những ngày Tết. Nhưng giọng điệu của anh ấy có vẻ như năm nay tôi không cần có mặt, chỉ cần con và anh bên cô vợ mới?

Tôi ậm ừ trong điện thoại nói rằng chưa biết kế hoạch năm nay của nhà ngoại có đi chơi đâu xa không. Thật ra tôi chỉ tìm lý do trì hoãn cho câu trả lời “không” mà thôi. Thế nhưng, nếu từ chối như vậy, tôi cũng không cảm thấy an tâm vì dù sao cũng là con cháu nhà người ta. Tôi phải làm thế nào cho phải đạo thưa chị Hạnh Dung?

Nguyễn Kim Phương (Đà Nẵng)

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Phương thân mến,

Thật ra điều cần nhất vào lúc này là bạn nên làm những gì có thể xoa dịu cho cảm xúc đang có một chút tổn thương của mình.

Các bạn đã ly hôn và mọi thứ chỉ còn là nghĩa cũ đi kèm trách nhiệm đối với con cái. Nhưng chắc chắn bạn đã có một chút “tủi hờn” qua chi tiết nêu trong thư: “Mọi năm, dù đã ly hôn, nhưng tôi vẫn dẫn con qua nội thăm ông bà vào những ngày Tết. Nhưng giọng điệu của anh ấy có vẻ như năm nay tôi không cần có mặt…”

Ly hôn là điều mà tất cả chúng ta đều không mong muốn, nhưng đôi khi, chúng ta nhận ra bị cuộc sống “đánh lừa” và giải pháp duy nhất là ly hôn. Đây không chỉ là cơn ác mộng với các cặp vợ chồng mà còn đối với những đứa trẻ. Không như người lớn, con cái ít bao giờ có được tư thế sẵn sàng cho một gia đình tan vỡ.

Thực tế, vợ chồng sau ly hôn thường vẫn vô cùng tức giận người từng đầu ấp tay gối. Trong nhiều trường hợp, cách phổ biến nhất để người này “trừng phạt” người kia là sử dụng con cái. Bằng cách làm cho con xa lánh cha hoặc mẹ để trả đũa mối quan hệ đã gãy đổ, đó là điều tồi tệ, đáng buồn.

Tình huống của bạn cho thấy, mọi thứ đều bình thường cho tới khi chồng cũ có vợ mới? Đây có thể là sự khởi đầu cho quá trình hình thành hội chứng “xa lánh cha mẹ” mà bạn đang là người khơi mào.

Con trẻ đã gánh chịu một hậu quả nặng nề là ly hôn. Vì vậy, không có lý do gì để người lớn lại tiếp tục đào sâu vết thương đó qua việc tìm cách tác động để đứa trẻ quay lưng với cha hoặc mẹ ruột. Sau đó, khi xuất hiện cha hoặc mẹ kế, người ta lại từ từ thao túng đứa trẻ, thông thường qua việc cung cấp thông tin xấu về cha hoặc mẹ kế kia.

Đáng buồn thay, khi trẻ phải chịu đựng những hành động này, dần dần sẽ khiến chúng chống lại tất cả những người lớn liên quan bởi những lời nói dối, chuyện kể ác ý, hành vi đổ lỗi trong cách cư xử với cha hoặc mẹ kế.

Nghiên cứu cho thấy, đây không phải là “cách trả thù tốt nhất” mà ngược lại, bất kỳ cha mẹ ruột hay cha mẹ kế nào, cũng là nạn nhân của sự xa lánh mà con cái dành cho họ. Chưa kể, người ta còn phát hiện những cha mẹ làm điều này thường mắc chứng rối loạn nhân cách tiềm ẩn.

Những cảnh báo trên của Hạnh Dung có lẽ không thừa trong hoàn cảnh của bạn. Hãy tập chấp nhận vợ mới của chồng cũ, cũng như biết đâu sắp tới, anh ấy phải làm quen với chồng mới của vợ cũ như vậy? Hơn nữa, sự phát triển lành mạnh trong tâm trí, thể chất của một đứa trẻ là mục đích cuối cùng của cuộc hôn nhân đổ vỡ, chứ không phải để thỏa mãn những tủi hờn tức thời của người lớn.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Dù có quyền cảm thấy đau đớn, thậm chí oán giận, nhưng việc dùng con trẻ như một phương cách để có thể làm tổn thương kẻ đã gây ra cho ta cảm giác tồi tệ, là điều không bao giờ đúng. Một đứa trẻ cần được nhìn nhận cả cha lẫn mẹ bằng con người thật, không phải những gì bạn hay chồng cũ muốn chúng nhìn thấy.

Xin nhắc lại, con cái không bao giờ là công cụ để cha hoặc mẹ lên bất kỳ “kế hoạch trả thù” nào dành cho ai đó. Làm cha mẹ, chúng ta nên đặt trách nhiệm dưỡng dục lên trên hết, chứ không sử dụng con cái cho mục đích cá nhân.

Chính bạn cũng thấy cần cho con giữ đúng phép tắc, đạo nghĩa với ông bà, gia đình nội ngoại hai bên. Vì vậy, mùng Một Tết năm nay, bạn hãy cứ khoan thai cùng con đến chúc tuổi ông bà nội, dù chồng cũ cùng vợ mới của anh ấy có ở đấy hay không.

Chúc bạn, cháu Bin và gia đình năm mới an khang, vạn sự như ý!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(11)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI