'Chợ trời' thuốc tây được phong danh hiệu 'kiểu mẫu'

26/03/2018 - 08:09

PNO - Chuyện “cười ra nước mắt” như thế lại có thể diễn ra sau những thảm trạng thuốc giả, thuốc không nguồn gốc kéo dài tại cái chợ dược phẩm lớn nhất phía Nam.

“Oai” hơn, UBND Q.10 “phong” danh hiệu cho “chợ thuốc” ngay trong lúc lãnh đạo TP.HCM đang xem xét các thông tin đã được báo chí phản ánh gần đây, cũng như đề xuất hướng xử lý của Sở Y tế.

'Cho troi' thuoc tay duoc phong danh hieu 'kieu mau'

Ngày 24/3, một số tờ báo đưa tin UBND Q.10 tổ chức lễ công nhận Trung tâm Thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế (thường gọi chợ sỉ thuốc tây, số 134/1 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10, TP.HCM) là “trung tâm chuyên doanh kiểu mẫu”.

Theo các thông tin này, trung tâm hiện có 147 đơn vị kinh doanh dược phẩm, 6 trang thiết bị y tế và 5 thực phẩm chức năng. Để trở thành trung tâm chuyên doanh kiểu mẫu, có bài báo viết: “trung tâm phải được sự đồng thuận của tất cả các doanh nghiệp đang kinh doanh tại đây” (?).

Trên một tờ báo chạy hẳn một phóng sự ảnh nhân sự kiện “chợ thuốc” thành trung tâm chuyên doanh kiểu mẫu, có thông tin cho biết: “Sau 3 năm triển khai theo mô hình mới kể từ tháng 3/2016, đến nay, 24/3, “chợ bán sỉ dược phẩm” chính thức trở thành trung tâm chuyên doanh kiểu mẫu về dược phẩm và trang thiết bị y tế” (?).

Chúng ta không biết “mô hình mới” là gì, hay “kiểu mẫu” là gì, nhưng xem ra thời điểm triển khai 3 năm kia có kết quả rất “khó ăn, khó nói” nếu so sánh với số liệu thống kê mới nhất từ cơ quan chức năng.

Kiểm mẫu mà đến 75% cơ sở bị kiểm tra sai phạm!

Trả lời về loạt bài Nguy cơ lớn cho sức khỏe người dân từ “chợ thuốc” khởi đăng từ ngày 2 đến 7/2 vừa qua, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết, sau khi có phản ánh của Báo Phụ Nữ TP.HCM, để chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp dược nói chung và doanh nghiệp hoạt động tại “chợ thuốc” nói riêng, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là công tác hậu kiểm. 

Kết quả thanh, kiểm tra và xử lý trong hai năm 2016 và 2017, cho thấy, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra tổng cộng 215 cơ sở, trong đó có 20 cơ sở trong Trung tâm Thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế. Tổng số cơ sở vi phạm là 105. Trong số đó, có đến 15 cơ sở kinh doanh thuốc nằm trong “trung tâm kiểu mẫu” mới được phong.

Thanh tra sở đã xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở với số tiền 185 triệu đồng. Đồng thời, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc 4,5 tháng đối với Cửa hàng số 44 (Công ty cổ phần Dược phẩm Q.10) về hành vi “kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, không được phép lưu hành”.

Nghiêm trọng nhất là Thanh tra sở đã phải chuyển cơ quan điều tra 3 cơ sở do có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh thuốc giả. Cụ thể là Công ty TNHH Dược phẩm Thiện Duy (gian P4, P5 trong “chợ thuốc”) kinh doanh thuốc Prednisolone 5mg giả; Cửa hàng số 36 (Công ty cổ phần Dược phẩm Q.10, gian B1 đến B8) và Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Tân Thành (gian F, F13, F1 đến F5) cùng kinh doanh thuốc Enat 400 giả.

Không nên tồn tại

Xuất hiện trong các bản tin về lễ trao danh hiệu kiểu mẫu, ông Dương Văn Nhân - thuộc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp Mười, đơn vị “sếp sòng” quản lý và kinh doanh mặt bằng tại “chợ thuốc” - cho biết, trung tâm này đã tồn tại hơn 10 năm. Theo ông Nhân, “hiện trung tâm đã trở thành mô hình phân phối dược phẩm lớn tại TP.HCM và khu vực phía Nam, là nơi có điều kiện tập trung, triển khai giám sát, thực thi các chính sách, quy định của chính quyền cũng như của ngành y tế một cách nghiêm túc, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng…” (?).

Những điều này hoàn toàn trái ngược với những gì chúng tôi đã nêu trong loạt bài Nguy cơ lớn cho sức khỏe người dân từ “chợ thuốc”: từ ghi nhận thực tế của phóng viên về tình trạng thoải mái bán mua ở “chợ trời” thuốc, thảm trạng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc nhan nhản cho đến cảnh báo của các chuyên gia: “chợ thuốc” đang “giết” cả ngành dược và người bệnh.

Có thể nhắc lại ý kiến của dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM - rằng một địa điểm mua bán tập trung tạo cơ hội để thuốc không rõ nguồn gốc, nghĩa là thuốc giả, thuốc lên đời, thuốc nhái được lưu thông với số lượng lớn và đi khắp nơi.

Ông thẳng thắn nêu quan điểm TP.HCM không nên tồn tại nơi mua bán thuốc tập trung như vậy. Chỉ khi nào, theo ông Dũng, xây dựng được mô hình một đầu vào, một đầu ra, tức đơn vị chủ quản “chợ thuốc” như Công ty Mười không đơn thuần chỉ là cho thuê mướn mặt bằng kinh doanh mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động kinh doanh, kể cả vấn đề hàng gian, hàng giả, lúc đó mới ổn.

Một chuyên gia lĩnh vực dược đã cho rằng, “chợ thuốc” hiện diện là biểu hiện cho thấy những bất hợp lý cả về mặt khoa học lẫn mô hình quản lý vì không thể kiểm soát đường đi của thuốc. Ngoài tạo cơ hội cho thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả lưu thông ra thị trường, “chợ thuốc” như hiện nay còn là nguyên nhân hàng đầu khiến giá thuốc hỗn loạn.

Ngay cả Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng từng thừa nhận, bên cạnh tình trạng bán buôn không đúng đối tượng, mua sỉ, lẻ bát nháo, bất chấp quy định về pháp nhân được phép kinh doanh thuốc hoặc chả cần quan tâm thuốc phải bán theo toa, “chợ thuốc” còn là nơi lý tưởng để đối phó với cơ quan chức năng, khiến cho việc quản lý rất khó khăn.

Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng loạt bài về “chợ thuốc”, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu yêu cầu Sở Y tế kiểm tra, xác minh các nội dung liên quan đến các bài báo và báo cáo, đề xuất hướng xử lý trình Thường trực UBND thành phố. Và ngay trong lúc đang chờ ý kiến chỉ đạo của thành phố, UBND Q.10 lại tổ chức lễ công nhận “trung tâm chuyên doanh kiểu mẫu” cho “chợ thuốc” liệu sẽ mang ý nghĩa gì? 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI