Chợ lao động của đồng bào Hrê, Quảng Ngãi

16/03/2022 - 18:00

PNO - Đi dọc những miền rừng, tôi gặp nhiều nhóm đồng bào người Hrê đang cần mẫn với công việc khai thác gỗ, trồng rừng trên các triền núi, triền đồi.

Công việc dù nặng nhọc, nhưng mỏi mệt sẽ vơi đi khi vào cuối ngày, chủ rừng, người mua gỗ cùng quây quần với anh em nâng chén rượu nồng. Tình cảm đôi miền xuôi - ngược cũng nhờ vậy mà càng thêm gắn bó.

A lô là có nhân công 
Gần trưa, khu rừng Hố Ông Chò, xã Phổ Cường (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) chìm trong màn mưa xuân lất phất vào cuối tháng 2/2022. Tiếng cưa máy vọng vào vách núi phá tan sự yên tĩnh thường ngày. Bà con vẫn cần mẫn làm việc giữa trời rét lạnh. Họ từ xã Ba Tô (H.Ba Tơ, Quảng Ngãi) vượt 70 cây số đến đây dựng lán trại ở lại làm thuê. Công việc bắt đầu từ sớm tinh mơ đến khi mặt trời khuất sau đỉnh núi. Hai người đàn ông ôm cưa máy hạ cây, cắt khúc. Những người còn lại đa phần là phụ nữ tước sạch vỏ rồi gom thành đống chờ xe đến bốc. “Làm gỗ mệt và nguy hiểm lắm, nhưng có việc làm để kiếm tiền là tốt rồi. Có người gọi thuê, tôi đến thỏa thuận giá cả rồi rủ bà con trong làng xuống làm. Nhóm chúng tôi làm gỗ ở nhiều nơi tại Quảng Ngãi, vào cả Tam Quan (tỉnh Bình Định)” - anh Phạm Văn Lít (trưởng nhóm) tâm sự.

Bà con cần mẫn làm việc
Bà con cần mẫn làm việc

Người “kết nối” anh Lít với ông Trần Sơn (chủ rừng) là anh Nguyễn Xuân Nhựt hành nghề buôn gỗ nguyên liệu. Anh có hai ô tô tải, thường mua gỗ tại rừng, thuê người cưa hạ, lột vỏ rồi mới chuyển về nhà máy. Khu rừng của ông Sơn không bán khoán nên Nhựt giới thiệu anh Lít đến nhận khai thác thuê, còn mình đảm nhận việc vận chuyển, ông Sơn sẽ trả công. Ngoài ra, anh Nhựt còn nhận phát dọn, làm đất và trồng lại cây con nếu chủ rừng có yêu cầu. Anh nhận việc rồi gọi điện thuê lại đồng bào ở miền Tây Quảng Ngãi. Mối liên hệ ấy giúp cả hai bên có việc làm, thu nhập để trang trải cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thuê nhân công của nhiều chủ rừng và giúp những doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ hoạt động ổn định. “Em có thể huy động 10 nhóm bà con ở trên đó xuống làm việc. Mỗi nhóm từ 10 - 20 người, hầu hết là vợ chồng đảm bảo mỗi ngày khai thác đủ một xe gỗ keo. Nếu trồng rừng thì tùy số lượng cây giống mà huy động” - anh Nhựt cho biết. 

Gắn bó mưu sinh

Bao năm qua, người dân Đức Phổ đã rời quê hương đến các tỉnh, thành khác kiếm sống khiến lao động tại địa phương ngày càng khan hiếm. Vậy nên chủ rừng, người thu mua gỗ hay thầu trồng cây con thường phải đi thuê nhân công là đồng bào từ các huyện vùng cao. Đồng bào, dù nam hay nữ đều không ngại những công việc nhọc nhằn, lại khéo léo và siêng năng nên tạo được sự tin cậy nơi người thuê.
Là người làm nghề thu mua gỗ keo nên anh Nguyễn Xuân Pháp, ở xã Phổ Cường, cũng quen với khá nhiều đồng bào người Hrê ở núi rừng Ba Tơ. Họ sẵn sàng nhận việc khi nghe anh điện thoại tìm lao động. Anh Pháp kể: “Em quen biết với bà con trên đó nhiều năm rồi. Khi có công việc mình gọi là họ xuống ngay nên không sợ thiếu công lao động. Mình cần nhân công, bà con cần việc làm nên luôn gắn bó với nhau anh à!”.
Anh Phạm Văn Héo, ở xã Ba Khâm (H.Ba Tơ), quen biết nhiều người bạn sau hơn bảy năm khai thác keo và trồng rừng khắp nơi trên địa bàn Quảng Ngãi. Tình cảm của họ giúp vợ chồng anh thêm nghị lực vượt qua những tháng ngày gian nan, vơi đi nỗi nhọc nhằn. Khi có việc, anh cùng người làng đến tận nơi dựng lán rồi làm việc. Mỏi mệt sẽ vơi đi khi chủ rừng hay người mua gỗ cùng anh em quây quần nâng chén rượu nồng vào cuối ngày làm việc. “Tôi đi làm quen nhiều người lắm. Họ thường gọi điện cho tôi, kể cả những lúc không có việc”, anh Héo tâm sự. 

Lán trại của đồng bào Hrê dựng tạm bên đường vào rừng
Lán trại của đồng bào Hrê dựng tạm bên đường vào rừng

Đi dọc những miền rừng, tôi gặp nhiều nhóm đồng bào người Hrê đang cần mẫn với công việc khai thác gỗ, trồng cây con trên các triền núi, triền đồi. Trú ngụ trong các lán trại dựng tạm, nửa đêm mưa to gió lớn, họ phải tìm vào các khe đá để trú ẩn. Giữa núi rừng, họ sẻ chia cho nhau gói mì tôm, thìa bột ngọt, con cá khô qua bữa.
“Theo số liệu thống kê, H.Ba Tơ có hơn 1.000 người đang làm nghề đốn gỗ, trồng rừng. Những lúc nông nhàn, họ đi làm thuê để kiếm thêm nguồn thu nhập. Cuộc sống nhờ vậy mà được cải thiện hơn so với trước. Nhiều gia đình tích lũy xây được nhà, mua được xe máy và có điều kiện cho con em đến trường…” - ông Lữ Đình Tích - Phó Chủ tịch UBND H.Ba Tơ - thông tin.

Tình người nồng ấm

Vợ chồng ông Trần Sơn bày lễ vật ra tấm bạt trải nơi góc rừng rồi thắp hương khấn vái. Ông cầu cho những người đến khai thác rừng keo của ông được mạnh khỏe, bình an, mong cây đạt sản lượng… Hương tàn, vợ ông mang thức ăn đến lán trại và mời mọi người tụ họp chung vui. Họ cùng nhau thưởng thức món ăn và nâng ly rượu nồng để xua đi giá lạnh. Tiếng nói cười át cả tiếng mưa rơi. Tình cảm mặn nồng, xóa nhòa khoảng cách chủ tớ. Dù là khoán sản phẩm nhưng vài ba bữa, vợ chồng ông Sơn lại mang thực phẩm vào tiếp tế người làm. “Mình giúp đỡ chút ít để chia sẻ khó khăn với bà con” - ông Sơn tâm sự. 

Công việc khá nặng nhọc nhưng họ luôn vui vẻ
Công việc khá nặng nhọc nhưng họ luôn vui vẻ

Tìm việc thời quá vãng

“Khoảng 30 năm trước, mùa nông nhàn, nhiều lao động đã tụ họp tại khu vực Km số 7 trên Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Phổ Phong (thị xã Đức Phổ). Họ từ các bản làng vùng cao đến chờ người thuê đi làm. Dần dà, nhiều người đến tìm và đưa họ vào rừng khai thác gỗ keo, trồng rừng, tạo nên “chợ lao động” khá nhộn nhịp. Giờ đây, cuộc sống ngày càng hiện đại nên khi cần, họ liên lạc với nhau bằng điện thoại chứ không tụ họp chờ đợi như trước” - ông Phan Tiến Định - Chủ tịch UBND xã Phổ Phong - cho biết.

Xuân về, anh Nhựt bắt máy điện thoại và nhận được những lời mời lên đón tết với đồng bào nơi bản làng vùng cao. Anh mua rượu bia cùng quà bánh rồi ngược dốc núi đến với những người bạn miền sơn cước. Những người bạn ôm lấy nhau, chúc nhau may mắn và mời nhau các món ăn đậm đà hương vị núi rừng để tình cảm đôi miền xuôi - ngược thêm gắn bó. “Đồng bào sống rất thật thà nên mình phải lấy tấm chân tình đối đãi với họ. Sau một năm bà con tận tình làm việc giúp mình nên có bận bịu mấy cũng phải thu xếp lên thăm và chung vui. Có như vậy thì tình cảm mới gắn bó lâu dài…” - anh Nhựt trải lòng. 

Minh Kỳ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI