Chính phủ Nhật hứng chỉ trích vì phản ứng ban đầu với dịch corona

01/02/2020 - 16:34

PNO - Chính phủ Nhật Bản đang đối mặt với những chỉ trích rằng phản ứng ban đầu của họ với sự bùng phát chủng virus corona mới gây chết người ở Trung Quốc là quá lỏng lẻo, do các nước khác đã hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan trong biên giới của họ.

Theo hãng tin Kyodo News, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết chính phủ của ông đang làm những gì có thể nhưng đã bị hạn chế bởi những ràng buộc pháp lý và cân nhắc về quyền con người.

Cho đến nay, Nhật đã sơ tán 565 công dân trên các chuyến bay thuê ra khỏi thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch do virus corona mới gây ra. Tất cả đã được yêu cầu làm xét nghiệm tự nguyện và ở trong các nhà nghỉ do chính phủ cung cấp trong 2 tuần, bất kể họ có triệu chứng hay không.

Thủ tướng Nhật phát biểu tại Hạ viện. Ảnh: Kyodo
Thủ tướng Nhật phát biểu tại Hạ viện. Ảnh: Kyodo

Nhưng 2 người ban đầu đã từ chối xét nghiệm, điều mà ông Abe nói là “vô cùng đáng tiếc” nhưng không thể được thực hiện theo luật. “Đó cũng là vấn đề nhân quyền và chúng tôi chỉ có thể làm được hết mức có thể", ông phát biểu tại Quốc hội hôm 30/1.

Tuy nhiên, 2 người nói trên sau đó đồng ý tiến hành xét nghiệm.

Virus corona đã tiếp tục lây lan, giết chết ít nhất 213 người và lây nhiễm hơn 9.800 tại Trung Quốc vào tối 31/1, theo cơ quan y tế của nước này. Đã có 17 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại Nhật.

Chính phủ Nhật hôm 31/1 đã thực hiện các bước tiếp theo để ngăn chặn sự bùng phát dịch corona, tuyên bố sẽ cấm người mang hộ chiếu Trung Quốc được cấp tại tỉnh Hồ Bắc, nơi có Vũ Hán là thủ phủ, vào Nhật cũng như tiến tới một sắc lệnh cho phép chính phủ buộc nhập viện những người có triệu chứng.

"Tại sao lại mất nhiều thời gian như vậy?", nhà lập pháp đối lập Kazunori Yamanoi đặt câu hỏi tại một ủy ban ở Hạ viện.

Cư dân mạng đã bày tỏ những lo ngại tương tự, thậm chí một số nhà lập pháp từ Đảng Dân chủ Tự do của Abe đã đặt câu hỏi liệu chính phủ có hành động đủ hay không, khi viện dẫn các biện pháp quyết liệt hơn được thực hiện ở các quốc gia khác.

Úc có kế hoạch cách ly hàng trăm người được sơ tán khỏi Vũ Hán trong hai tuần trên đảo Christmas, nằm cách bờ biển phía tây bắc của đại lục Úc khoảng 1.500km. Kế hoạch này có gây tranh cãi, vì hòn đảo được biết đến là nơi được sử dụng để giữ người tị nạn.

Mỹ đã đưa khoảng 200 người được sơ tán khỏi Trung Quốc đến một căn cứ quân sự ở bangCalifornia để được đánh giá, mặc dù họ không bắt buộc phải ở lại về mặt kỹ thuật. Hàn Quốc đang yêu cầu gần 370 công dân mà họ đưa ra khỏi Vũ Hán phải bị cách ly tại các cơ sở cách thủ đô Seoul hơn 50km.

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI