Chiếc bánh bông lan của chị

24/08/2015 - 13:51

PNO - Câu chuyện về ổ bánh bông lan. Chuyện nhỏ xíu thôi nhưng làm tôi nhớ mãi và luôn nghĩ đến mỗi khi phải đối diện với những nỗi lo trong cuộc sống.

Chiec banh bong lan cua chi
Ảnh mang tính minh họa

Chuyện xảy ra lâu lắm rồi, hơn 20 năm trước, khi con trai chị - giờ đây đã là chàng trai 21 tuổi - còn trong bụng mẹ. Gia đình chị lúc ấy mới có ba người: anh chị và con gái đầu lòng lên tám. Một buổi tối nọ, khi cả nhà cơm nước xong xuôi, chị đang nghỉ ngơi, đọc sách thì bỗng...

Xoảng!... Nghe tiếng động bất thường, chị vội chạy sang phòng làm việc của anh. Anh vốn là họa sĩ trình bày, thiết kế sách báo. Ngày ấy, chưa có phương tiện, công nghệ hiện đại như bây giờ. Chưa có computer, các họa sĩ trình bày và minh họa sách báo làm hoàn toàn bằng tay. Chiếc bàn kính montage là vật hàng ngày gắn bó với công việc anh làm.

Chẳng hiểu hôm ấy anh loay hoay thế nào mà kính trên bàn bị vỡ, anh bị thương ở bàn tay phải, chỗ đứt khá sâu, máu chảy đầm đìa. Chị mất hồn, bưng mặt khóc nức nở. Sau phút hốt hoảng, chị vội giúp anh rửa sạch vết thương, dùng băng gạc quấn đỡ, rồi lấy xe chở anh chạy sang nhà anh chị ở gần đó. Ông anh rể là bác sĩ nha khoa, sau khi xem xét vết thương, đưa ra quyết định:

- Với vết thương ở bàn tay thế này, anh không thể khâu được, phải vào bệnh viện nhờ các bác sĩ chuyên khoa ngoại thôi!

Thế là anh được anh rể chở đi bệnh viện, còn chị quay về nhà “nghỉ ngơi cho khỏe” - như lời dặn dò của anh và cả anh rể, chị gái.

Chị có thể “nghỉ ngơi cho khỏe” như lời dặn dò ân cần của mọi người được không? Phụ nữ có thai vốn nhạy cảm hơn thường ngày, dễ bị lo lắng, suy nghĩ lung tung. Chị cũng đâu nằm ngoài số người ấy.

Chị vẫn luôn tự nhủ: Điều gì lo được thì mình lo, còn những điều nằm ngoài tầm kiểm soát thì lo lắng thế nào cũng chỉ mệt người, chứ chẳng làm được gì. Tuy chị nghĩ được như vậy, nhưng thực tế chẳng dễ dàng chút nào!

Lúc ấy, trời đã khuya, con gái nhỏ ngủ say. Chị nằm cố gắng dỗ giấc ngủ, nhưng chẳng tài nào ngủ được. Chị đọc tiếp quyển sách đang hồi gay cấn cũng không thể, vì mất tập trung. Vậy chị sẽ làm gì đây bây giờ?

A, nghĩ ra rồi! Chị trở dậy, vào bếp, lấy “đồ nghề” ra, quyết định làm một ổ bánh bông lan thật ngon. Làm bánh bông lan tại nhà không khó, nếu không muốn nói là dễ dàng, đơn giản. Quan trọng là chất lượng bánh ngon hơn nhiều so với bánh ngoài tiệm.

Cả nhà và bạn bè rất thích thưởng thức bánh bông lan chị làm, vì bánh rất thơm ngon, mềm mại, ăn không bị mắc cổ, màu sắc lại vàng óng, đẹp và đáng yêu như lông gà con. Anh thì khỏi nói, “phải lòng” bánh chị làm đến mức có thể ăn một lúc đến gần nửa ổ.

Chị nhẹ nhàng xoa xoa, vuốt vuốt cái bụng bầu gần bảy tháng, khe khẽ dỗ dành:

- Nhóc con ngoan, nằm im, đừng quậy mẹ nhé!

Có vẻ như em bé trong bụng rất ngoan, biết nghe lời mẹ

Thế là chị cặm cụi, tập trung làm bánh. Chị dành hết tâm trí vào đó. Thời gian vì thế trôi qua dễ dàng và nhanh chóng. Nỗi lo đã tạm thời lắng xuống, chẳng còn cơ hội để hoành hành, khiến chị phải căng thẳng, khổ sở...

Cuối cùng, hai tiếng đồng hồ đã trôi qua. Anh được đưa về nhà, vết thương đã khâu xong, sức khỏe hoàn toàn ổn định. Đó cũng là lúc ổ bánh bông lan trong lò nướng tỏa mùi thơm phức, như thể hân hoan chào đón anh về.

Với anh, có lẽ đó là ổ bánh bông lan ngon lành nhất từ trước đến nay. Chị cũng tin rằng đó là ổ bánh bông lan tuyệt nhất mình có thể làm được trong cuộc đời...

Câu chuyện về ổ bánh bông lan đặc biệt trên là của chị bạn tôi. Chuyện nhỏ xíu thôi - như lời chị nói - nhưng làm tôi nhớ mãi và luôn nghĩ đến mỗi khi phải đối diện với những nỗi lo trong cuộc sống.

Yến Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI