Châu Phi bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua tiêm chủng

06/02/2021 - 14:13

PNO - Các quốc gia châu Phi đang bị bỏ lại phía sau trong việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19, khi những nước giàu có hơn dự trữ vắc-xin cho người dân của họ.

Tụt lại phía sau

Hôm 1/2, Nam Phi nhận hàng triệu liều vắc-xin COVID-19 Oxford/AstraZeneca đầu tiên của mình, và 500.000 liều khác dự kiến đến ​​vào cuối tháng này. Bộ Y tế Nam Phi nói với CNN rằng họ sẽ bắt đầu tiêm chủng cho các nhân viên y tế trong tháng 2/2021, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Phi nhận được lượng lớn vắc-xin COVID-19.

Các chuyến hàng vắc-xin đầu tiên đã hạ cánh an toàn tại Nam Phi hôm 1/2
Các chuyến hàng vắc-xin đầu tiên đã hạ cánh an toàn tại Nam Phi hôm 1/2

Nam Phi cũng đặt 20 triệu liều vắc-xin khác thông qua thỏa thuận với Pfizer/BioNTech và dự kiến ​​mua thêm 9 triệu liều từ Johnson & Johnson, Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize tiết lộ với một kênh truyền thông địa phương.

Seychelles là quốc gia đầu tiên ở châu Phi cận Sahara bắt đầu tiêm chủng cho dân chúng, sử dụng vắc-xin Sinopham của Trung Quốc - với mục tiêu là quốc gia đầu tiên có tỷ lệ kháng thể bao phủ 70% dân số trưởng thành.

Đảo Mauritius bắt đầu tiêm chủng cho các nhân viên tuyến đầu vào ngày 26/1, sau khi Ấn Độ tặng 100.000 liều vắc-xin Oxford/AstraZeneca cho hòn đảo.

Vào tháng 12/2020, Guinea Xích đạo ở Tây Phi đã đặt hàng 55 liều vắc-xin Sputnik V của Nga và tiêm những liều đầu tiên cho 25 quan chức.

Theo Our World in Data - một trang web thống kê độc lập từ Phòng thí nghiệm Dữ liệu Thay đổi Toàn cầu của Đại học Oxford, Maroc và Algeria gần đây cũng đã bắt đầu các chương trình tiêm chủng.

Thế nhưng, các quan chức y tế cho biết so với các khu vực khác, châu Phi bắt đầu chậm và có khả năng tụt xa phía sau.

Bộ Y tế quốc gia nói với CNN rằng sự cạnh tranh toàn cầu buộc họ phải mua vắc-xin của Oxford/AstraZeneca từ Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) với giá gần gấp đôi - 5,25 USD mỗi liều. Bên cạnh đó, các thị trường mới nổi như Nam Phi cũng phải trả nhiều hơn so với các đối tác giàu có hơn.

Mức giá này cao hơn 3 USD cho mỗi liều thuốc mà các quốc gia châu Phi khác được cho là sẽ trả trong một thỏa thuận mà Liên minh châu Phi (AU) đã đảm bảo hai tuần trước thông qua SII.

Các quan chức chính phủ và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các nước châu Phi có rất ít lựa chọn vắc-xin giá rẻ vì nhu cầu toàn cầu tiếp tục khiến châu lục này bị tụt hậu.

Thế giới chỉ thắng nếu không ai bị bỏ lại

Hầu hết các quốc gia châu Phi có số ca tử vong trong đợt bùng phát đầu tiên vào năm ngoái ít hơn so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng số ca mắc hiện đang tăng trên toàn châu lục, đặc biệt là ở khu vực phía nam.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, lục địa châu Phi đã ghi nhận hơn 3,6 triệu ca nhiễm, trong khi số ca tử vong tăng 40% kể từ ngày 1/1 và hiện lên tới 92.000 người.

Châu Phi có khá ít lựa chọn vắc-xin giá rẻ do các quốc gia giàu có đã thâu tóm hầu hết mọi nguồn cung
Châu Phi có khá ít lựa chọn vắc-xin giá rẻ do các quốc gia giàu có đã thâu tóm hầu hết mọi nguồn cung

Nam Phi cũng đang đối phó với một biến thể SARS-CoV-2 mới, mà các chuyên gia y tế cho rằng có khả năng lây truyền cao hơn, giảm tính hiệu quả của một số vắc-xin. Biến chủng đã được phát hiện ở Botswana, Ghana, Kenya, Comoros và Zambia.

Năm ngoái, WHO thiết lập Sáng kiến tăng tốc tiếp cận công cụ COVID-19 (ACT) - một quan hệ đối tác giúp điều phối sản xuất và tăng cường khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị, vắc-xin và xét nghiệm.

Sáng kiến ​​do WHO đứng đầu; kết hợp cùng Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Phòng chống Dịch, Liên minh vắc-xin Gavi, với nguồn tài trợ từ các cơ quan phát triển và quyên góp từ các nhóm như Quỹ Bill & Melinda Gates.

COVAX - nhánh vắc-xin của ACT, đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vắc-xin COIVD-19 trên toàn cầu vào cuối năm 2021, với dự kiến 690 triệu liều cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn ở châu Phi.

Nhưng nếu dự báo nguồn cung của Gavi là chính xác, các quốc gia châu Phi sẽ chỉ có đủ liều để tiêm chủng đầy đủ cho 27% dân số của họ.

Các nước châu Phi nói chung phải chờ đợi lâu trong việc nhận vắc-xin. Ví dụ, chưa đến 20% trong số 270 triệu liều mà AU đặt hàng sẽ được giao trước tháng 6, theo thông cáo báo chí từ Nhóm đặc nhiệm thu mua vắc-xin châu Phi.

Ngược lại, Liên minh châu Âu dự kiến ​​các quốc gia thành viên sẽ tiêm phòng cho 70% dân số trưởng thành của họ vào mùa hè 2021.

Trong bài phát biểu khai mạc tại phiên họp lần thứ 148 của ban điều hành WHO vào ngày 18/1, Tổng giám đốc của tổ chức - Tedros Adhanom Ghebreyses - cho biết, cách tiếp cận của các nước giàu là "tự mình hại mình".

Ông Tedros nói: "Cuộc chiến sẽ tiếp diễn cho đến khi mọi quốc gia đều chiến thắng đại dịch COVID-19. Hiện tại, các nước giàu đang tung ra vắc-xin, trong khi các nước kém phát triển nhất thế giới chỉ có thể theo dõi và chờ đợi".

Tấn Vĩ (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI