Cháu không muốn đứng giữa những chuyện bất hòa của cha mẹ

20/05/2022 - 19:00

PNO - Vai trò của cháu chỉ có thể là chiếc cầu nối, làm cho cha và mẹ cùng hiểu rằng cháu yêu thương cả hai, muốn sống với cả hai.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Cháu năm nay 15 tuổi. Từ ngày còn nhỏ, cháu đã luôn thấy ba mẹ cãi cọ nhau suốt. Vì ba cháu có số đào hoa, nhiều phụ nữ theo đuổi ông dù biết ông có vợ. Mẹ cháu thì ghen tuông khổ sở.

Từ ngày cháu bắt đầu hiểu chuyện, ba mẹ cháu luôn lấy cháu làm người phân xử mọi chuyện. Khi không nói được với nhau thì họ nói với cháu, qua cháu để nói điều này điều kia với nhau, có khi để mắng mỏ, nguyền rủa, có khi thì bảo cháu phải khuyên nhủ người kia nên làm gì, nên thế nào.

Cháu hết sức bối rối, không biết phải nghe ai, trách ai, ai đúng ai sai, càng không thể ép người này làm theo ý của người kia được. Thế là cháu bị mắng, bị chửi. Có lần ba cháu còn nói cháu là cái "đòn xóc hai đầu" trong khi cháu không hề muốn "đâm" ba hay "đâm" mẹ, chỉ có điều nhiều khi cháu không biết phải nói thế nào cho đúng.

Giờ cháu buồn và áp lực lắm cô. Cháu muốn bỏ nhà đi, để cho họ tự giải quyết các vấn đề của họ. Nhưng làm thế cháu cũng sẽ bị chửi. Cháu phải làm gì để ba mẹ cháu không cãi cọ nhau, hay không bắt cháu phải phân xử chuyện của họ nữa hả cô?

Quỳnh Nhi

Cháu Quỳnh Nhi thương mến,

Ở tuổi cháu mà phải chịu đựng những áp lực thế này, thật là nặng nề và mệt mỏi. Chịu đựng những bất hòa lục đục trong gia đình đã là một gánh nặng tâm lý, huống hồ cháu phải vừa là quan tòa, vừa là chỗ xả, vừa là mục tiêu những cơn stress của cha mẹ. Và việc này cần phải có ai đó nói rõ cho cha mẹ cháu biết.

Đọc thư cháu, cô nghĩ là với những gì đã trải qua từ thời ấu thơ đến giờ, cháu đã có những trưởng thành trước tuổi, nhưng dù vậy, trong vai trò của một đứa con, cháu khó lòng đứng về phía ai trong cuộc chiến của mẹ cha.

Mà cũng bởi, trong các mâu thuẫn gia đình, hầu như ai cũng có phần lỗi của mình, nhất là với những gia đình đã có ít nhiều khái niệm về giá trị bình đẳng, không có cảnh "chồng chúa, vợ tôi". Thế cho nên cháu đừng bối rối khi không biết bênh ai, giận ai. 

Vai trò của cháu trong câu chuyện gia đình này chỉ có thể là chiếc cầu nối, làm cho cha và mẹ cùng hiểu rằng cháu yêu thương cả hai, muốn sống với cả hai, và ai đúng ai sai cháu đều bị khổ sở.

Nếu có thể, cháu nên nói rõ ràng, rành mạch điều ấy với cả ba và mẹ. Nói không được thì viết một bức thư. Cháu cũng có thể tỏ rõ cho ba mẹ cháu biết rằng cháu bị tác động về mặt tâm lý thế nào trước những bất hòa trong gia đình, và có thể có chút ngầm ý "đe dọa" rằng điều đó sẽ khiến cháu không thể học tập, hay thậm chí, muốn bỏ đi xa như cháu nói với cô.

Cháu cũng nên tìm đến sự giúp đỡ của một người thân nào đó trong gia đình có uy và có tín (nhiệm) với ba mẹ cháu, nhờ họ khuyên giải ông bà. Tất nhiên, khi kể với người ngoài, cháu cần khéo chút, đừng vạch hết mọi điều trong nhà, để ba mẹ cháu không cảm thấy rơi vào thế bị con cái "vạch lưng" cho người khác xem. Về mức độ, cháu cần hết sức cân nhắc để chọn đúng người và kể đúng vài chuyện thôi.

Một điều quan trọng hơn cả là cháu đừng suy nghĩ quá tiêu cực về vấn đề của cháu. Gia đình nào cũng có những chuyện lục đục. "Chén trong sống còn khua" mà cháu.

Khi ba mẹ cháu còn muốn nói với nhau, dù là thông qua cháu (một cách rất... trẻ con) cô nghĩ là vấn đề chưa nghiêm trọng lắm. Cháu hãy giữ vững tinh thần, tình yêu thương, sự hồn nhiên, trong trẻo của mình, để kéo họ xích lại gần nhau, bắt họ phài tự nói chuyện với nhau và tự giải quyết vấn đề của mình.

Cháu hãy vui vẻ lên nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI