Châu Á trước “làn sóng lây nhiễm COVID - 19 thứ hai”

28/08/2020 - 07:00

PNO - Đợt bùng phát dịch thứ hai dường như bắt đầu sớm hơn nhiều so với dự kiến và có thể trở nên nguy hiểm hơn do phiên bản đột biến mới của SARS-CoV-2.

Đợt bùng phát dịch thứ hai dường như bắt đầu sớm hơn nhiều so với dự kiến và có thể trở nên nguy hiểm hơn do phiên bản đột biến mới của SARS-CoV-2. Mọi cộng đồng trên khắp châu Á đều đang đối mặt mối nguy hiểm tiềm tàng.

Do “làn sóng lây nhiễm thứ hai” đã bắt đầu sớm hơn nhiều so với dự kiến, những tháng tiếp theo sẽ là bài kiểm tra cho hệ thống y tế công cộng của tất cả các quốc gia. Trong trường hợp dịch bệnh không giảm tốc, số ca tích lũy trên toàn thế giới có thể tăng lên 50-60 triệu người với 1,5-1,7 triệu người tử vong vào cuối năm 2020. 

Các quốc gia dễ bị tổn thương bởi COVID-19 của châu Á

Ở châu Á, nhóm quốc gia mới nổi và đang phát triển gặp nhiều rủi ro nhất. Tại Nam Á, đó là Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan, nơi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng nhanh và tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính vẫn rất cao (khoảng 10-20%). Tại Đông Nam Á, hai quốc gia “thất thủ” trong việc kiểm soát dịch là Philippines và Indonesia, nơi các con số tiếp tục tăng nhanh một cách đáng báo động và tỷ lệ dương tính cao không kém vùng Nam Á. Dù vậy, những con số có thể không phản ánh đúng thực tế vì năng lực thử nghiệm hiện tại của Pakistan chỉ bằng một nửa Ấn Độ và Philippines. Khoảng cách giữa thống kê và thực tiễn có thể còn rộng hơn ở Indonesia và Bangladesh, nơi năng lực xét nghiệm chỉ bằng một phần ba so với Ấn Độ và Philippines.

Người dân Manila, Philippines xếp hàng chờ xét nghiệm hôm 25/8, khi các quốc gia châu Á đang bước vào đợt bùng phát dịch mới, sớm hơn dự kiến và dường như liên quan đến chủng vi-rút nguy hiểm hơn - Ảnh: Reuters
Người dân Manila, Philippines xếp hàng chờ xét nghiệm hôm 25/8, khi các quốc gia châu Á đang bước vào đợt bùng phát dịch mới, sớm hơn dự kiến và dường như liên quan đến chủng vi-rút nguy hiểm hơn - Ảnh: Reuters

Tại Đông Á, số ca mắc tiếp tục tăng ở Úc và Nhật Bản do không có chính sách hạn chế lây nhiễm kịp thời và hiệu quả. Tuy nhiên, không giống như Úc, năng lực xét nghiệm của Nhật Bản là rất thấp đối với một nền kinh tế tiên tiến.

Đột biến mới giúp vi-rút lây nhiễm nhanh hơn 

Gần đây, một chủng COVID-19 “dễ lây nhiễm hơn” được tìm thấy trong các mẫu thử nghiệm ở Quezon (Philippines) và Malaysia. Phần lớn liên quan đến ca bệnh “nhập khẩu” từ Ấn Độ và Philippines. Đột biến này tập trung vào protein “gai bám”, cho phép SARS-CoV-2 dễ dàng xâm nhập vào các tế bào khiến vi-rút lây lan nhanh hơn.

Các mẫu ban đầu của SARS-CoV-2 ở Vũ Hán, Trung Quốc, được các nhà khoa học gọi là biến thể “D”. Trước ngày 1/3, hơn 90% mẫu vi-rút lấy từ bệnh nhân là từ biến thể D. Tuy nhiên, kể từ tháng Ba, một biến thể “G” mới đã chiếm ưu thế. Mặc dù chưa có kết luận chính xác, bằng chứng hiện tại cho thấy đã có sự chuyển đổi toàn cầu từ biến thể D sang biến thể G. Tệ hơn, các nhà khoa học cảnh báo biến thể G làm tăng khả năng lây nhiễm của COVID-19.

Theo giả thuyết của các chuyên gia, sự biến đổi chủng G tăng nhanh ở châu Âu đã hưởng lợi từ các tuyến giao thông vận tải toàn cầu di cư qua Đại Tây Dương để đến TP.New York, sau đó gieo rắc nhiều đợt bùng phát ở phần còn lại của nước Mỹ. Mặt khác, do vị trí địa lý và mối quan hệ kinh tế xã hội với Bắc Mỹ, chủng G đã chiếm ưu thế ở Nam Mỹ kể từ giai đoạn cuối tháng Ba, đầu tháng Tư.

Đáng lo ngại, sự chuyển đổi toàn cầu từ biến thể D sang G có thể làm cho gánh nặng đại dịch của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trở nên thách thức hơn so với dự đoán. Ở châu Á và châu Đại Dương, chủng D ít lây nhiễm hơn vẫn chiếm ưu thế cho đến gần đây. Tuy nhiên, sự gia tăng số ca nhiễm mang biến thể G ở một số quốc gia, cùng với làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể thay đổi hiện trạng đại dịch theo chiều hướng xấu hơn.

Tiền lệ lịch sử cho thấy từ năm 1918 đến năm 1920, dịch cúm Tây Ban Nha ước tính đã lây nhiễm cho 500 triệu người, làm thiệt mạng từ 17 đến 50 triệu người. Trong đó, làn sóng lây nhiễm thứ hai được chứng minh là nguy hiểm hơn nhiều so với đợt bùng phát dịch đầu tiên. Do đó, nếu loài người vẫn chưa học được “bài học về làn sóng lây nhiễm thứ hai”, thế giới buộc phải đối mặt một cuộc khủng hoảng lớn, một đại dịch kéo dài hơn và cuộc suy thoái toàn cầu suốt nhiều năm. 

Tấn Vĩ (theo Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI