Cây bút trẻ Lê Hữu Nam: Được sống đã là điều kỳ diệu!

15/01/2016 - 13:27

PNO - 30 tuổi, Nam gầy nhỏ như một cậu bé tuổi 15. Chỉ có đôi mắt là hằn lên nỗi buồn sâu của người từng mất mát và thấm thía.

Ngày 15/9, Hội Nhà văn TP. HCM công bố kết quả giải thưởng năm 2015. Lê Hữu Nam là gương mặt được chọn trao giải Nhà văn trẻ với tác phẩm Mật ngữ rừng xanh (Bách Việt và NXB Dân Trí ấn hành). Văn đàn đón nhận thêm một tên tuổi trẻ, còn đối với Lê Hữu Nam đó là cả một điều kỳ diệu - của tình yêu, tâm huyết dành cho văn chương và những năm tháng vượt qua ranh giới sống chết của đời mình.

Hẹn một buổi gặp, Nam nói ngay không do dự địa điểm “thư quán Nhã Nam hay Đường sách TP.HCM”. Không gian sách như những ngôi nhà tâm hồn thân thuộc Nam vẫn thường tìm đến, trước cả khi ra mắt tác phẩm đầu tiên Hành trình trở về (2013). “Năm 12 tuổi, tôi đọc Sherlock Holmes, những tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng rồi tưởng tượng ra thế giới rộng lớn từ những câu chuyện kể. Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ mình đã từng hình dung London sương mù đẹp bảng lảng như thế nào” - Lê Hữu Nam kể.

Thế giới rộng lớn đó cũng chính là những giấc mơ sâu mãi mãi ở lại trong lòng, bởi Nam không thể đến được bất kỳ đâu. Nam bị bệnh tim bẩm sinh không có vách ngăn liên thất nên không thể phẫu thuật. 12 tuổi, Nam được mẹ đưa từ quê nhà Đà Lạt xuống Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ đó không thể về lại phố núi.

Cay but tre Le Huu Nam: Duoc song da la dieu ky dieu!
Nhà văn trẻ Lê Hữu Nam

Đà Lạt là điểm đến mong ước của bao nhiêu người nhưng địa hình, thời tiết ấy khiến Nam không thở được. Tuổi hoa niên trôi đi trong bệnh viện, thuốc và những lần cấp cứu. Không biết bao nhiêu lần Nam đối diện với lằn ranh sinh tử và tận mắt chứng kiến bạn cùng phòng ra đi.

“Mỗi khi có đoàn bác sĩ nước ngoài đến thăm, hỏi ai là bệnh nhi nặng nhất, các bác sĩ đều nói tên tôi. Những năm tháng đó, không biết bao nhiêu lần tôi cấp cứu trong tình trạng mà các bác sĩ bảo “có thể không qua khỏi”. Không ai nghĩ rằng tôi có thể sống được thêm nhiều năm nữa. Những lúc tỉnh dậy nhìn mẹ khóc, rồi nhìn tình trạng của mình, tôi cũng không biết cuộc đời mình rồi sẽ như thế nào. Chỉ biết lúc ấy ý chí sinh tồn thật mạnh mẽ, lúc nào cũng muốn ngồi dậy đi lại chứ không muốn để bệnh tật đè bẹp mình” - Lê Hữu Nam chia sẻ.

Ý chí của cậu bé 12 tuổi năm ấy theo Nam suốt 18 năm nay, để không bao giờ bị nhấn chìm trước những cảm xúc buồn bã, bất hạnh về cuộc đời. Người ta không tin anh sống, không tin anh có thể làm báo, huống hồ là viết văn rồi lấy vợ, có con. Với Nam, sống được đã là điều kỳ diệu.

Trước những nỗi đau mà số phận mang đến, nhiều người thường tựa vào chữ nghĩa. Lê Hữu Nam cũng thế . Những trang viết đầu tiên bắt đầu từ nỗi đau. Khi chia sẻ được nỗi buồn, Nam “ngộ” ra được một giá trị sống khác: cuộc đời này buồn hay vui đều là do mình, khi thay đổi được thế giới bên trong mình thì cuộc sống sẽ tươi mới, an nhiên biết bao.

Giới hạn của nỗi đau lớn trong cuộc đời khiến Nam thay đổi là khi vợ anh mang con trai về Hà Nội, rồi không trở lại. Khoảng cách từ TP.HCM đến thủ đô chỉ hơn hai giờ bay, nhưng Nam phải mất đến gần hai năm mới có thể đi được một lần. Chuyến bay ấy phải có điều dưỡng theo cùng, mà cũng có thể là lần duy nhất Nam được gặp mặt con trai ba tuổi. “Bác sĩ nói sức khỏe của tôi ngày càng yếu, nếu không đi bây giờ có thể không còn cơ hội nữa” - giọng Nam chùng xuống.

30 tuổi, Nam gầy nhỏ như một cậu bé tuổi 15. Chỉ có đôi mắt là hằn lên nỗi buồn sâu của người từng mất mát và thấm thía. Trong những sẻ chia về ký ức, Nam nói về sự chết bình thản, nhưng khi nhắc đến con thì đôi mắt đỏ hoe. Tất cả niềm thương dành cho con được anh trải hết trong cuốn sách Con đến như một phép màu (Phương Nam Books và NXB Hội Nhà văn ấn hành).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI