Câu lạc bộ những người bị sét đánh

14/11/2021 - 06:00

PNO - Sau vụ tai nạn kỳ lạ, hành trình hàn gắn vết thương tinh thần của một phụ nữ thật sự bắt đầu khi cô nhận ra mình không đơn độc giữa bao nỗi bất an.

 

Ảnh minh họa: Matthew Kam/Narratively
Ảnh minh họa: Matthew Kam/Narratively

Một buổi chiều âm u, đội bóng nữ Trường trung học Jack Britt (thành phố Fayetteville, Bắc Carolina, Mỹ) vẫn kiên trì tập cho đến lúc mưa kèm sấm chớp xuất hiện. Khi sét bất ngờ giáng xuống gần sân bóng, các học sinh và huấn luyện viên liền được đưa vào trong. Giữ trách nhiệm giám sát trận đấu, Shana Williams Turner - nữ giáo viên 46 tuổi thuộc Khoa Giáo dục đặc biệt - là một trong những người cuối cùng còn đứng bên ngoài. 

Nửa giờ sau, ngỡ bão đã lắng, nào ngờ Shana đã chứng kiến sét đánh xuống mặt tiền cửa hiệu bên đường. Sợ hãi, cô cùng một giáo viên khác tìm chỗ nấp trong buồng bán vé gần đó.

Do căn buồng quá nhỏ, Shana để đồng nghiệp ngồi xuống đất, cô đứng tựa lưng vào cánh cửa kim loại. Tia sét kế tiếp ập đến kèm theo tiếng nổ chói tai, Shana bỗng cảm thấy một cơn đau dữ dội lan khắp cơ thể. Đôi vai cô tựa như bị thiêu cháy trong khoảnh khắc. Cô thét lớn rồi ngã vật ra.   

300 triệu volt trong ba phần ngàn giây 

Shana hồi tưởng: “Khi được các đồng nghiệp chạy đến hỏi han, giúp đỡ, tôi không nhớ rõ chuyện gì vừa xảy ra. Cánh tay tôi đau như bị bỏng, chân run không ngừng, ngực đau nhói”. Đủ tỉnh táo để tự đứng lên và thoạt trông không có vết thương ngoài da, Shana không nhận được bất kỳ sự trợ giúp y tế nào tại chỗ. Cô thậm chí không thể tin mình vừa bị sét đánh. 

Lúc vào xe chuẩn bị ra về, Shana gọi điện hỏi chị gái Ronda thông tin liên quan đến tai nạn do sét. “Em phải tới bệnh viện ngay”, cô nhận lại câu trả lời gây hoang mang. Rất nhanh sau đó, Shana phát hiện điều khiến cô càng hốt hoảng hơn. “Ronda… đột nhiên, em không nhớ cách lái xe nữa” - cô nói. Cuối ngày hôm ấy, cô được người thân đưa vào trung tâm y tế gần nhất để kiểm tra tổng quát.    

Sét (hay chớp) là hiện tượng phóng điện giữa các đám mây mang điện tích trái dấu hoặc giữa mây xuống mặt đất. Chúng hình thành trong điều kiện thời tiết ẩm ướt đặc trưng, khi trời mưa bão. Nhiệt độ gần tâm một tia sét lên đến hơn 27.700 độ C - cao gấp bốn lần nhiệt độ bề mặt mặt trời. Dòng điện khoảng 300 triệu volt có thể xâm nhập cơ thể người bị sét đánh chỉ trong ba phần ngàn giây, làm gián đoạn toàn bộ hoạt động hệ thần kinh và tim mạch, gây suy tim hoặc tổn thương não dẫn đến tử vong. 

Những trường hợp may mắn sống sót thường do không bị sét đánh trực diện. Như với Shana, tia sét nhắm thẳng tới chiếc máy biến áp đặt gần đó là nguyên nhân giúp cô thoát chết.

Thế nhưng, việc thoát nạn khi không có bất kỳ vết bỏng, thương tổn nào bên ngoài lại đưa Shana vào một tình thế phức tạp. Tại bệnh viện, cô được đo huyết áp và điện tâm đồ. Các số liệu tương đối ổn định cùng thể trạng lành lặn khiến ca bệnh của Shana bị xem nhẹ. Chỉ sau một đêm ở lại theo dõi, cô được xuất viện. Trở lại trường làm việc hai ngày sau, Shana vẫn ngỡ ngàng về vụ tai nạn.

Đây là lúc rắc rối thật sự bắt đầu.

“Liệu có ai tin tôi?” 

Trong những tuần tiếp theo, Shana bắt đầu bị đau nhức cơ bắp, ù tai và sưng phù cánh tay. Sức khỏe cô càng xuống dốc vì tình trạng ngưng thở khi ngủ. Thường xuyên thấy mệt mỏi, Shana đôi khi không thể nhớ nổi một từ sắp nói, tên học sinh của cô hay cách lái xe an toàn.

Shana cạnh chú chó Bolt - “bạn đồng hành” hỗ trợ tinh thần cho cô sau vụ tai nạn - Ảnh: James Walker/Narratively
Shana cạnh chú chó Bolt - “bạn đồng hành” hỗ trợ tinh thần cho cô sau vụ tai nạn - Ảnh: James Walker/Narratively

Do vụ sét đánh xảy ra trong giờ làm việc, Shana viết đơn xin bồi thường tai nạn lao động. Tuy nhiên, muốn đơn được chấp thuận, cô cần sự xác nhận của một bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Cô phải chờ thêm sáu tháng để đặt lịch khám và tư vấn.

Dù vậy, vị bác sĩ không giúp được gì nhiều. Chính ông cũng kinh ngạc khi nghe Shana chia sẻ về các triệu chứng kỳ lạ kể trên. Khi đến phòng khám tim mạch, cô được kê thuốc giảm đau cơ và chống căng thẳng thần kinh. 

Đáng tiếc, thuốc chỉ giúp vơi đi nỗi đau thể xác. Shana phải đồng thời chịu đựng sức ép tinh thần. Hiệu suất làm việc bị giảm sút sau tai nạn khiến cô bất an trong cả cuộc sống riêng. Cô dần sợ đám đông, sợ phải ra ngoài vào những lúc thời tiết xấu. Chấn thương tâm lý khiến Shana không thể vui vẻ ở cạnh chăm sóc bốn người con như trước. Bạn trai cô, Greg, cũng không cảm thông với cô.

Vừa chấm dứt mối quan hệ bảy năm với Greg, cô nhận thêm tin dữ: Kiểm tra chuyên sâu cho thấy cú sét đánh làm Shana bị tổn thương thùy trán phải (khu vực não kiểm soát các khả năng phi ngôn ngữ, bao gồm hoạt động ghi nhớ). Rời phòng khám với bảng kết quả trên tay, cô bật khóc: “Tôi tự hỏi, ai có thể tin tôi, hiểu cho nỗi khổ sở tôi đang trải qua?”. 

Câu lạc bộ đặc biệt

Dẫu đã sử dụng bảo hiểm và hạn chế trực tiếp đến bệnh viện điều trị, chi phí thuốc men đắt đỏ vẫn khiến Shana phải chật vật gồng gánh với đồng lương giáo viên eo hẹp. Bên cạnh đó, những cơn đau khó lý giải cùng tình trạng mỏi mệt tâm lý kéo dài khiến cô thấy đơn độc hơn lúc nào hết.

Shana từng nghĩ mình sẽ phải âm thầm chịu đựng số phận cho đến ngày nhận được tin nhắn từ một người bạn. Đó là đường link của một hội nhóm trên Facebook có tên “Hội hỗ trợ nạn nhân sống sót sau tai nạn do sét và điện”. Shana nhanh chóng bị cuốn hút.

Sau vài giờ đọc qua tất cả bài đăng, cô xúc động nhận ra những thành viên trong hội đều đã và đang lâm vào hoàn cảnh tương tự như cô. Để ý thấy buổi họp tiếp theo của hội sắp diễn ra ở bang Virginia, chỉ cách nơi cô sống ba giờ lái xe, Shana quyết tâm đến dự. 

Hội hỗ trợ nạn nhân sống sót sau tai nạn do sét và điện trong một hội nghị diễn ra vào tháng 11/2019 - Ảnh: James Walker/Narratively
Hội hỗ trợ nạn nhân sống sót sau tai nạn do sét và điện trong một hội nghị diễn ra vào tháng 11/2019 - Ảnh: James Walker/Narratively

Hội được Steve Marshburn, một cựu tài xế từng bị sét đánh trọng thương cách đây 20 năm thành lập từ năm 1989. Hồi phục sau gần 50 ca phẫu thuật, ở thời điểm y học hiện đại vẫn còn rất ít chương trình nghiên cứu điều trị tai nạn do sét và điện giật, Marshburn quyết định thành lập một hội nhóm vì cộng đồng nhằm hỗ trợ các nạn nhân như ông.

Hai cuộc hội nghị được tổ chức đều đặn hằng năm. Theo đó, thành viên tham dự cùng mở lòng nói về trải nghiệm sống sót và chia sẻ lời khuyên, kiến thức y khoa để giúp nhau vượt qua nỗi đau thể xác, tinh thần lẫn đương đầu định kiến từ mọi người xung quanh. 

Bên trong phòng họp lớn tại một khách sạn ở Virginia, chào đón Shana là hơn 20 thành viên của hội, đa số thuộc độ tuổi trung niên. Là một giáo viên vốn quen nói chuyện trước đám đông nhưng sau lời giới thiệu tên họ, Shana ấp úng rồi trào nước mắt.

Norman Baldwin, một thợ mỏ từng trải qua tai nạn điện giật, đến bên động viên cô: “Tại đây, cô không đơn độc”. Câu nói như vực dậy tinh thần người đang lạc lối cùng những câu chuyện Shana được lắng nghe khi ấy đã giúp cô tìm thấy nguồn cảm hứng sống lần nữa. Từ đó, cô không bỏ lỡ bất kỳ cuộc hội nghị nào.

Việc chọn lối sống và tư duy tích cực hơn không chỉ khiến bệnh tình Shana thuyên giảm mà còn giúp cô tìm thấy bến đỗ tình yêu viên mãn. Thông qua lời giới thiệu từ người thân, Shana gặp Don, một thợ mộc với tính cách khiêm nhường, không phán xét. Suốt thời kỳ đại dịch khó khăn, cả hai vẫn gắn bó bên nhau.

Một ngày trời âm u, thấy mây đen kéo đến vần vũ trước hiên nhà, ngực Shana như thắt lại, đau nhói. Lúc ấy, bàn tay Don đã kịp kéo cô vào trong. Ôm Shana vào lòng, anh nói: “Mọi thứ sẽ ổn thôi. Có anh ở đây rồi”. 

Như Ý (theo Narratively)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI