Rước quan tài cho người sống để cầu phúc, trường thọ

11/07/2025 - 19:40

PNO - Ở một số vùng nông thôn Trung Quốc, việc để người sống trải nghiệm nghi thức tang lễ tượng trưng sẽ mang lại may mắn, sức khỏe và trường thọ.

1
Nghi lễ rước quan tài cho người sống được người dân ở một số vùng nông thôn Trung Quốc quan niệm là điềm lành. Ảnh: Douyin

Mới đây, một người đàn ông ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) gây xôn xao mạng xã hội khi mua quan tài cho mẹ ngoài 70 tuổi, để bà ngồi vào trong rồi thuê 16 người khiêng rước về nhà như một nghi lễ bày tỏ lòng hiếu thảo và mong cầu phúc thọ.

Sự việc diễn ra tại thị trấn Song Khê Khẩu, huyện Đào Nguyên, thành phố Thường Đức. Theo truyền thống dân gian địa phương, họ tin rằng việc để người thân ''trải nghiệm'' nghi lễ rước quan tài sẽ mang lại may mắn, sức khỏe và trường thọ.

Trong đoạn video lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, cụ bà ngồi vui vẻ trong quan tài, tay cầm quạt, trong khi 16 người chia làm hai hàng trước sau, khiêng quan tài diễu hành qua đường làng. Đi sau là ban nhạc kèn trống và một đám đông người dân tò mò đi theo.

Khi quan tài về tới nhà, gia đình thực hiện nghi lễ thắp nhang và dâng lễ vật. Tang – một người dân trong làng, cho biết anh từng chứng kiến nghi lễ này 3 lần.

''Đây là một truyền thống nông thôn, thể hiện sự hiếu thảo. Người già thường rất vui khi được tổ chức như vậy, nhưng ngày nay không còn phổ biến'' - Tang chia sẻ.

Trong tiếng Trung Quốc, quan tài phát âm gần giống từ ''phát tài'', nên thường được xem là điềm lành. Vì vậy, ''lễ tang cho người sống'' hay còn gọi là ''hỷ táng'' không mang ý nghĩa tang thương mà là cách cầu phúc, chúc thọ.

Tang cho biết toàn bộ buổi lễ, bao gồm người khiêng, ban nhạc và tiệc đãi khách tốn khoảng 20.000 nhân dân tệ (gần 2.800 USD).

Ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, người cao tuổi từ 70 trở lên thường được chuẩn bị sẵn quan tài. Việc rước quan tài không có quy định cố định, nhưng theo phong tục, thường có 8 hoặc 16 người khiêng. Một quy tắc ngầm trong lễ rước là quan tài không được chạm đất.

Câu chuyện này cũng gây ra nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Một người viết: ''Lần đầu tiên tôi thấy người còn sống được rước trong quan tài''. Một người khác bình luận: ''Chuẩn bị quan tài ở tuổi 70 là điều quen thuộc, nhưng tổ chức long trọng thế này thì thật hiếm thấy''.

Nhật Minh (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI