Hành trình lận đận hơn 1 thập kỷ
Năm 1962, công ty Joel Productions của tài tử Kirk Douglas (cha của Michael Douglas) công bố đã giành được bản quyền chuyển thể tiểu thuyết One Flew Over the Cuckoo's Nest sang sân khấu Broadway và điện ảnh. Kirk Douglas sẽ đảm nhận vai R.P. McMurphy trong cả hai phiên bản. Phiên bản kịch ra mắt năm 1963 - 1964 dưới bàn tay đạo diễn của Dale Wasserman đã gặt hái thành công, tuy nhiên, Douglas lại không thể thuyết phục được bất kỳ hãng phim lớn nào hợp tác sản xuất phiên bản điện ảnh.
 |
Ra mắt cách đây nửa thể kỷ, thành công của Bay trên tổ chim cúc cu vẫn là kỳ tích ít tác phẩm nào có thể vượt qua |
Phải đến tháng 1/1975, sau hơn 1 thập kỷ loay hoay phát triển, dự án mới chính thức được bấm máy tại Salem, bang Oregon. Dù Kirk đã nhường quyền sản xuất cho Michael Douglas, ông vẫn mong muốn được tiếp tục thể hiện vai McMurphy trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, đạo diễn Miloš Forman và nhà sản xuất Saul Zaentz cho rằng ông không còn phù hợp với nhân vật vì lý do tuổi tác, và quyết định trao vai diễn này cho Jack Nicholson. Lựa chọn này đã tạo ra căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa hai cha con, dù Michael Douglas khẳng định ông không phải người đưa ra quyết định thay thế cha mình.
Bay trên tổ chim cúc cu công chiếu lần đầu tại các rạp Sutton và Paramount ở New York vào ngày 19/11/1975 và nhanh chóng trở thành hiện tượng phòng vé. Phim thu về 109 triệu USD, trở thành bộ phim ăn khách thứ hai trong năm 1975 tại Mỹ, chỉ xếp sau Jaws. Vào thời điểm đó, tác phẩm cũng nằm trong nhóm 7 phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Phim cũng giành 9 đề cử Oscar, trong đó có 5 giải thưởng quan trọng nhất: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc, Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc và Kịch bản chuyển thể xuất sắc. Đây là bộ phim thứ hai trong lịch sử điện ảnh Mỹ (sau It Happened One Night năm 1934) làm được điều này và chỉ có The Silence of the Lambs (1991) tái lập kỳ tích tương tự.
 |
Jack Nicholson đã chiến thắng tượng vàng Oscar với vai diễn R.P. McMurphy sau 5 lần được để cử nhưng thất bại |
Thế nhưng, ít ai biết rằng vào thời điểm ấy, nam chính Jack Nicholson, người đóng vai R.P. McMurphy, đã không hề muốn đến dự lễ trao giải Oscar. Từng năm lần được đề cử rồi thất bại, ông nói với Michael Douglas rằng mình không thể chịu thêm một lần hụt hẫng. Douglas phải vất vả thuyết phục ông đến dự. Và sau khi bốn hạng mục đầu tiên đều thất bại, chính Nicholson đã quay sang nói: "Tôi đã nói rồi mà, Mikey D!". Nhưng mọi thứ sau đó là lịch sử: một chiến thắng trọn vẹn cho một bộ phim bị Hollywood từ chối nhiều năm trước đó.
Thành công “nâng vị thế” cho Michael Douglas
Đây cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tiên Michael Douglas sản xuất. Là con trai của tài tử Kirk Douglas, người từng thủ vai McMurphy trên sân khấu Broadway, Michael thừa hưởng bản quyền chuyển thể từ cha và biến giấc mơ điện ảnh của cha thành hiện thực. Vai diễn McMurphy lẽ ra là của Kirk, nhưng chính sự kế thừa của người con trai mới tạo nên bước ngoặt không chỉ cho sự nghiệp Douglas, mà còn thay đổi cả dòng chảy điện ảnh Mỹ.
 |
Nhân vật y tá Ratched cũng mang về cho Louise Fletcher giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Oscar 1976 |
Một trong những ký ức khó quên với đoàn phim là việc tất cả đã cùng sống và quay phim ngay tại bệnh viện tâm thần bang Oregon (Mỹ). Họ ở cùng một nhà nghỉ, đi cùng một chiếc xe buýt mỗi sáng đến phim trường. Không khí sống tập thể giúp diễn viên dễ dàng gắn kết và nhập vai sâu hơn. Danny DeVito thậm chí từng xin ngủ lại trong bệnh viện để giữ cảm xúc, nhưng bị từ chối vì tầng trên có bệnh nhân phạm tội giết người.
Bối cảnh quay phim chính là bệnh viện thật, nơi tác giả Ken Kesey đặt ra trong tiểu thuyết gốc. Giám đốc bệnh viện khi ấy, ông Dean Brooks, không chỉ ủng hộ đoàn làm phim mà còn trực tiếp đóng vai bác sĩ John Spivey. Ông phân công mỗi diễn viên theo sát một bệnh nhân để tìm hiểu tâm lý và thói quen. Một số bệnh nhân thậm chí được tham gia hỗ trợ trong tổ quay. Mãi sau này, Michael Douglas mới phát hiện nhiều người trong số đó là tội phạm tâm thần nguy hiểm.
Ở những cảnh quay trị liệu nhóm, đạo diễn Miloš Forman cùng quay phim Haskell Wexler đã dùng đến 3 máy quay đồng thời để ghi lại các phản ứng chân thật nhất từ diễn viên, điều hiếm thấy ở thời đó do chi phí cao, nhưng lại góp phần tạo nên chất điện ảnh tự nhiên và sống động.
Danny DeVito, người đầu tiên được chọn vào vai Martini, kể rằng đạo diễn Forman sau khi xem anh diễn trên sân khấu đã hô lên đầy hào hứng: "Danny! Hoàn hảo! Nhận vai!". Ngoài DeVito, phim còn quy tụ dàn sao trẻ lúc bấy giờ như Christopher Lloyd và William Redfield.
 |
Phim được quay tại bệnh viện tâm thần bang Oregon (Mỹ) |
William Redfield, thủ vai Harding, bệnh nhân trí thức và trầm lặng trong phim, là một trong những diễn viên gạo cội, từng góp mặt trong nhiều vở Broadway danh tiếng và là thành viên sáng lập của Actor’s Studio. Tuy nhiên, điều đau lòng là ngay trong quá trình quay phim, đoàn làm phim phát hiện Redfield đang mắc bệnh bạch cầu và không còn nhiều thời gian. Ông qua đời chỉ 1 năm sau đó, năm 1976, ở tuổi 49. Dù vậy, vai diễn của ông trong Bay trên tổ chim cúc cu được xem là một trong những dấu ấn cuối cùng và đẹp đẽ nhất trong sự nghiệp.
Giờ đây, khi nhìn lại sau nửa thế kỷ, Michael Douglas chia sẻ: "Tất cả như một chuyện cổ tích. Ngay cả tượng vàng Oscar cho nam chính tôi nhận được sau này cũng không thể vượt qua khoảnh khắc tuyệt vời đó, vào những ngày đầu tiên trong sự nghiệp của tôi".
Bay trên tổ chim cúc cu không chỉ là dấu son trong điện ảnh Mỹ, mà còn là minh chứng cho sức sống bền bỉ của một câu chuyện nhân văn, nơi những con người bị coi là điên rồ lại trở thành tiếng nói phản kháng mạnh mẽ nhất chống lại sự áp bức và vô cảm trong xã hội hiện đại.
Hoàng Duy