Indonesia nỗ lực ''giải cứu'' dòng sông ô nhiễm nhất thế giới

12/07/2025 - 22:03

PNO - Con sông Citarum tại đảo Java, Indonesia là “dòng sông ô nhiễm nhất thế giới”, mặt nước dày đặc rác thải đến mức gần như không thể nhìn thấy nước bên dưới.

Sông Citarum, Indonesia bị ô nhiễm nghiêm trọng, mặt nước gần như bị che phủ hoàn toàn bởi rác thải nhựa, túi nilon và đủ loại rác sinh hoạt.
Sông Citarum, Indonesia bị ô nhiễm nghiêm trọng, mặt nước gần như bị che phủ hoàn toàn bởi rác thải nhựa, túi nilon và đủ loại rác sinh hoạt. Ảnh: ibanplastic

Nằm trên đảo Java, sông Citarum dài 290km từng cung cấp nước uống, tưới tiêu và thủy điện cho gần 30 triệu người, giờ đây nổi tiếng toàn cầu với danh xưng đáng buồn: ''dòng sông ô nhiễm nhất thế giới''. Lượng rác thải khổng lồ phủ kín mặt nước, nhiều đoạn không còn thấy dòng chảy.

Wida Widiarti, cư dân sống gần Bandung, đã chứng kiến tận mắt sự tàn lụi của dòng sông gắn bó suốt đời mình. ''Người ta có dọn, nhưng rác lại quay trở lại'' - cô chia sẻ trong khi cùng con gái nhỏ đứng bên bờ sông, nhìn xuống mặt nước đặc quánh rác nhựa, chai lọ, dép hỏng và vô số thứ không còn nhận dạng được.

Bandung là thành phố được bao quanh bởi núi non, đồng lúa và núi lửa, là điểm đến du lịch nổi tiếng, nhưng giống như nhiều nơi khác ở Đông Nam Á, khủng hoảng rác thải ẩn sau vẻ đẹp tự nhiên đang là mối đe dọa nghiêm trọng. Dân số tăng nhanh, du lịch đại trà, nhựa dùng một lần tràn lan, thiếu hệ thống phân loại và tái chế là nguyên nhân chính. Tại nhiều khu vực, rác thải vẫn bị đổ bừa bãi ra môi trường, do không có hệ thống thu gom hoạt động hiệu quả.

Rác thải vẫn chất đống xung quanh sông Citarum dù nỗ lực cải thiện của chính quyền nhưng không đáng kể. -Ảnh: James Wendlinger
Rác thải vẫn chất đống xung quanh sông Citarum dù chính quyền Indonesia đã nỗ lực cải thiện tình trạng này. Ảnh: James Wendlinger

Không riêng Citarum, nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực cũng đang chịu chung cảnh ngộ. Mỗi mùa mưa, hàng tấn rác trôi dạt lên bờ biển Bali, nơi từng được ca ngợi với những bãi biển nguyên sơ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Thái Lan, ở các hòn đảo nổi tiếng như Koh Samui hay Phuket – nơi hệ thống xử lý rác chưa được đầu tư.

Sự ô nhiễm nghiêm trọng tại Citarum bắt nguồn từ những năm 1980, khi Tây Java trở thành trung tâm công nghiệp. Theo Greenpeace, hơn 2.700 nhà máy, chủ yếu là dệt may đã xả trực tiếp hóa chất độc hại như kim loại nặng, thuốc nhuộm và vi nhựa xuống dòng sông. Chính phủ Indonesia từng xác định mỗi ngày có tới 340.000 tấn rác thải nguy hại đổ vào Citarum, khiến dòng nước đen ngòm và bốc mùi hóa chất.

Năm 2018, cựu Tổng thống Joko Widodo phát động chiến dịch ''Citarum Harum'' với mục tiêu làm sạch dòng sông trong vòng 7 năm, đưa nước về trạng thái có thể uống được.

Tuy nhiên, sau 7 năm, kết quả đạt được vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số nhà máy xử lý nước thải mới đã được xây dựng, góp phần cải thiện chất lượng nước, song tình trạng xả lén chất thải công nghiệp, đặc biệt vào ban đêm vẫn diễn ra phổ biến. Một nghiên cứu năm 2023 còn chỉ ra rằng rác rò rỉ từ bãi rác lớn nhất tỉnh cũng đang ngấm vào sông.

Cảnh tượng rác thải chất đống trên dòng sông tiếp tục gây nhức nhối. Năm ngoái, loạt hình ảnh các quan chức chèo thuyền vớt rác trên một mảng rác khổng lồ dài tới 3km, nặng khoảng 100 tấn, lan truyền mạnh trên mạng xã hội. Trong khi đó, nhiều hộ dân sống ven sông vẫn phải mua nước đóng chai vì không có nước sạch để sử dụng, vô tình góp phần làm tăng lượng nhựa thải.

''Không thể cứu Citarum chỉ bằng việc vớt rác, nếu chúng ta không xử lý tận gốc, từ siết chặt quản lý công nghiệp, nâng cao nhận thức cộng đồng đến xây dựng hệ thống xử lý rác bền vững, thì Citarum sẽ tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng'' - nhà hoạt động môi trường Daru Setyorini thuộc tổ chức Ecoton nhấn mạnh.

Thu Vân (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI