Sợ… giỏi hơn chồng

11/07/2025 - 19:30

PNO - Việc nên làm không phải là ẩn mình, không phải sống trong sợ hãi mà là khích lệ chồng cùng nỗ lực để có thành tựu.

Ở công ty, chị Thúy là một phó giám đốc cực kỳ sắc sảo, chuyên môn giỏi, bản lĩnh, kinh nghiệm nghề nghiệp không ai bằng, kể cả giám đốc. Cái uy của chị trong công ty rất lớn, nhân viên vừa sợ vừa nể, răm rắp nghe lời. Ấy vậy mà về nhà, chị trở thành một người hoàn toàn khác.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Anh Vũ - chồng chị - không phải tệ. So với mặt bằng chung, anh cũng đạt tiêu chuẩn với vẻ ngoài khá ưa nhìn, công việc ổn định ở một cơ quan nhà nước. Tài sản tích cóp được sau nửa đời phấn đấu cũng có nhà, xe dù chỉ là căn chung cư vừa phải và chiếc xe hơi thuộc dòng không quá đắt đỏ. Thế nhưng, khi đặt lên bàn cân so sánh, ai cũng thấy chị Thúy nổi trội hơn chồng. Điều đó vô tình đẩy chị vào thế khó - luôn mang cảm giác có lỗi với chồng, khiến chồng không vui chỉ vì mình thành công hơn anh.

Để chồng bớt chạnh lòng, chị Thúy ít nói chuyện công việc khi về nhà. Bước qua cánh cửa căn hộ, chị như thành một người đàn bà khác: bao quyết đoán, nhanh nhạy nhường chỗ cho sự nhún nhường, khiêm tốn, lùi lại phía sau chồng. Mọi chuyện trong nhà, chị đều để chồng quyết. Có khi, sự trù trừ, do dự, tính toán sai của anh gây thiệt hại không ít: từ chuyện lớn như mua bán bất động sản, đầu tư việc học hành cho con tới chuyện nhỏ như sửa nhà, mua đồ nội thất…

Chị Thúy nhìn thấy hết nhưng không tiện “ra tay” bởi chị sợ chồng không thoải mái khi thấy vợ giỏi hơn mình. Chị chỉ âm thầm “khắc phục hậu quả” hết sức có thể.

Không phải Vũ không biết mình sai nhưng anh không can đảm vượt qua cái tự ái của đàn ông mà nhìn nhận. Càng lớn, các con càng nhận ra trong nhà, mẹ mới thực sự là chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần, bất chấp mẹ không thừa nhận và ba vẫn diễn vai trụ cột. Có việc gì quan trọng, các con lại hỏi ý kiến mẹ. Rồi chị Thúy lại phải cố gắng nghĩ cách làm sao khéo léo biến ý kiến của mình thành ý kiến của chồng để anh tròn vai chủ gia đình.

Sau nhiều năm để chồng đóng vai chính trong nhà, bỗng một ngày chị Thúy cảm thấy mệt. Chị rã rời khi luôn phải “diễn” vai phụ trong chính ngôi nhà của mình, dẫu mục đích chỉ để giữ ấm êm. Chị ngưỡng mộ và ước ao khi thấy bạn bè, đồng nghiệp nữ được chồng động viên, sát cánh khi họ đạt được những thành tựu trong cuộc sống. Chị không biết có phải mình đã sai khi chọn một người chồng luôn e ngại vợ thành công, lo lắng khi vợ tiến xa trên con đường sự nghiệp.

Hôm nay, chị nghe trên ti vi chuyên gia tâm lý nói thế này: “Đàn ông không có thực lực mới sợ đàn bà tài giỏi. Đừng lo sợ khi mình làm cái này, cái kia… thì người ta không yêu mình nữa. Không có đúng, cũng chẳng có sai, chỉ là phù hợp hay không. Hạnh phúc đến từ sự nỗ lực. Bạn nỗ lực vì bạn muốn sống một cuộc đời giá trị và ý nghĩa. Việc nên làm không phải là ẩn mình, không phải sống trong sợ hãi mà là khích lệ chồng cùng nỗ lực để có thành tựu”.

Đúng rồi, cái sai của chị Thúy là luôn cố tình “chuyền bóng” cho chồng ghi bàn, trong khi Vũ không phải tiền đạo giỏi. Chị không nhìn thấy anh có khả năng hơn trong vai trò hậu vệ hoặc thủ thành. Điều đó khiến chị luôn nghĩ mình phải “nhún nhường” trước chồng, còn anh bị trao quyền sai chỗ càng trở nên tự ti, ức chế.

Có lẽ vợ chồng chị cần một ngày hẹn hò lãng mạn, cùng thủ thỉ chuyện trò, cùng nhìn nhận thẳng thắn sở trường, sở đoản của nhau, cùng động viên nhau để phối hợp nhịp nhàng. Quan trọng là mỗi người được sống thật với chính mình, với những người thân yêu. Khi đó, gia đình mới thực sự là nơi chốn đi - về, là tổ ấm.

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI