Cầu hôn sao cho văn hóa?

22/01/2018 - 09:52

PNO - Chúng ta có truyền thống cầu hôn không, hay chỉ là sự học đòi phim ảnh? Và có cần phải dạy giới trẻ về một thứ gọi là văn hóa cầu hôn?

Màn cầu hôn của hai nhân vật showbiz Trường Giang và Nhã Phương trên sóng trực tiếp của một chương trình truyền hình đang gây ồn ào dư luận. Người chê rất nhiều, kẻ khen cũng có, đặt ra những cuộc tranh luận gay gắt quanh chuyện cầu hôn. 

Cau hon sao cho van hoa?
 

Diễn viên - MC Khánh Huyền: Người Việt cầu hôn kiểu… gia đình

Dù đã qua 2 lần đò, nhưng tôi không có kỷ niệm lãng mạn nào liên quan đến việc được cầu hôn và bạn bè, người xung quanh của tôi hình như cũng thế. Tôi nghĩ, việc cầu hôn nên trở thành một nghi lễ, một kỷ niệm đẹp là điều nên có.

Tôi thấy đàn ông Việt của chúng ta đa phần chưa biết nói ra những lời đẹp đẽ, chưa biết thể hiện tình yêu của mình, mà cứ nghĩ và cứ để cho người kia phải tự hiểu, rồi đám cưới diễn ra như một sự… tất nhiên. Ở phương Tây, tình yêu và hôn nhân là hai khái niệm không phải lúc nào cũng song hành cùng nhau. Có khi họ sống chung rất lâu vẫn chỉ coi nhau như tình nhân. Chính vì thế, việc ngỏ lời: “Em làm vợ anh nhé” luôn luôn là sự bất ngờ mang đến hạnh phúc tuyệt vời. 

Cau hon sao cho van hoa?
 

Người Việt thường nghĩ yêu nhau là phải cưới. Tình yêu chỉ được chấp nhận khi nó có tương lai là hôn nhân. Hai người trẻ yêu nhau, bố mẹ hỏi: “Có cưới không, để bố mẹ sang hỏi nhà người ta”. Thế là thành đám cưới. Lễ ăn hỏi của ông bà xưa có bóng dáng của một việc cầu hôn mang tính… gia đình.

Hiện nay, giới trẻ có vẻ đã khác nhiều. Trên mạng đã lan truyền những cuộc cầu hôn khá ly kỳ của các sinh viên. Lúc đầu, có thể là chưa được hay, nhưng lâu dần, tôi nghĩ có thể nó sẽ trở thành một nếp sống mới.

Diễn viên Trịnh Kim Chi: Nên thi vị hóa hôn nhân

Mình cũng chưa từng có được cảnh cầu hôn lãng mạn như phim ảnh bao giờ. Ông xã khi đó ở xa, gọi điện thoại hỏi mình: “Cuối năm anh về, đầu năm làm đám hỏi nhé”. Mình chấp nhận, thế là xong. Gần đây, mình được xem khá nhiều clip các màn cầu hôn lãng mạn, sáng tạo, bất ngờ của các bạn trẻ. Mình thấy dễ thương và thích thú. 

Nếu điều đó thi vị hóa đời sống hôn nhân thì sao lại không ủng hộ. Trong giới nghệ sĩ, mình cũng từng chứng kiến những cảnh cầu hôn lãng mạn, như khi một hoa hậu được cầu hôn trên một chiếc du thuyền, giữa bạn bè thân thiết. Thật cảm động và ngưỡng mộ. 

Cau hon sao cho van hoa?
 

Tuy nhiên, mình nghĩ để có những cảnh cầu hôn đẹp, đáng ghi nhớ thì người cầu hôn phải chuẩn bị chu đáo, phải hiểu rõ mong chờ, ý muốn của người mình cầu hôn, phải chọn lựa khung cảnh phù hợp và những người chứng kiến phù hợp. Bởi vì chỉ một trục trặc nho nhỏ, một chút tổn thương cũng sẽ làm mất đi ý nghĩa của hành động. 

Khi được chứng kiến những cảnh cầu hôn lãng mạn ngoài đời hay trên phim ảnh, chắc chắn sẽ có nhiều cô gái ước muốn mình được cầu hôn như vậy. Thế nhưng đừng lấy làm tủi thân nếu người mình yêu không như thế. Những hành động này còn quá xa lạ với đời sống văn hóa, thói quen của người Việt. Có người thích hợp, có người không. Có người đàn ông có thể làm được, có người không đủ tự tin thể hiện tình cảm. Có cô gái sung sướng mà cũng có thể có cô gái mắc cỡ. Nói chung là tùy người, tùy cảnh. Mọi thứ phải tự nhiên, phải đúng với tính cách, tình cảm của mỗi người thì mới có ý nghĩa.

Trần Vân Anh: “Em làm vợ anh nhé” là đủ!

Tôi bước vào cuộc hôn nhân với người đàn ông giản dị, nên màn cầu hôn lãng mạn là không có. Như nhiều phụ nữ khác, tôi cũng ngưỡng mộ những người đàn ông mang hạnh phúc đến cho bạn gái của mình bằng những màn cầu hôn đẹp đẽ. Tuy nhiên, tôi thích điều này diễn ra riêng tư, giữa hai người với nhau và người đàn ông chỉ cần nói giản dị “em làm vợ anh nhé” chẳng hạn, chỉ cần thế là đủ. Không cần đao to búa lớn, chẳng cần phải nến, hoa với nhẫn kim cương. Chỉ cần một vòng tay ấm áp và một nơi thật yên tĩnh và thật đẹp.

Cau hon sao cho van hoa?
 

Tôi sợ nhìn thấy những màn cầu hôn ồn ào, giữa đông người, kiểu như nhiều bạn trẻ hôm nay làm. Tôi thấy nó giả tạo, nó diễn thế nào ấy. Tôi biết ở nước ngoài họ làm thế, nhưng điều đó phù hợp với văn hóa của họ, tính cách của họ. Còn ở ta, nếu làm thế là sẽ phải tập, phải chuẩn bị, phải diễn, mà như thế thì kỳ cục lắm.

Đạo diễn Phương Điền: Quan trọng là sống với nhau thế nào

Tình yêu của tôi và bà xã không phải là kiểu tình yêu sét đánh. Tình yêu đến với tôi khi tôi đã trưởng thành và chín chắn. Gặp được cô gái nhỏ dễ thương và hợp ý mình, tôi đã lựa thời cơ hỏi cô có đồng ý làm vợ tôi không. Cô trả lời là cô cũng thích tôi, cảm thấy ở tôi người đàn ông đàng hoàng, nhưng vẫn phải để cô về hỏi ý kiến ba mẹ. Khi ba mẹ cô biết tôi lớn tuổi thì cũng yêu cầu cô đưa tôi về ra mắt, xem thế nào… Nói chung là mọi việc diễn ra bài bản như cách thức của các cụ ngày xưa.

Vợ tôi khi đó rất trẻ, ít tiếp xúc với bên ngoài, cô ấy cũng giản dị, hiền lành, nên tôi nghĩ nếu có diễn những cảnh lãng mạn với cô ấy, khéo lại thành… lãng xẹt. Các bạn trẻ ngày nay thích những điều lãng mạn, những cảnh cầu hôn ồn ào, phô trương, theo tôi nghĩ là do tiếp xúc với internet và muốn bắt chước phương Tây, tôi chẳng thích và chẳng ủng hộ điều này. Với trường hợp cầu hôn của Trường Giang và Nhã Phương vừa rồi, khi xem lại clip và biết diễn biến tình cảm của họ, tôi có cảm nhận là có gì đó không ổn khi nó làm cho cô gái mắc cỡ, không có sự rung động nào… Như thế thì liệu nó còn có ý nghĩa không hay chỉ là một cách đẩy nhau tới chỗ phải nhờ sự giúp sức của truyền thông? 

Tôi nghĩ cầu hôn là giây phút thiêng liêng giữa hai người nên cần phải kín đáo và có cảm xúc rung động thực sự chứ không phải là những màn diễn hay với mục đích nào khác. Quan trọng là sau đó sống với nhau như thế nào, có giữ được hạnh phúc bền chặt hay không. 

Song Văn (thực hiện)

Dù trong bất kỳ nền văn hóa nào, cầu hôn người mình yêu cũng cần sự chân thành. Mỗi phụ nữ sẽ có một ước mơ về ngày mình được cầu hôn, mỗi người thích mỗi kiểu khác nhau: người thích được cầu hôn hoành tráng, phô trương, kiểu như cho cả thế giới biết, nhưng cũng có người chỉ cần không gian riêng tư hai người là đủ. Tuy nhiên, dù thích kiểu nào thì chúng ta cũng nên “có văn hóa” mỗi khi cầu hôn. Thứ nhất, cầu hôn đừng làm “kinh thiên động địa”, gây ảnh hưởng đến người xung quanh, khiến người khác phải khó chịu vì bị quấy rầy. Thứ hai, đừng đặt người mình yêu vào tình huống khó xử. 

Bởi vì tình yêu không cần chứng minh cho cả thế giới, chỉ cần chứng minh với riêng người mình yêu thôi. Bất kỳ cô gái nào cũng yêu thích sự lãng mạn, nhưng lãng mạn nhất vẫn nên là chỉ khi có hai người, thì thầm vào tai nhau mà cam kết, ở một chốn bồng lai tiên cảnh nào đó. Lãng mạn không bao giờ là ồn ào gào thét với cả nhân loại. 

Cầu hôn là hành động minh chứng tình yêu, là lời cam kết yêu thương gắn bó suốt đời, thế nên hãy khéo léo lựa lời mà nói, đừng mang vật chất ra để mong đối phương gật đầu. Phụ nữ vẫn luôn thích những người đàn ông ngọt ngào nhưng chắc chắn một điều là không bao giờ thích gắn bó với người đàn ông thích gây áp lực cho cô ấy. Vì thế, cầu hôn là minh chứng tình yêu, không phải là lúc buông lời “hù dọa” kiểu như “em mà không đồng ý thì anh sẽ biến mất khỏi cuộc đời này”.

Sau cùng, cầu hôn chỉ là một bước ngoặt, chúng ta cần yêu thương cả đời, minh chứng cả đời, thế nên lúc bắt đầu cần sự chân thành, xuất phát từ trái tim yêu thương. Mọi sự màu mè phù phiếm chỉ là một cơn gió thoảng qua, mua vui cho thế giới, nhưng bản thân ta nào có cảm nhận được gì!

 An Đông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI