Câu chuyện quân nhân Mỹ nỗ lực giải cứu người phiên dịch ra khỏi Kabul

19/08/2021 - 05:59

PNO - “Anh ấy không chỉ là một người phiên dịch, mà thật sự là anh em của tôi, nói cách khác, cũng là một đồng đội thủy quân lục chiến của tôi”, Schueman nói về Zak.

Con phố yên tĩnh ở Rhode Island (Hoa Kỳ) nơi thiếu tá thủy quân lục chiến Thomas Schueman sống cùng gia đình giờ đây đang là một thế giới hoàn toàn khác xa với tình hình ở Afghanistan, nơi anh đã phục vụ với tư cách cố vấn cho một đại đội trinh sát cách đây hơn 10 năm.

Kiên định giúp bạn thoát thân

Khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul hôm Chủ nhật 15/8, Schueman đã gần như tuyệt vọng trong việc cố gắng tìm cách giúp Zak - một cựu thông dịch viên người Afghanistan - đang “mắc kẹt” cùng nhiều người khác khi chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ.

Thiếu tá Thủy quân lục chiến Thomas Schueman quyết tâm đưa người phiên dịch Zak và gia đình ra khỏi Kabul, Afghanistan. Ảnh: ABCnews
Thiếu tá thủy quân lục chiến Thomas Schueman quyết tâm đưa người phiên dịch Zak và gia đình ra khỏi Kabul, Afghanistan - Ảnh: ABCnews

“Anh ấy không chỉ là một người phiên dịch, mà thực sự là anh em của tôi, nói cách khác, Zak như một đồng đội thủy quân lục chiến của tôi. Tôi muốn thực hiện cam kết với những người mà tôi từng làm việc và chỉ huy”, Schueman nói trong chương trình Nightline của đài ABC.

Thiếu tá Schueman hy vọng đưa được Zak và gia đình đến sân bay hoặc một nơi an toàn. Anh đã gọi hết cuộc gọi này đến cuộc gọi khác nhờ giúp đỡ cho đến rạng sáng thứ hai 16/8.

Zak gần như là một “bí danh”, là thông tin duy nhất để xác định người mà anh muốn tìm, đồng thời, đó là cách bảo vệ danh tính để bảo đảm cho sự an toàn của người phiên dịch còn kẹt lại.

Chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi sau khi Mỹ rút quân, Afghanistan đã rơi vào tay Taliban. Đây là điều đáng kinh ngạc xảy ra sau 20 năm người Mỹ chiến đấu và chi tiêu 2 nghìn tỷ USD. Gần 2.400 lính Mỹ, 66.000 chiến binh quân đội quốc gia và hơn 47.000 thường dân Afghanistan đã thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài hai thập niên.

Người dân tập trung bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Kabul ngày 17/8 với hy vọng được rời khỏi Afghanistan. Ảnh: AFP
Người dân tập trung bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Kabul ngày 17/8 với hy vọng được rời khỏi Afghanistan - Ảnh: AFP

Sự hoảng loạn gia tăng từng phút bởi tình trạng cấp bách vào lúc Taliban hành quân, người ta đã tự hỏi liệu sự hy sinh đó có vô ích không? Những người Afghanistan kẹt lại sẽ phải trả giá thế nào? Và Schueman cũng sốt ruột như vậy khi nghĩa về Zak.

6.000 lính Mỹ được lệnh tiến thẳng đến Kabul để hỗ trợ việc sơ tán nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ và những người Afghanistan từng phục vụ cho sứ mệnh của Mỹ. Vào tháng 4, Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ thực hiện tốt hiệp ước đã đàm phán từ chính quyền Trump với Taliban để rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan. Và chỉ năm tuần trước đây, ông Biden vẫn khẳng định những gì mà chúng ta đã chứng kiến trong những ngày qua sẽ không xảy ra.

Trong bối cảnh bị chỉ trích, Tổng thống Joe Biden thừa nhận Taliban đã chiếm Afghanistan nhanh hơn dự kiến. “Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, những diễn biến trong tuần qua đã củng cố việc chấm dứt sự can dự của quân đội Mỹ ở Afghanistan là một quyết định đúng đắn. Quân đội Mỹ không thể chiến đấu và hy sinh trong một cuộc chiến mà các lực lượng Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu vì chính họ”, ông nói.

Afghanistan thất thủ chưa đầy một tháng trước lễ kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 để sau đó Hoa Kỳ kiểm soát đất nước này. Như đã nói, Schueman là một trong 800.000 lính Mỹ tham gia Chiến dịch tự do bền vững, một cuộc chiến kéo dài gần hai thập niên tại Afghanistan.

“Tôi phải tin điều đó sẽ xảy ra”

Schueman lần lượt mất đi những người bạn thân yêu, đồng thời, anh cũng nhận được huy chương cho những chiến công. Năm 2010, anh gặp một thông dịch viên trẻ tuổi tên là Zak. Sau này, Zak đã nhiều lần cứu mạng Schueman.

“Tôi nghĩ đó là một sự sòng phẳng. Anh ấy sát cánh với lực lượng Hoa Kỳ và nếu chúng tôi không lo được một tấm giấy thị thực cho anh và gia đình, thì tôi nghĩ đó là một sự phản bội”, thiếu tá thủy quân lục chiến nói.

 

Cảnh chờ đợi bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, ngày 17/8. Ảnh: Reuters
Cảnh chờ đợi bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, ngày 17/8 - Ảnh: Reuters

Thời điểm Taliban lần lượt chiếm từng tỉnh và áp sát thủ đô, Zak đã trải qua nhiều ngày ở Kabul để làm các thủ tục cho vợ chồng anh và 4 đứa con (tất cả đều dưới 5 tuổi) ra đi. Cùng lúc đó từ Mỹ, Schueman cũng làm tất cả những gì có thể nhằm đưa ra kế hoạch để giúp bạn thoát thân.

Theo Schueman, điều duy nhất Taliban sẽ làm với những người từng phục vụ cho Hoa Kỳ là hành quyết họ. “Đó không phải là một kịch bản phim. Đó là những gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi không thể đưa Zak lên một chuyến bay”, Schueman nói.

Sau nhiều giờ liên lạc và chờ đợi, Schueman nhận được cuộc gọi vào khuya chủ nhật cho biết, cuối cùng Zak và gia đình đã đi bộ khoảng 1 giờ 20 phút về phía sân bay. Tuy nhiên, tia hy vọng đó đã vụt tắt chỉ vài giờ sau. Zak để lại tin nhắn thoại với nội dung: “Chúng tôi phải quay về nhà trong đêm vì tiếng súng nổ khắp nơi”.

Đến đây, trên sóng truyền hình, Schueman sụt sùi: “Tôi đã kiệt sức sau khi làm mọi thứ mà mình có thể nghĩ ra để giúp họ chạy thoát. Tôi ở lại cùng họ suốt đêm và cầu nguyện cho họ”. Dù nói đã kiệt sức, nhưng Schueman vẫn tập trung mọi nỗ lực để tìm lối thoát cho Zak và gia đình.

Hoa Kỳ hiện đã chấp thuận cho 30.000 trường hợp người Afghanistan, bao gồm cả thông dịch viên và gia đình của họ, là những người có thể gặp nguy hiểm trong chế độ Taliban, thoát khỏi Kabul, nhưng vấn đề không vận và hậu cần quá khó khăn.

Người Afghanistan tập trung bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai để chạy khỏi đất nước vào ngày 17/8 sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul. Ảnh: Shutterstock
Người Afghanistan tập trung bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai để chạy khỏi đất nước vào ngày 17/8 sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul - Ảnh: Shutterstock

Bắt đầu từ ngày 17/8, Taliban đã canh giữ con đường duy nhất dẫn vào sân bay và chỉ cho phép người nước ngoài đi qua. Họ tuyên bố đã nắm toàn quyền kiểm soát, thiết lập các chốt canh khắp Kabul để ly gián người dân địa phương với người nước ngoài.

Hiện Zak và gia đình vẫn ở Kabul nhưng tất cả những ai liên quan hoặc quan tâm đến câu chuyện hồi hộp như “Argo” - một bộ phim Hollywood năm 2012 - tiếp tục hy vọng họ sẽ được lên máy bay. “Cho đến khi tôi biết Zak đã lên máy bay, thì lúc này tôi phải tiếp tục tin rằng điều đó sẽ xảy ra”, Schueman nói.

Nam Anh (theo ABCnews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI